Truyện ngắn: Công viên ngày Tết

Quãng những năm cuối thập niên 1980, cứ Tết đến, cha tôi lại mở một quầy ảnh trong công viên Lê Nin. Khách đi chơi công viên ngày lễ đều muốn chụp một bức ảnh cả đại gia đình làm kỷ niệm. Họ đứng trước đài phun nước, cạnh vườn hoa, mặc quần áo mới đủ màu sắc, em bé thì cưỡi ngựa gỗ, cầm bóng bay, cô gái trẻ ngồi xích đu có nơ hoa chăng xung quanh.

Cha tôi bận rộn tối ngày với việc chụp, in tráng, trả ảnh. Mẹ cũng ra tiệm ảnh công viên phụ cho cha. Tôi và em gái cũng thế, mặc dù một đứa trẻ 15 tháng tuổi thì chẳng phụ được gì cả. Đấy là một trong những quãng thời gian hạnh phúc nhất của tôi cho dẫu ngay cả giao thừa, cha mẹ tôi cũng bận rộn cả ngày. Cha mẹ tôi phấn khởi vì chúng tôi đã thu được khá nhiều tiền ngay từ những ngày đầu tiên, còn tôi phấn khởi vì được ở trong công viên cả ngày.

Sang ngày thứ ba, khi tôi đã quá quen với những trò giải trí bắt đầu trở nên cũ mèm thì đột ngột trong công viên thấy xuất hiện hai nhân vật lạ. Đó là một người đàn ông mặc ba đờ xuy bằng dạ xám, đầu đội mũ phớt, chân đi giày da, và có bộ ria mép được xén tỉa cầu kỳ. Người thứ hai là một cô bé trạc tuổi tôi, tóc cắt ngắn và mặc bộ nỉ thể thao màu xanh biển rất đẹp. Chắc hẳn đấy là hai cha con dù tôi chẳng thấy họ trao đổi với nhau lời nào. Họ trải một tấm thảm hình tròn ngay cạnh tiệm ảnh của cha tôi, lại chăng thêm dây dù xung quanh trông rất giống sân khấu. Tôi không hiểu họ sẽ làm gì nhưng cảm thấy vô cùng tò mò. Tôi đứng sáp lại quan sát người đàn ông đang bày biện mấy gói giấy bản buộc kín lên rìa tấm thảm. Chừng nửa tiếng sau, người đàn ông đứng ra giữa tấm thảm và hô to:

- Xin kính mời bà con cô bác khán giả đón xem tiết mục ảo thuật vô cùng đặc sắc của đoàn chúng tôi... Những màn trình diễn kỳ lạ nhất mà chắc chắn quý vị chưa bao giờ được thưởng thức... Xin mời... Xin mời... Chúng tôi chỉ biễu diễn một buổi duy nhất... Xin mời... Xin mời...

Lời mời gọi của người làm ảo thuật thu hút được chừng hơn chục người đứng xung quanh sân khấu. Người đàn ông bắt đầu biểu diễn. Ông ta lấy từ túi áo ra một quả bóng bàn, nuốt chửng nó vào miệng, rồi trước sự ngạc nhiên của khán giả, quả bóng lại chui ra từ hốc mắt nhà ảo thuật, sau đó nhanh chóng biến mất vào không khí. Một giây sau, từ hai lỗ tai ông ta lại thòi ra hai quả bóng. Ông ép hai quả bóng vào lòng bàn tay, lập tức chúng tan chảy như sương như khói.

