Tuổi trẻ Thủ đô cùng bạn tới trườngBài 2: Chắp cánh những ước mơ

Với nhiều sinh viên, niềm vui đỗ đại học không trọn vẹn vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo hoặc neo đơn. Thấu hiểu nỗi lo của các em, Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã sớm chỉ đạo các cơ sở rà soát, lập danh sách sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời có phương án hỗ trợ. Sự quan tâm kịp thời, đúng lúc đó đã chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn trẻ.

Vượt lên số phận

Những ngày này, căn nhà nhỏ của Nguyễn Thanh Thảo tại xã Hội Xá (Hương Sơn, Mỹ Đức) luôn ngập tràn niềm vui khi cô bạn chính thức trở thành tân sinh viên Học viện Tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, Thảo không giấu được sự lo lắng bởi không biết lấy tiền ở đâu để duy trì việc học tập. Mẹ Thảo mắc bệnh ung thư vú từ năm 2008. Từ đó đến nay, năm nào mẹ Thảo cũng phải trải qua 6 đợt điều trị hóa chất tại bệnh viện.

Tiền điều trị của mẹ tốn kém nên dù bố Thảo đã cố làm thêm nhiều nghề khác như phụ hồ, bán hoa quả nhưng vẫn không đủ chi tiêu thuốc men. Để duy trì cuộc sống cho cả gia đình, bố mẹ Thảo buộc phải vay mượn họ hàng và số nợ ngày càng lớn. Thương bố mẹ vất vả, Thảo luôn cố gắng học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Cô bạn cũng xuất sắc đoạt giải Nhì môn Toán cấp thành phố Hà Nội.

Sức khỏe của mẹ không tốt nên ngoài việc học tập, Thảo lo toan công việc trong nhà để bố yên tâm đi làm. Ngày mùa, cô thay mẹ ra đồng cấy, gặt lúa. “Những ngày chăm mẹ tại bệnh viện, mình được tận mắt chứng kiến mẹ phải chịu những cơn đau vật vã vì truyền hóa chất. Khi đó, mình thương mẹ lắm nhưng bất lực, không thể làm gì được. Vì vậy, mình luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, chăm ngoan học hỏi để mẹ vui lòng”, Thảo tâm sự.

Nguyễn Thanh Thảo

Thảo đã thực hiện được lời hứa khi mang về cho mẹ giấy báo trúng tuyển vào khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Tài chính. Gần đến ngày nhập học, cô bạn vẫn tích cực nhận việc xâu hạt gỗ cho lót ghế ô tô về làm thêm. Mỗi ngày chăm chỉ, Thảo cũng kiếm được khoảng 30 nghìn đồng. Dù cả nhà đã cùng nỗ lực nhưng nỗi lo tiền đi học vẫn đè nặng lên vai bố mẹ Thảo.

Khi được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” trị giá hơn 10 triệu đồng do Đoàn trao tặng, Thảo vui mừng khôn xiết. Cô bạn cho biết: “Mình được nhận học bổng này là nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo ở trường THPT. Bên cạnh đó, các anh chị đoàn viên, thanh niên trong xã đã quan tâm gửi hồ sơ xin học bổng của mình về Hội Sinh viên thành phố từ sớm. Có số tiền này, mình sẽ yên tâm, tập trung học tập tốt hơn”.

Làm nhiều việc có ích

Giống như Thảo, Tống Thị Định, tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Viện Đại học Mở Hà Nội cũng vừa nhận tin vui khi được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”. Nỗi lo của gia đình Định đã vơi đi rất nhiều. “Số tiền 10 triệu đồng đủ để mình yên tâm nhập học và sớm ổn định cuộc sống. Sau khi đã quen với môi trường đại học, mình sẽ tìm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho bố”, Định tâm sự.

Định là chị cả trong gia đình có 4 chị em. Mẹ Định mang bầu em bé thứ năm thì phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Từ ngày mẹ phát bệnh, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Khoản nợ ngày càng lớn mà bệnh của mẹ Định vẫn không thuyên giảm. Một năm sau, mẹ Định qua đời để lại căn nhà trống hoác và 5 bố con. Từ đó, mọi gánh nặng mưu sinh đặt lên vai bố.

