'Tuổi trẻ chẳng có bao nhiêu, đừng vì đôi điều mà vùi chôn tất cả'

Từ một cô bé bị chê bai về ngoại hình đến muốn tự tử trở thành Hoa khôi trường cấp III.

Mình có một quá khứ gắn liền với những câu nói: “Béo như lợn”, “Đen như than”,...

Mình nghe nhiều đến mức có khoảng thời gian mình đã trầm cảm và từng nghĩ mình sẽ tự tử. Mình cho rằng, nếu chết đi mình sẽ được đầu thai trong một hình hài mới và sẽ chẳng bao giờ phải nghe những lời dèm pha ấy nữa.

Nhưng chuyện gì rồi cũng qua đi, những người chê bai mình cứ dần rời xa mình. Như được sang một trang vở mới, mình quyết tâm thay đổi bản thân, để một ngày nếu gặp lại những người ấy. Mình sẽ cứ ngẩng đầu mà bước đi.

Quá trình thay đổi bắt đầu bằng những ngày chạy bộ, nhịn ăn. Mình đã cắt giảm hoàn toàn đồ ngọt, hạn chế tinh bột. Tính đến nay cũng đã 5 năm mình không ăn cơm. Nếu thèm quá mình sẽ dùng ngô và khoai lang để thay thế. Làn da của mình cũng được che chắn và chăm sóc nhiều hơn.

Năm đầu tiên lên cấp III, nhà trường mở cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo. Mình cùng một người bạn nỗ lực tập luyện không ngừng nghỉ, từ cặp đôi ít tuổi nhất chúng mình đã trở thành Quán quân trong sự vui mừng đến bật khóc.

Ngày hôm ấy, mình đã biết mình có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Mình tích cực tham gia hoạt động của trường lớp. Đến năm thứ hai đã chính thức đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Đoàn trường.

Cô gái có niềm đam mê với chiếc áo xanh tình nguyện và mơ ước được đi đến nhiều nơi, giúp đỡ thật nhiều người

“Ở đâu cần thanh niên có,

Ở đâu khó có thanh niên”

Từ lần đầu tiên mặc áo Đoàn, mình đã hiểu trọng trách của mình là trở thành một người có ích cho xã hội. Bố mình từng nói: “Có hai trang phục khiến con trở nên xinh đẹp nhất. Đó là tà áo dài trắng và chiếc áo xanh tình nguyện.” Điều này lại càng làm mình yêu chiếc áo ấy nhiều hơn nữa.

Kết thúc năm tháng cấp III, lên Đại học, việc đầu tiên mình làm là đăng ký vào câu lạc bộ sinh viên tình nguyện Bước Xanh - Khoa Viết văn, Báo chí của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Mình từng bị bỏ mặc, từng bị xa lánh; rồi cũng từng được giúp đỡ và yêu thương. Nên mình muốn đem tình yêu thương mà mình có chia sẻ đến mọi người.

Một câu nói mà mình rất thích đó chính là “Cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương”. Vật chất có thể kiếm được bằng sức lao động còn nhân cách thì được bồi đắp bởi lòng bao dung và sự tử tế.

Chuyến đi tình nguyện đầu tiên đến một vùng đất xa xôi, mình chọn một ngôi trường Tiểu học tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Sau chuyến đi ấy, mình cứ nhớ mãi câu nói:

"Đi đi con...

Đừng để đôi chân mình trở nên vô giá trị

Đừng để đôi tay mình trở thành công cụ chỉ biết kiếm tiền

Đừng để cái đầu mình chỉ biết toan tính

Và đừng để trái tim mình lạnh giá hơn cả mùa đông."

Hiện tại, công việc của mình là MC sinh viên, thường xuyên dẫn chương trình từ thiện không tính phí, xa hơn nữa mình muốn trở thành một BTV truyền hình làm về chủ đề lan tỏa yêu thương.

Mình hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ giúp được nhiều bạn đang vùng vẫy trong sự đơn độc, khó khăn của tuổi trẻ tin rằng bạn không cô đơn. Có rất nhiều người cũng giống như bạn trong đó có mình. Chúng ta hãy cùng nhau đứng dậy, đi lên và tạo thêm thật nhiều những điều ý nghĩa cho cuộc đời. Vì tuổi trẻ chẳng có bao nhiêu, đừng vì đôi điều không vui mà vùi chôn đi tất cả.

Lan Anh trong chuyến đi từ thiện tại Nậm Cắn.

Lan Anh trong chuyến đi từ thiện tại Nậm Cắn.

Trần Lan Anh (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-guong-mat-sinh-vien/tuoi-tre-chang-co-bao-nhieu-dung-vi-doi-dieu-ma-vui-chon-tat-ca-1720110.tpo