Tuổi xế chiều, gừng già liệu có còn cay?

Tôi 24 tuổi, lần đầu tiên gặp chàng, tôi gọi chàng bằng 'anh'. Sau khi biết tuổi thật của chàng, tôi thốt lên: 'Trời ơi, trẻ quá'. Tôi lắp bắp gọi chàng bằng 'chú'. Chàng đã 48, gấp đôi tuổi tôi. Gọi bằng anh nghe chừng hơi hỗn.

Thế nhưng cũng vì pha “chữa ngượng” vụng về ấy mà tôi gây ấn tượng đặc biệt với chàng. Tôi cứ nhất quyết gọi bằng chú cho đủ tôn trọng, còn chàng thì cứ xưng anh, rồi gọi tôi bằng “cháu”, coi như chia nửa sự “thiệt thòi”. Chàng bảo thế.

Mỗi chiều, chàng đều đi chơi tenis và tập GYM, xong lại tạt qua chỗ tôi uống cà phê. Hôm nào chàng cũng mang cho tôi nải chuối, mấy trái na, ổi, bưởi... mùa nào thức ấy. Hôm nào trời mưa thì chàng về nhà, không mưa thì chạy qua chỗ tôi, tuần mấy buổi. Tôi bảo chàng rắc rối, không cần phải chăm sóc “cháu” kỹ thế, nhưng chàng bảo, người lớn cần phải chăm sóc trẻ em kỹ hơn, thì trẻ mới lớn và mới chịu gọi “chú” bằng “anh”.

Ngọt ngào, tế nhị và dày dạn kinh nghiệm, đó là những gì tôi cảm nhận về chàng

Tiếc thay, chàng đã có một đời vợ, vợ đi nước ngoài, bỏ chàng bơ vơ lại với đứa con 3 tháng tuổi. Chàng nuôi con lớn, rồi nó cũng “bay” đi với mẹ. Kết quả là chàng vẫn độc thân, “neo đơn” như bây giờ. Không vướng bận, tiền tài, sự nghiệp đều rất ổn. Vậy mà khi biết tôi qua lại với chàng, dù chưa chính thức là người yêu nhưng gia đình tôi đã phản đối kịch liệt.

“Lấy nó về thì nó gọi bố mẹ bằng anh, chị à? gọi bằng bố, tao chẳng dám thưa”. Bố tôi nói thế. Tuổi chàng chỉ ít hơn tuổi mẹ tôi chút xíu. Mẹ tôi thì nói thẳng toẹt: “Gần 50 tuổi rồi, lấy về thờ hả con. Đàn ông tuổi ấy thì nó chiều được con đủ thứ, mỗi chuyện ấy là chịu thôi. Hỏi bố mày thì biết, bằng ấy tuổi thì chỉ xem hoa chứ cưỡi sao được ngựa”. Tôi cãi ngay: “Chú ấy tập thể hình mỗi ngày, trông còn trẻ và phong độ, đâu đến nỗi. Với lại, tình yêu mới là số một, chuyện ấy quan trọng gì”. “Ờ, không quan trọng, thì cứ thử đi rồi biết, lúc đó cấm kêu”.

Đối với một cô gái 24 tuổi, thì tình yêu và sự lãng mạn luôn chiếm vị trí độc tôn trong suy nghĩ, còn cái chuyện “người lớn” mà mẹ tôi nói chẳng ăn nhập gì. Hơn nữa, nhìn cơ thể khỏe khoắn của chàng, tôi tin chắc rằng chàng vẫn hừng hực sức xuân. Tôi cũng lên mạng tìm hiểu những người chơi thể thao, tập thể hình, hầu hết đều cho thông tin cần thiết là “chuyện ấy” vô cùng ổn. Thậm chí những người “yếu sinh lý” tập thể hình còn có tác dụng gấp vạn lần “thuốc tiên” tráng dương, bổ thận, cả Vigara...

Chàng không màu mè, cũng không cố gắng cưa cẩm tôi, chỉ thể hiện bằng sự quan tâm. Thế mà mưa dầm thấm lâu, mấy tháng sau, tôi đã cảm thấy gắn bó với chàng không rời được nữa. Đó cũng là lúc chàng quyết định bày tỏ ý muốn “đi bước nữa” với một cô gái “tuyệt vời” như “cháu”. Đương nhiên sau một màn tỏ tình vô cùng lãng mạn, tôi ngay lập tức gọi “chú” bằng “anh”, khởi đầu cho mối quan hệ yêu đương “đũa lệch”.

Bố mẹ tôi biết không còn cách nào ngăn cản được nên đành chấp nhận. Trước khi tôi về nhà chàng, mẹ tôi còn dặn đi dặn lại rằng, nếu không giải quyết được “vấn đề tế nhị” kia, thì tốt nhất là nên chia tay sớm, bởi càng để lâu tôi càng sa lầy vào cuộc hôn nhân ấy. “Tình dục chiếm 50 phần trăm thành quả của hôn nhân, chớ coi thường”. Tôi chẳng màng gì đến 50 phần trăm mà mẹ tôi nói, tôi nghĩ đơn giản, cứ yêu là sẽ có ham muốn.