Hai túi áo ba đờ xuy của nhà ảo thuật cứ như cái thùng không đáy. Ông ta lôi ra từ trong túi đủ thứ đồ lỉnh kỉnh: Bóng bàn, bóng bay, dây vải lụa, cả vài tờ báo nữa. Ông làm biến mất mọi thứ rồi lại cho chúng xuất hiện trở lại trong nháy mắt trong khi tôi căng mắt không dám chớp để bắt quả tang xem ông giấu nó vào đâu. Tờ báo bị xé vụn thành chục mảnh rồi ráp lại thành chiếc khăn quàng. Khăn quàng phất phơ hóa thành quả bóng bay. Bóng bay lại chui tọt vào miệng và phì ra đằng tai thành quả bóng bàn. Cứ như thế, biến hóa khôn lường như thể có phép màu. Vừa biểu diễn, người đàn ông vừa giả bộ làm khuôn mặt ngạc nhiên, rồi nở nụ cười hóm hỉnh và nheo mắt nhìn dây vải lụa bảy màu nãy còn ở trong mũ phớt giờ chui tuốt ra từ ống tay, trong khi trên mũ trống trơn chẳng còn gì nữa hết.

- Và bây giờ tôi xin nhường sân khấu cho một nghệ sĩ trẻ. Chắc chắn quý vị cũng sẽ vô cùng thú vị với tiết mục đặc sắc này.

Cô gái lạ mặt ban nãy tiến ra giữa sân khấu. Cô ấy không có nét tươi tắn nghệ sĩ của người cha mà chẳng nói chẳng cười, mặt mũi ủ ê như đang bị chép phạt. Tuy nhiên cô ấy cũng có thể làm biến mất những quả bóng bàn và khiến các mẩu báo rách liền lại ngay trước mắt khán giả. Tôi kinh ngạc. Sao cô ấy làm được như thế? Cô ấy chỉ độ bằng tuổi tôi, mà tôi ra ngõ mua cho cha chén rượu còn ngã oạch vỡ cả chén, đổ cả rượu. Tôi gọt táo, thái hành thế nào cũng bị đứt tay. Tôi hậu đậu như thể chân tay đi mượn tạm của người khác, có học ảo thuật chắc cũng phải xấp xỉ cỡ tuổi cha cô ấy mới khiến cho giấy rách lại liền được. Tôi vỗ tay rất to bên cạnh những tiếng lộp bộp của khán giả xung quanh.

Xong màn trình diễn của cô con gái, ảo thuật gia tiến lên trước khán giả và giơ một mẩu cao màu đen bọc giấy ni lông.

- Điều gì quan trọng nhất đối với quý vị? Sức khỏe là quan trọng nhất... Đặc biệt là trong những ngày Tết, chắc không ai muốn để mình bị ốm đau bệnh tật... Chúng tôi mang đến đây một giải pháp tuyệt vời nhất cho quý vị... Đau nửa đầu, cao huyết áp, đi ngoài, khó tiêu, mẩn ngứa ngoài da, trĩ nội, trĩ ngoại... đều có thể chữa khỏi bằng cao gia truyền mười đời của gia đình chúng tôi... Cao này được làm bằng... Hãy bảo vệ sức khỏe lâu dài bằng...

Một vài người hỏi giá. Một vài người tản đi. Một hai người rút ví ra mua gói giấy bản buộc dây bốn góc đặt ở mép sân khấu.

Lát sau hai cha con người làm ảo thuật lại diễn suất thứ hai. Lại biến mất những quả bóng, lại làm liền những tờ báo đã rách và lại bán thuốc cao gia truyền. Lần thứ hai người ta chỉ xem mà không mua. Lần thứ ba người ta thậm chí còn không xem. Sân khấu chỉ vẻn vẹn có tôi và vài ba người nữa. Suất diễn kết thúc. Người làm ảo thuật không thu được đồng nào từ khán giả. Ông ta đã chào mời tất cả mọi người trừ tôi.

