Tuổi trẻ đừng trói buộc bản thân vào công việc ổn định: Học cách trải nghiệm và ngụp lặn

Công việc ổn định đi theo một lịch trình có sẵn có thể sẽ an toàn và ít âu lo, nhưng cũng hạn chế cơ hội đối mặt với những thách thức và trưởng thành.

Trải nghiệm càng nhiều môi trường khác nhau, từ start-ups cho đến các tập đoàn lớn, hay thậm chí là freelancers, bạn mới càng có cơ hội để học được một vài bài học về chuyện nghề nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở mục tiêu công việc ổn định.

1. Đừng quá kỳ vọng vào những công ty lớn

Ở đây, không phải bạn tránh xa hay xa lánh các công ty, tập đoàn lớn hoặc đa quốc gia vì trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, việc được làm việc trong môi trường có chuẩn mực, có nhân lực, nguồn lực và cả kinh nghiệm trong việc đào tạo sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng hiểu biết rất dày dạn cho các kỹ năng chuyên môn và kiến thức cơ bản với nghề.

Tuy nhiên dành thời gian cho một công ty lớn chưa chắc đã là một hướng đi hợp lý nếu bạn đang muốn phát triển bản thân theo hướng tự chủ và phát triển nhanh.

Muốn tự chủ và phát triển nhanh thì đừng ngại ngụp lặn trong nhiều môi trường

Muốn tự chủ và phát triển nhanh thì đừng ngại ngụp lặn trong nhiều môi trường

Nguyên nhân nằm ở việc bộ máy tổ chức phức tạp của các công ty lớn, bạn có thể sẽ mất quá nhiều thời gian vào những cuộc họp, việc tuân thủ các quy trình rắc rối và dài dòng, quá trình xây dựng các mối quan hệ cá nhân… Theo một khía cạnh nào đó, những ảnh hưởng này sẽ làm bạn mất đi khá nhiều thời gian để trực tiếp làm việc và trải nghiệm nhiều hơn trong công việc, dù rằng công việc ổn định tại một công ty lớn có mức lương cao sẽ có vẻ “oai” hơn khi đem đi khoe với mọi người.

Ví dụ như, trong một doanh nghiệp nhỏ, một người làm hướng nghiệp có thể có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp nhiều hơn với khách hàng, trong khi đặt mình vào môi trường công ty lớn, có thể đa số thời gian đó bạn sẽ phải dành cho các cuộc họp, phối hợp với các phòng ban khác...

2. Học cách cân bằng cuộc sống cá nhân và thời gian dành cho công việc một cách nghiêm túc

Cách bạn phân chia cuộc sống không nhất thiết phải theo hướng 50-50, nếu bạn có 8 tiếng đi làm thì cũng phải có 8 tiếng đi chơi. Điều quan trọng là cách cân bằng có thể đem tới cho bạn thời gian để hồi phục năng lượng để làm việc hiệu quả mà không sa đà vào nghỉ ngơi quá đà hay làm việc quá mức.

Nếu bạn đi chơi mà đầu óc vẫn giải quyết công việc và đi làm trong trạng thái bơ phờ thiếu tập trung thì tức là bạn chưa thực hiện cân bằng đúng đắn.

Công việc cần phải cân bằng với đời sống cá nhân.

Khi bản thân bạn muốn phát triển sự nghiệp, đương nhiên bạn có thể quyết tâm dành thật nhiều thời gian để làm và hi sinh chút thời gian nghỉ ngơi của bản thân, giảm bớt quá trình hưởng thụ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải cảm thấy có lỗi khi nghỉ ngơi vào cuối tuần và dành thời gian cho riêng bản thân.

Đừng quên rằng, biết cách cân bằng thời gian giữa công việc và cá nhân cũng là nền tảng căn bản để bạn duy trì nền tảng sức khỏe của mình. Có thể đánh đổi sức khỏe lấy tiền tài nhưng tiền tài chưa chắc đã đem lại sức khỏe mà bạn đã mất. Do đó, dù kiếm tiền triệu hay tiền tỷ thì cũng đằng quên chăm sóc cho bản thân.

3. Để ý học hỏi từ tất cả mọi người xung quanh

Bạn phải biết rằng, không có ai giỏi tất cả mọi thứ trên đời. Một chuyên gia tài năng đến mấy cũng chỉ thông thạo trong vài mảng chuyên môn nhất định của họ mà thôi. Đó là lý do mà chúng ta phải không ngừng tiếp xúc với thật nhiều người, để từ đó nhận được các cơ hội học hỏi từ họ.

Nuôi dưỡng năng lực bản thân bằng cách học hỏi từ mọi người xung quanh.

Trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau sẽ giúp bạn gặp được nhiều kiểu lãnh đạo, cấp trên khác nhau. Có người thì không quản lý kỹ nhưng khả năng điều phối con người lại rất giỏi; có người bắt mình làm gì cũng phải có quy trình, mục tiêu; có người lại rất kỹ tính, bắt lỗi từng dấu chấm dấu phẩy…

Bỏ qua tính cách cá nhân thì mỗi người đều có một kỹ năng và khía cạnh nào đó đáng để bạn học hỏi khi họ đã trở thành sếp. Hãy biết chắc rằng dù họ có khó đến đâu hay “dở” đến mức nào thì đồng thời, họ cũng có điểm mạnh riêng.

4. Chấp nhận làm những việc không phải phận sự của mình

Thời gian đầu khi mới đi làm, rất có thể, chúng ta thường ít tập trung vào công việc chuyên môn mà có thể sẽ phải giải quyết thêm vô số việc hỗ trợ đưa hồ sơ giấy tờ, viết email, tham gia những cuộc họp…

Công việc ổn định sẽ hạn chế chúng ta tiếp cận nhiều lĩnh vực mới.

Tất cả những điều này có thể làm bạn khó chịu nhưng là cách tốt nhất để bạn thể hiện trách nhiệm của mình trong công việc và có được sự tin tưởng của đồng nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua quá trình hỗ trợ, bạn sẽ thấy có những đầu việc bạn làm tốt và thoải mái hơn so với đầu việc khác, hãy dành thời gian để học hỏi thêm đầu việc đó, mở rộng kỹ năng của mình, gia tăng giá trị cá nhân trong tương lai.

5. Học cách làm việc với sự lo lắng

Dù muốn hay không thì lo lắng và stress cũng sẽ trở thành một phần của cuộc đời đi làm. Trước một dự án, trước một buổi thuyết trình, khi nhận một nhiệm vụ mới… chắc hẳn sẽ có không ít khoảnh khắc trong công việc khiến bạn phải áp lực và suy nghĩ rất nhiều.

Tuy nhiên, đừng coi đó là gánh nặng mà bản thân phải chịu đựng. Thay vào đó, bạn hãy học cách sống chung với lo lắng và coi nó như một cảm xúc bình thường. Vì dù ở vị trí nào đi nữa, trong cuộc sống đời thường hay công việc, không có lúc nào mà bạn có thể hết lo lắng hết. Hãy học cách thông qua áp lực để tạo thêm động lực làm việc, hoàn thành tốt công việc. Học cách xây dựng kế hoạch công việc với mục tiêu cụ thể và rõ ràng cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu lo lắng trong quá trình công tác.

Phương Thúy

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dung-troi-buoc-ban-than-vao-cong-viec-on-dinh-hay-bay-xa-32979.html