Tuần trăng mật, tôi choáng váng với “tốc độ” yêu của chàng. Thật ra là liên tục, nhưng thời gian lại rất ngắn theo kiểu “số lượng bù chất lượng”. Tuy nhiên lúc đó tôi nghĩ, do quá hồi hộp và còn mới nên chàng không thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Tôi chờ đợi sự cải thiện nơi chàng. Chàng thì luôn tỏ thái độ rất tự tin và đôi lúc còn tự khen mình “tác chiến” được nhiều và liên tục. Vì yêu chàng nên tôi không quá thất vọng. Tôi tin vào phong độ của chàng.

Hết tuần trăng mật là trở về cuộc sống đời thường. Chàng chăm sóc tôi còn hơn cả hồi đang yêu. Mọi thứ từ bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, son phấn, giày dép, xe cộ, tiền bạc... chẳng thiếu thứ gì. Chỉ có điều tần suất yêu có giảm dần cả về số lượng lẫn thời lượng. Phải nói thật rằng, tôi luôn chờ đợi một lần được chàng đưa lên tới “đỉnh” nhưng vẫn chưa thấy.

Mỗi chiều chàng vẫn đến phòng tập GYM và sân tenis như thường lệ. Chàng chăm chú vào những bài tập thể hình sao cho đúng cách, đúng kiểu, có tác động đến cơ bắp, thể hình của chàng. Chàng nghiêm túc và cầu kỳ trong từng buổi tập, chẳng khác nào chàng xử lý một công việc quan trọng. Tôi nhận thấy chàng rất mê thể hình. Chàng thường xuyên kiểm tra cân nặng, các số đo trên cơ thể từ ngục, bụng, mông cho đến bắp tay, bắp chân, đùi... Nói chung, chàng rất tự hào về cơ thể mình và chăm chút nó còn hơn cả “chuyện ấy”.

Khi tôi thông báo có bầu, chàng vô cùng sung sướng và tự đặt luôn ra một “kế hoạch” kiêng “yêu” để khỏi ảnh hưởng đến em bé. Chuyện ấy vốn đã thưa thớt giờ lại càng thưa hơn. Khoảng hai tuần chàng mới “đòi yêu” một lần và lần nào cũng kết thúc nhanh. Lần nào “xong việc” chàng cũng xoa bụng vợ mà nựng con: “Thế thôi con nhé, đợi con ra đời rồi mẹ lại chiều bố”. Chàng nói cứ như thể chàng làm thế chỉ vì con, trong khi từ trước đến giờ chưa làm được gì hay hơn. Tôi vừa thất vọng lại vừa cảm thấy khó chịu với kiểu lấy cớ để lấp liếm đi cái “phong độ” dưới trung bình của chàng.

Nhiều lần tôi định tâm sự với mẹ tôi nhưng lại sợ bà nói mát mặt vì đã bảo rồi mà không nghe. Tôi ấm ức và cắn răng chịu đựng. Chính sự “thiếu thốn” về mặt sinh lý này khiến tôi trở nên hậm hực, khó chịu, cảm thấy không hạnh phúc. Có những đêm mất ngủ vì bức xúc, tôi còn cảm thấy mình thật sự bất hạnh khi không thỏa mãn chuyện ấy.

Đến khi sinh con, tôi phải loay hoay với con nhỏ, chồng tôi lại càng có cớ để không “dành thời gian” cho vợ chăm con. Có những hôm tôi cố ru con ngủ sớm để có thời gian ôm ấp chàng, thì chàng lại cố tình gây tiếng động để thằng bé thức giấc, rồi lại nói mát: “Thằng nhóc này chiếm luôn mẹ của bố rồi, chẳng làm được gì”. Thế rồi lăn ra ngủ mất.

Có lần tôi bức xúc nên vờ hỏi: “Em tưởng những người đàn ông thể thao nhiều sẽ rất phong độ trong chuyện ấy chứ”. Chàng đáp: “Đương nhiên rồi”. Tôi lại bảo: “Thế anh thì sao? hay là tập thể hình chưa đúng cách?”. Chàng vờ như chưa hiểu ý: “Anh tập là chuyên nghiệp nhất rồi đấy” rồi sau đó thao thao bất tuyệt về các phương pháp tăng cơ, giảm mỡ...

Tôi có nên nói thẳng với chồng về việc anh ấy rất “kém cỏi” trong “chuyện ấy” không? Hoặc nếu chồng tôi thực sự đã đến tuổi “xuống dốc” thì liệu điều tôi nói ra có khiến anh ấy cảm thấy buồn vì “lực bất tòng tâm” và mối quan hệ của chúng tôi sẽ càng tệ hơn?

Thumay099...@yahoo.com

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tuoi-xe-chieu-gung-gia-lieu-co-con-cay-d104163.html