Tuổi già sau song sắt cùng với nỗi day dứt muộn màng

Tình nghĩa phu thê hai mươi năm xa cách tưởng sẽ trùng phùng vui hưởng tuổi già. Không ngờ chỉ vì một phút cạn nghĩ, tất cả đã chấm dứt.

Cương Gián quê bị cáo Lê Hải Châu (SN 1958, trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) - vốn là một làng chài nghèo ven biển, quanh năm đối mặt với cái khắc nghiệt vô cùng của thời tiết. Mùa hè ở đây hứng chịu những trận gió Lào nóng rát khiến mọi vật trở nên quắt queo, khô cằn. Cái lạnh của mùa đông ở đây cũng khiến người ta ám ảnh, len qua từng thớ vải, lạnh buốt tận xương mà lại hanh hao đến độ nứt cả thịt da. Người dân quê ông quanh năm lam lũ với con thuyền, tấm lưới, với nghề làm nước mắm truyền thống đã bao đời nhưng cuộc sống vẫn chỉ đủ sống.

Năm 1999, cùng với làn sóng người rầm rộ kéo nhau đi xuất khẩu lao động, bà Chu Thị Hòa (SN 1963, vợ ông Châu) bàn với chồng cho bà xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để tìm cơ hội đổi đời. Mới đầu ông cũng phân vân không chấp nhận nhưng bà thuyết phục mãi, lại nghĩ đến tương lai các con, thêm phần thấy mấy gia đình xung quanh nhờ nguồn thu từ xuất khẩu lao động mà có nhà cửa khang trang thậm chí cả xe ô tô đời mới, ông gật đầu.

Những ngày vợ chạy vạy lo thủ tục ra nước ngoài, ông buồn lắm, cứ nghe ai hát ru con: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội/Người xa người tội lắm người ơi” là ông lại ngậm ngùi.

Thời gian thắm thoát trôi qua, thế mà cũng đã ngót nghét hai mươi năm. Hai mươi năm, thời gian đủ để Lê Hải Châu từ một người đàn ông đang độ tứ tuần trở thành một ông lão già nua so với cái tuổi sáu mươi của mình.

Đằng đẵng hai mươi năm ròng, ông không đếm hết đã có bao nhiêu đêm thật dài, thật sâu, ông một mình lặng lẽ nhớ bà thắt thẻo ruột gan. Hai mươi năm, ông một mình chăm sóc, nuôi dưỡng các con trưởng thành trong nỗi vất vả cô đơn. Gia đình nội ngoại hai bên cũng chỉ mình ông gánh vác, lo toan. Những lúc mạnh khỏe, vui vẻ không sao, khi trái gió trở trời, con đau, con ốm, ông cảm thấy mình muốn ngã quỵ vì mệt mỏi, cô đơn, buồn tủi.

Hồi mới đi, vợ ông còn thường xuyên gọi điện về thăm, lần nào bà cũng than nhớ nhà, nhớ ông, nhớ con… Dần dà, khoảng cách giữa các cuộc gọi thì dài ra, mà câu chuyện hỏi han ngày càng ngắn lại. Hầu như mỗi lần ông gọi qua, bà chỉ nói chuyện cho có. Mặc dù bà Hòa vẫn thường xuyên gửi tiền về để giúp ông và các con có một cuộc sống đầy đủ sung túc nhưng ông biết đó chỉ là trên danh nghĩa và trách nhiệm. Ông chua xót nhận ra cái nghĩa tào khang giữa ông và bà dường như đã nhạt nhẽo, nguội lạnh theo thời gian.

Khoảng ba năm trước, ông bị tai biến. Từ đó, tâm trí ông đôi lúc không còn minh mẫn. Nỗi tủi thân, cô độc, bức xúc dồn nén trong lòng mấy mươi năm nhiều lúc khiến cho ông như người quẫn trí, luôn có suy nghĩ tiêu cực. Nhớ câu “xa mặt cách lòng” ông có phần lo sợ.

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

Cuối năm 2018, bà Hòa từ Hàn Quốc trở về, dự đám cưới con, rồi ở lại ăn Tết, ông Châu vui lắm. Ngày bà đi, các con còn là những đứa trẻ, nay chúng đã khôn lớn trưởng thành và đã yên bề gia thất. Tội nhất là đứa con trai bị bệnh thần kinh, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ từ tấm bé, ông muốn vợ ở nhà để cùng ông chăm sóc cho con. Vợ chồng đoàn tụ, cùng nhau an dưỡng tuổi già, hàn gắn lại tình cảm đã nhạt phai theo năm tháng.

