Tuổi trẻ góp sức ứng phó biến đổi khí hậu

Bằng kiến thức chuyên môn và niềm đam mê công tác xã hội, nhiều bạn trẻ đã và đang tham gia nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương vùng ĐBSCL. Thông qua những hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân, tái chế các vật dụng phế thải, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, người trẻ mong muốn truyền tải thông điệp mỗi người một việc nhỏ, chung sức xây dựng một đồng bằng xanh.

Võ Nguyễn Minh Thùy chia sẻ ý kiến về thách thức biến đổi khí hậu đối với môi trường sống tại diễn đàn “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)” được tổ chức tại Philippines. Ảnh do nhân vật cung cấp

Võ Nguyễn Minh Thùy chia sẻ ý kiến về thách thức biến đổi khí hậu đối với môi trường sống tại diễn đàn “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)” được tổ chức tại Philippines. Ảnh do nhân vật cung cấp

►Vì đồng bằng xanh

Võ Nguyễn Minh Thùy, nhân viên Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Kim Delta (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là các chương trình, dự án về môi trường ở ÐBSCL. Thùy chia sẻ, cô bén duyên với hoạt động xã hội từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Ðại học Cần Thơ). Năm đó (2017), cô được trường cử tham gia một dự án truyền thông về môi trường biển ở Philippines do Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tài trợ. Chuyến đi đó kéo dài 5 ngày, cô được gặp gỡ các nhà khoa học, những tình nguyện viên “kỳ cựu” về môi trường biển. Những điểm mà cô đến khảo sát cũng rất đặc biệt: Ðó không phải là danh lam thắng cảnh, mà cảnh bãi biển đầy rác, những ngôi làng ven biển nơi cư dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường biển bị ô nhiễm. Từ kết quả khảo sát, Thùy được các chuyên gia hướng dẫn cách viết và thuyết trình dự án kêu gọi cộng đồng hỗ trợ bảo vệ môi trường biển tại Philippines.

Thùy chia sẻ: “Lần đầu tham gia một dự án xã hội về môi trường, tôi không chỉ học được nhiều kỹ năng về lập kế hoạch, phương pháp viết và kêu gọi hỗ trợ thực hiện dự án, mà quan trọng hơn, tôi suy nghĩ bản thân cần làm việc gì đó để bảo vệ môi trường sống của chúng ta”. Ðược dự án này hỗ trợ 500USD, sau khi về nước, Thùy triển khai tiểu dự án: “Quai xách ly bằng vải”. Sản phẩm quai xách tay bằng vải có thể sử dụng nhiều lần, hạn chế các sản phẩm bằng nhựa, khó phân hủy. Từ quai xách ly, đến nay cô còn liên kết với các doanh nghiệp khởi nghiệp phân phối nước rửa chén, nước giặt, nước lau sàn, nước rửa tay sinh học, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Thùy còn là tình nguyện viên của Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF), từ năm 2019 đến nay. MEF được sự bảo trợ của Trường Ðại học Cần Thơ, quy tụ nhiều học giả, chuyên gia từ các nước khác nhau nhằm nghiên cứu diễn biến thay đổi môi trường, chủ yếu ở ÐBSCL, từ đó đánh giá tác động, cảnh báo nguy cơ và tìm kiếm khuyến nghị chính sách ứng phó cho cộng đồng địa phương. Thùy cho biết: “Qua khảo sát thực địa tại khu vực ÐBSCL, diễn đàn khuyến nghị các giải pháp nhằm ngăn chặn suy thoái, biến đổi môi trường, tham vấn chính sách góp phần xây dựng ÐBSCL thành một khu vực đảm bảo an ninh môi trường và phát triển bền vững hơn”. Bước đầu, các dự án của diễn đàn đã giúp người dân giải quyết bài toán sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, như: tái chế sản phẩm từ lục bình, đánh giá chất lượng nguồn nước, độ ô nhiễm môi trường, tình hình xâm nhập mặn ở một số địa phương…

Nhiều hoạt động truyền thông

Không riêng Thùy, nhiều bạn trẻ hiện đã và đang phát huy kiến thức chuyên môn, sức trẻ tham gia bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Phạm Thị Ðiệp, cựu sinh viên ngành Biên dịch và Phiên dịch (Trường Ðại học Cần Thơ) thường xuyên tham gia các dự án, chương trình của các tổ chức phi chính phủ, cho rằng vấn đề môi trường là thách thức toàn cầu, được nhiều bạn trẻ quan tâm. Với tinh thần chung sức vì một đồng bằng xanh, dù bận lịch giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ, Ðiệp vẫn tranh thủ tham gia hướng dẫn các đoàn chuyên gia nước ngoài, sinh viên quốc tế tìm hiểu về thực địa, điều kiện tự nhiên của vùng ÐBSCL. Theo Ðiệp, nhiều bạn trẻ nước ngoài rất thích thú với hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, các loài vật ở châu thổ Cửu Long. Ðiệp hy vọng qua các chương trình, giới trẻ nói riêng và bạn bè quốc tế nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, có những hành động cụ thể nhằm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Các cấp bộ Ðoàn TP Cần Thơ cũng đã phát động nhiều chương trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu như phong trào trồng cây bần ở những điểm sông có nguy cơ sạt lở, gia cố đê bao; đồng thời tổ chức những chương trình truyền thông phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn. Ngay trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8-2020), tuổi trẻ thành phố đã tổ chức 4 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho 120 đoàn viên, thanh niên. Ðây là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động truyền thông về biến đổi khí hậu tại địa phương.

Ngoài ra, các hoạt động ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày thứ Bảy tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh”, các cơ sở Ðoàn lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hỗ trợ gia cố các điểm có nguy cơ bị sạt lở; phát động trồng cây xanh. Cụ thể, dịp hè vừa qua (từ tháng 6 đến tháng 8), tuổi trẻ thành phố đã trồng hơn 5.000 cây xanh trên các tuyến đường, trong đó có 1.500 cây bần phòng chống sạt lở; bê tông nâng cấp lại đoạn đường tại 2 điểm sạt lở ở quận Bình Thủy với tổng chiều dài 450m. Các cơ sở Ðoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, như: phòng chống rác thải nhựa, thu gom chai vỏ thuốc bảo vệ thực vật hay các hoạt động đổi rác lấy quà cho các em thiếu nhi, tạo hiệu ứng trong cộng đồng. Qua đó, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, chung tay vì một đồng bằng xanh - sạch - đẹp.

Bài, ảnh: DÂN AN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tuoi-tre-gop-suc-ung-pho-bien-doi-khi-hau-a125297.html