Tuy nhiên, sức khỏe của bố Định cũng không tốt, hay đau ốm, công việc phụ vữa vất vả, bấp bênh, thu nhập không đủ trang trải học phí cho bốn đứa con. Cứ tối về, bố và Định lại ra đồng bắt thêm vài con cá, con tép thêm vào bữa cơm của gia đình.

Định nhớ, những ngày giáp Tết, người ta kéo đến tận nhà đòi nợ nhưng bố không có tiền trả. Vì thế, gian nhà 5 bố con đang ở vẫn còn trơ nguyên gạch thô. Gia cảnh quá khó khăn nên nhiều người khuyên Định học xong cấp 3 rồi nghỉ ở nhà phụ bố làm kinh tế. Tuy nhiên, Định luôn khát khao được đi học. Cô bạn làm mọi việc để có thể được đến trường.

Định vừa làm chị vừa thay mẹ chăm sóc các em và lo các công việc trong gia đình. Để phụ bố lo kinh tế, cô bạn nhận đan nắp ấm. Công việc này, Định đã quá quen thuộc từ năm lớp 8. Những sợi mây vừa dài vừa cứng phải dùng khá nhiều lực để ép chúng vào khuôn, đôi lúc làm trầy xước đôi bàn tay nhưng Định và các em chẳng thể bỏ vì đây là nguồn kiếm thêm thu nhập duy nhất. Mỗi chiếc nắp ấm được trả công 8.000 đồng sau một tiếng miệt mài làm việc. Một ngày nỗ lực, bốn chị em Định cũng kiếm được thêm 20.000 - 30.000 đồng.

Phải vượt qua không ít thách thức trong cuộc sống nhưng cô gái bé nhỏ vẫn nỗ lực học tập, rèn luyện. 12 nằm liền Định là học sinh giỏi toàn diện. Cô bạn cũng năng nổ tham gia công tác Đoàn và nhiều cuộc thi ở trường như: Giải nhất Nữ sinh tài năng duyên dáng, giải Nhì hùng biện chủ đề tuổi trẻ và nghề nghiệp trong tương lai… Bạn bè luôn khâm phục Định ở tinh thần kiên cường, lạc quan. Cuộc sống khiến Định phải trưởng thành sớm, thay cha mẹ chăm sóc, dạy bảo các em. Tuy nhiên, cô bạn lúc nào cũng rạng rỡ, chẳng chút kêu ca.

Kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Định đã xuất sắc vượt qua và đỗ đại học nhưng kinh tế gia đình không thể trang trải được. Một lần nữa, Định lại đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. “Từ trước đến giờ, mình đã dệt rất nhiều ước mơ tươi đẹp trong tương lai. Mình đã cố gắng suốt 12 năm, giờ cánh cửa đại học cũng đã rộng mở nên mình không muốn bỏ dở giữa chừng…”, Định nói.

Để có thể được đi học, tiết kiệm chi phí, Định đã nghĩ đến việc không ở trọ. Hàng ngày, cô bạn sẽ đạp xe hoặc đi xe bus từ nhà ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) ra Viện Đại học Mở Hà Nội dù quãng đường gần 30km. Theo Định, cô đã quá quen với việc thức khuya, dậy sớm, khó khăn vất vả rồi nên không sợ gì nữa. Định đã sống rất kiên cường giống như câu nói mà cô bạn tâm đắc ghi lại trước bàn học: "Bởi đằng sau không có ai chống lưng nên nhất định không được gục ngã".

May mắn, con đường đi học của Định đã bớt gian nan hơn. Cô bạn đã có thể thuê một căn phòng nhỏ gần trường để tiện đi học, tìm kiếm việc làm thêm. “Khi được các anh chị đoàn viên, thanh niên quan tâm hướng dẫn nộp hồ sơ xin học bổng mình nhận ra rất nhiều điều. Mình không cô độc một mình. Bên cạnh mình còn có tổ chức Đoàn, Hội luôn quan tâm, dìu dắt. Nhờ có các anh chị, ước mơ trở thành một phiên dịch viên tương lai của mình lại được chắp cánh. Mình sẽ nỗ lực vừa học tập tốt, vừa tham gia các hoạt động Đoàn, Hội để rèn luyện và trưởng thành. Mình cũng muốn được khoác lên mình chiếc áo xanh tình tình nguyện làm nhiều việc có ích cho cộng đồng”, Tống Thị Định mạnh mẽ khẳng định.

(Còn nữa)

Phương Thanh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-chap-canh-nhung-uoc-mo-d2055016.html