Trước lời đề nghị của chồng, bà Hòa im lặng, không trả lời. Thái độ của bà làm ông vừa lo lắng vừa ức chế. Chưa kịp nói cho rõ ràng thì ngày 18/2/2019, bà Hòa bảo sẽ đưa cậu con bị thần kinh đi Hà Nội khám rồi vào nhà con gái ở Khánh Hòa chơi. Cho rằng bà Hòa đang kiếm cớ để trốn tránh ông và đang có kế hoạch bỏ nhà tiếp tục ra đi, ông Châu nảy sinh ý định sát hại vợ. Nghĩ là làm, rạng sáng ngày 19/2/2019, sau cả đêm trằn trọc không ngủ, bao nhiêu tủi cực, uất ức dồn nén bấy lâu càng khiến cho ông mất hết lý trí, ông quyết định hành động , ông xuống bếp lấy 2 con dao nhọn đi vào phòng ngủ và ra tay sát hại vợ.

Ngày 16/ 8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Hải Châu về tội “Giết người” mà nạn nhân chính là vợ bị cáo. Chưa đến giờ xét xử nhưng rất đông người thân, trong đó có các con của bị cáo đã có mặt tại Tòa. Ngồi trên bục khai báo, bị cáo Lê Hải Châu liên tục ngoái đầu ra phía sau nhìn các con đang ngồi bên dưới mà giàn giụa nước mắt.

Bị cáo Lê Hải Châu

Suốt phiên xử, với giọng nói lắp bắp vì di chứng của tai biến mạch máu não, bị cáo Lê Hải Châu đã thành khẩn khai báo và liên tục bày tỏ sự ân hận vì hành vi dùng dao sát hại vợ của mình. Bị cáo hối hận vì đã đẩy các con vào cảnh phải bơ vơ, đã không được ở gần mẹ nay lại mồ côi, đẩy gia đình vào cảnh bất hạnh: Mẹ chết, bố đi tù. Bị cáo biện hộ cho rằng, bị ảnh hưởng do tai biến đã làm cho tâm trạng bị cáo xáo trộn nhiều.

Tại phiên tòa, các con của bị cáo trong vị trí vô cùng trái ngang, vừa là thân nhân của bị cáo, vừa nhà người nhà của bị hại đều khóc nghẹn ngào. Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, các con của bị cáo Châu đều bố mình được xem xét các tình tiết giảm nhẹ, để bị cáo được sớm về đoàn tụ với con, cháu trong lúc tuổi già xế bóng. Nghe các con bị cáo phát biểu, nhiều người ngồi trong khán phòng cám cảnh sụt sùi theo.

Được cho nói lời sau cùng, bị cáo Châu trải lòng: “Hơn 20 năm sống cảnh “gà trống nuôi con”, nhiều lúc bị cáo rất tủi thân vì vợ đi biền biệt, không để ý gì tới con cái, bức xúc cứ dồn nén trong lòng. Bị cáo nhận đã gây ra tội lỗi quá lớn, nhưng bị cáo cũng xin được tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về cho con cái thoát cảnh bơ vơ”.

Sau thời gian nghị án, nhận định hành vi của bị cáo Lê Hải Châu là nhẫn tâm, đã ra tay tước đoạt tính mạng người khác, dù đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt 16 năm tù về tội “Giết người”, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Hội đồng xét xử cho rằng, vụ án gây tâm lý hoang mang, bất an cho xã hội nên cần xử lý nghiêm minh nên đã tuyên phạt bị cáo mức án 20 năm tù.

Phiên tòa kết thúc, bị cáo Lê Hải Châu lầm lũi bước theo lực lượng công an áp giải rời khỏi phòng xử án, ra xe về trại giam. Các con của bị cáo ùa tới, tranh thủ thời gian ít ỏi ôm chầm lấy cha khóc nức nở. Trong vòng tay của các con, ông Châu lặng lẽ, lau nước mắt bước ra xe.

Chỉ vì sự thiếu kiểm soát của bản thân, Lê Hải Châu phải trả giá bằng sự vĩnh viễn mất đi người vợ tưởng sẽ trùng phùng sau nhiều năm xa cách, bằng việc đẩy các con mình vào cảnh vừa mồ côi mẹ lại thiếu vắng tình cha, trả giá bằng những ngày tháng lao tù ở cái tuổi đáng ra được an yên nhất.

“Bố cố gắng cải tạo tốt để sớm về làm lại. Con và các em sẽ chờ”. Có lẽ sẽ phải lâu lắm những ai có mặt trong phiên tòa hôm ấy mới có thể quên cái cảm giác xót xa khi nghe con trai của bị cáo dặn dò bố trong tiếng nấc...

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/tuoi-gia-sau-song-sat-cung-voi-noi-day-dut-muon-mang-23960.html