Tuổi trẻ Vĩnh Long sáng tạo, khởi nghiệp - Bài 1: Khai thác thế mạnh tài nguyên bản địa

Bắt nhịp làn sóng khởi nghiệp trong cả nước, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang diễn ra sôi nổi, nhiều bạn trẻ dám nghĩ dám làm, tự tin theo đuổi đam mê.

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa đang là một hướng đi được nhiều người lựa chọn. Với niềm đam mê, quyết tâm khởi nghiệp cùng sự sáng tạo, một số bạn trẻ của tỉnh Vĩnh Long đã mạnh dạn chọn con đường khởi nghiệp bằng cách tạo nên những giá trị mới trên nền tảng sản phẩm truyền thống ở địa phương. Bước đầu các sản phẩm khởi nghiệp đã cho thấy hiệu quả kinh tế, được thị trường đón nhận.

Xây dựng giá trị mới cho sản phẩm truyền thống

Anh Nguyễn Thanh Việt, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế - Luật thuộc trường Cao đẳng Vĩnh Long giới thiệu các sản phẩm bánh làm từ đặc sản khoai lang Bình Tân tại Hội nghị kích cầu du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Anh Nguyễn Thanh Việt, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế - Luật thuộc trường Cao đẳng Vĩnh Long giới thiệu các sản phẩm bánh làm từ đặc sản khoai lang Bình Tân tại Hội nghị kích cầu du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Với niềm đam mê nấu ăn từ nhỏ, anh Nguyễn Thanh Việt (38 tuổi), Phó khoa phụ trách Khoa Kinh tế - Luật thuộc Trường Cao đẳng Vĩnh Long đã nghiên cứu và dùng khoai lang làm nguyên liệu chính để cho ra đời nhiều dòng bánh nhằm tăng giá trị cho khoai lang, tạo thêm sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Long. Những sáng tạo không ngừng từ khi bắt đầu khai thác giá trị củ khoai lang đã giúp anh liên tục nhận giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, khu vực và cả nước trong các năm 2018, 2019 và 2020.

Anh Nguyễn Thanh Việt chia sẻ, nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân - vùng nguyên liệu đặc sản khoai lang của tỉnh, chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá rẻ chỉ khoảng 1.000 đồng/kg đã thôi thúc anh tìm nên những giải pháp để nâng cao giá trị loại nông sản này. Anh trăn trở: “Khoai lang Bình Tân là thương hiệu riêng của Vĩnh Long, không nơi đâu có được nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng như nơi đây. Tuy nhiên, trước giờ sản phẩm này chỉ xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khoai lang đến tay người tiêu dùng Vĩnh Long chỉ là khoai ở các địa phương khác và thực tế họ cũng đơn thuần sử dụng luộc chín để ăn. Giá trị của của khoai lang Bình Tân cần được khai thác đúng mức”.

Từ những trăn trở ấy, anh bắt đầu nảy sinh và quyết tâm thực hiện ý tưởng làm ra những sản phẩm chế biến từ củ khoai lang. Tháng 7/2019, anh Nguyễn Thanh Việt cùng vợ thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên bánh Nhật Ngọc, triển khai sản xuất hàng loạt sản phẩm từ khoai lang cung ứng ra thị trường. Bánh Hạnh Phúc là một trong những sản phẩm đầu tay của anh và được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng khá nhiều trong các buổi tiệc, hội nghị. Bánh được làm từ 60% là khoai lang, có nhân dừa hoặc đậu xanh. Bên cạnh việc tận dụng màu sắc đa dạng của của khoai lang, anh Nguyễn Thanh Việt còn mày mò kết hợp nhiều loại nông sản như bí đỏ, củ dền, hoa đậu biếc… để tạo hương vị khác biệt cho từng chiếc bánh. Đặc biệt, hình thức bánh Hạnh Phúc cũng khá được chăm chút, vỏ hộp làm khéo léo từ những chiếc lá dừa nước vốn quen thuộc với người dân Nam Bộ, từ đó tạo nên cảm giác tuy lạ mà quen cho người thưởng thức.

Sản phẩm bánh Hạnh Phúc với nguyên liệu chính từ đặc sản khoai lang Bình Tân của anh Nguyễn Thanh Việt, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế - Luật thuộc Trường Cao đẳng Vĩnh Long.

Đến nay, anh Nguyễn Thanh Việt đã phát triển thành công nhiều loại bánh với nguyên liệu chính từ khoai lang như bánh canh, bánh Hạnh Phúc, bánh trung thu, bánh phồng... Các sản phẩm bánh này chủ yếu được phân phối ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng đặt hàng trung bình mỗi tháng hơn 10 tấn bánh. Theo anh Nguyễn Thanh Việt, giá bánh Hạnh Phúc khoảng 5.000 đồng/chiếc, bánh phồng là 35.000/hộp loại 500g. Như vậy, giá trị khoai lang sau khi chế biến tăng lên trên mười lần so với khoai lang thô.