Từ lúc họ dỡ đồ nghề xuống bãi cỏ, chuẩn bị sân khấu, trình diễn cho đến bây giờ, khi người đàn ông xếp gọn những gói thuốc trở lại vào hòm sắt, cả hai cha con đều không để ý gì đến tôi. Cứ như thể tôi là vô hình vậy. Cô gái nói khẽ điều gì đó với cha và lập tức bị ông ta rít lên những câu mà tôi không nghe rõ, chỉ loáng thoáng thấy ông gọi con gái bằng “mày” xưng “tao”. Ông ta cằn nhằn một hồi và thái độ ấy khiến tôi kinh ngạc. Tôi vẫn thường xuyên bị mắng nhưng chưa bao giờ cha mắng tôi bằng vẻ mặt ấy. Nét tươi tắn nghệ sĩ trên sân khấu đã biến mất, giờ đôi mắt và khóe miệng đầy râu của ông ta chỉ còn lại vẻ cay nghiệt và giận dữ. Sau đó ông ta bỏ đi một hồi lâu. Chỉ còn lại cô gái ngồi trơ trọi trên chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền, vẫn với nét mặt buồn bã như thế.

Tôi thấy cô ấy thật cô đơn. Mẹ cô ấy đâu? Mẹ tôi chưa bao giờ để tôi phải đi đâu với cha một mình ngoài những lúc ông đưa tôi theo đến nhà bạn bè. Bạn bè cô ấy đâu? Em gái cô ấy đâu? Nhà cô ấy nữa. Nhà cô ấy ở đâu, có cùng thành phố với tôi không? Cô ấy học trường nào? Người đàn ông kia có phải là cha cô ấy thật không?

Tôi cứ hình dung cô gái giống như những trẻ không gia đình trong một đoàn xiếc rong thường xuyên ế khách, không bạn bè, không được đi học. Tôi muốn lại gần hỏi thăm và bắt chuyện, muốn mời cô một dây kẹo kéo vì mặc dù cô ấy có bộ quần áo biểu diễn đẹp hơn bộ quần áo mặc Tết của tôi nhưng chắc không nhiều tiền túi bằng tôi.

Hai suất diễn sau cô ấy đã bán được gói thuốc nào đâu. Nhưng nhìn khuôn mặt ủ ê lạnh giá cứ hút mãi vào đám cây âm u không người qua lại phía bên kia khu vực Nhà cười thay vì ngắm nhìn dòng người nườm nượp cờ hoa bên đài phun nước, tôi lại không dám cất lên lời nào.

Lát sau, cha cô quay trở lại. Ông ta đưa cho con gái một ổ bánh mì và họ lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc hòm sắt, lưng quay vào nhau. Buổi chiều, họ diễn thêm hai suất nữa, bán được đâu chừng hai gói thuốc. Sau mỗi lần diễn, người đàn ông lại làu bàu hành hạ con gái bằng vẻ mặt cay nghiệt. Còn cô vẫn im lặng như khi tôi nhìn thấy cô lần đầu vào buổi sáng.

Có một lúc tôi chạy đi ăn, khi quay về, chỉ trong vòng 15 phút, đã không còn thấy cha con người làm ảo thuật đâu nữa. Cả sân khấu và chiếc hòm sắt đựng thuốc cao gia truyền cũng biến mất, chỉ để lại một bãi cỏ trống trơn như thể họ chưa từng xuất hiện. Ngày hôm sau, cả hôm sau nữa, cha con người làm ảo thuật không đến diễn. Có lẽ họ đã không kiếm được nhiều tiền từ khu công viên này. Họ không may mắn như cha tôi, như những nghệ sĩ môtô bay, như ông lão phim đèn chiếu, ông lão nặn tò he, ông lão kẹo kéo, bà hàng bún riêu, cô gái bán vòng nhẫn hạt cườm hay thằng bé thổi bong bóng bay bên đài phun nước.

Hết năm ngày Tết, tôi quay lại trường học. Còn cô gái ấy, cô gái ảo thuật tài hoa có khuôn mặt ủ ê lạnh giá, cô ấy có đến trường giống như tôi không?

di li

Nguồn VTC: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/truyen-ngan-cong-vien-ngay-tet-590596.ldo