Dự tính trong thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình để nâng cao năng suất và đẩy mạnh phát triển theo hướng tăng cường chế biến, hướng đến việc xây dựng các sản phẩm bột hay bánh khoai lang có thời gian sử dụng dài, gọn nhẹ...trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long. “Với các sản phẩm từ khoai lang, mình sẽ tập trung thiết kế vỏ bao bì, nhãn mác chỉnh chu, có kích thước và giá phù hợp để người tiêu dùng, nhất là du khách mua làm quà. Thông qua những sản phẩm này, mình muốn truyền đi một thông điệp đến người tiêu dùng rằng: Mua khoai lang không nhất thiết đem về nhà luộc ăn, khoai lang có thể mua về làm bánh, làm quà cho người thân vẫn được.”- anh Nguyễn Thanh Việt chia sẻ.

Kiên trì khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Anh Lê Minh Hiếu với mô hình nuôi lươn giống tại xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Trở về quê hương xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long sau hơn 10 năm tham gia xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, anh Lê Minh Hiếu (39 tuổi) quyết tâm đem kinh nghiệm và nhiệt huyết để khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Anh Lê Minh Hiếu chia sẻ, trong những năm tháng làm việc ở nước ngoài, nhận thấy cách tạo dựng thương hiệu nông sản của nông dân nước bạn thật ấn tượng nên anh đã mày mò, tích lũy kinh nghiệm làm việc cho bản thân. Từ đó, anh ấp ủ quyết tâm về quê khởi nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế gia đình và xa hơn là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Sau thời gian dài tìm lối đi, con đường khởi nghiệp với nghề nuôi lươn giống đã được anh Hiếu lựa chọn. Bước đầu anh quyết định làm bể nuôi lươn không bùn với 10 bể lươn bố mẹ. Trải qua không ít lần thất bại, lươn giống không sinh sản, tiêu tốn vốn liếng để theo đuổi đam mê, anh Hiếu vẫn không bỏ cuộc. Từ những thất bại, anh rút kinh nghiệm, ghi chú lại rồi tìm tòi thêm từ bạn bè, sách vở và qua internet. Đến nay, sau hơn 3 năm, anh đã từng bước thành công và mở rộng mô hình, tăng cường quảng bá thương hiệu. Hiện tại anh đã trở thành ông chủ của trại lươn giống quy mô nuôi hơn 1 ha, với gần 100 bể lươn bố mẹ, 50 bể lươn giống và 40 bể lươn thương phẩm.

Anh Lê Minh Hiếu chia sẻ, nhờ mạnh dạn đầu tư nhiều bể nên hiện tại anh luôn có con giống để bán liên tục. Mỗi năm, trại lươn của anh cung cấp khoảng 2 triệu lươn giống với giá trung bình 5.000 đồng/con. Trừ hết chi phí vẫn còn một khoảng lời kha khá để đầu tư tái sản xuất. Đặc biệt, con lươn giống do anh Hiếu cung cấp khá hút hàng, khách muốn mua con giống về nuôi phải đặt trước. Tính đến thời điểm này, anh đã nhận cung cấp con giống cho khách theo đơn hàng đến tận nửa năm sau. Việc kinh doanh của cơ sở phát triển cũng đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức lương từ 4-8 triệu đồng/tháng. Song song đó, anh cũng nuôi thêm lươn thương phẩm, tích lũy kinh nghiệm để kết hợp giữa việc bán con giống với tư vấn kỹ thuật quy trình nuôi lươn thương phẩm cho người nuôi, vừa mở rộng được thị trường tiêu thụ, vừa giúp nhiều người cùng chí hướng có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Bể nuôi lươn thương phẩm của anh Lê Minh Hiếu tại xã Hiếu Thuận (Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Anh Phạm Thanh Trong (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, những lần tiếp xúc và được anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm đã giúp anh có thêm quyết tâm và kiến thức nuôi lươn thương phẩm để phát triển kinh tế. Từ việc nuôi thử vài trăm con lươn, đến nay anh đã phát triển quy mô nuôi hơn 10.000 con. Qua 6 tháng nuôi, đến nay anh chuẩn bị xuất bán lươn với giá loại một từ 200.000- 220.000 đồng/kg.

Anh Lê Minh Hiếu tâm sự: "Lúc mới khởi nghiệp cũng lo lắng vì không có kiến thức, sợ thất bại rồi trắng tay. Nhưng làm rồi đam mê, mình tự mày mò học, dần dần cũng chinh phục được kỹ thuật ươm lươn giống. Không cần đi đâu xa, chỉ cần có quyết tâm, không ngại khó khăn và thất bại thì dù ở quê nhà vẫn có thể khởi nghiệp thành công". Trong thời gian tới, anh tiếp tục thay đổi quy trình nuôi lươn từ nuôi thay nước sang nuôi tuần hoàn để thích ứng với tình hình thời tiết, hạn chế ảnh hưởng của nước mặn đến phẩm chất lươn giống. Ngoài ra, anh mở rộng việc thu mua, đa dạng các sản phẩm chế biến từ con lươn và từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Các ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ những sản phẩm đặc trưng, quen thuộc của địa phương đã phần nào đem lại thành công cho nhiều bạn trẻ, minh chứng thực tế cho hướng tiếp cận mới đối với các giá trị truyền thống. Song song đó, nhiều thanh niên tỉnh Vĩnh Long cũng đang tích cực tìm thêm hướng đi khác cho con đường khởi nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là lựa chọn của đa số bạn trẻ.

Bài 2: Bén duyên cùng nông nghiệp công nghệ cao

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tuoi-tre-vinh-long-sang-tao-khoi-nghiep-bai-1-khai-thac-the-manh-tai-nguyen-ban-dia-20200730064234054.htm