Tuổi 30 - Liệu có trễ để chúng ta bắt đầu lại?

Ở tuổi 30, bạn cảm thấy không hạnh phúc và thỏa mãn với những gì mình có. Đó có thể là một công việc, mối quan hệ hoặc môi trường sống không phù hợp. Bạn bắt đầu băn khoăn rằng mình có nên thay đổi những điều ấy và liệu khởi đầu lại có phải là lựa chọn đúng?

Không phải ai cũng có thể hài lòng với cuộc sống hiện tại của chính mình khi bước vào độ tuổi 30. Họ biết rằng họ cần thay đổi, nhưng chính bản thân họ lại thiếu đi dũng khí để đối diện với bản thân mình và đánh đổi sự an nhàn của hiện tại.

TUỔI 30 – DẤU MỐC LƯNG CHỪNG CỦA ĐỜI NGƯỜI

Đối với thước đo của xã hội, 30 chính là con số hoàn hảo cho hai từ ổn định. Chúng ta thường áp đặt một viễn cảnh nhất định ở mỗi độ tuổi khác nhau và nỗ lực vì điều đó. Khi 10 tuổi, chúng ta được nuôi dạy để trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiền lành và không nghịch ngợm. 10 năm sau, chúng ta trông mong mình sẽ sống một tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và đam mê. Thêm 10 năm nữa, chúng ta kỳ vọng bản thân có thể sống mạnh khỏe với một công việc ổn định và một mái ấm gia đình. Sau cùng, chúng ta luôn cố gắng không ngừng để được sống trong những viễn cảnh đầy chuẩn mực và có vẻ hạnh phúc đó.

Nếu ở tuổi 20, chúng ta cho rằng mình được phép sai, được phép mơ mộng và điên cuồng theo đuổi những gì mình muốn, thì bước sang 30, chúng ta lại trông mong mình có một cuộc sống bình ổn và có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Nhưng đã bao giờ chúng ta nhìn lại và tự hỏi xem mình có đang sống trách nhiệm với bản thân? Liệu chúng ta đã nhận được những điều xứng đáng sau bao năm tháng tuổi trẻ không ngừng rong ruổi ấy?

CHÚNG TA CẢM THẤY THẾ NÀO QUAN TRỌNG HƠN VIỆC CHÚNG TA TRÔNG NHƯ THẾ NÀO

Gần đây, có một bộ phim truyền hình Trung Quốc rất được công chúng yêu thích tên là 30 Chưa Phải Là Hết. Phim nhận được sự hưởng ứng của số đông vì dường như ai cũng có thể nhìn thấy mình trong ba nhân vật chính – ba cô gái đại diện cho những mẫu người khác nhau nhưng đều phải đối mặt với sự vấp ngã và trưởng thành ở độ tuổi tam tuần.

Một trong ba nhân vật chính của phim là Mạn Ni, cô gái dành cả tuổi xuân để kiên trì theo đuổi cuộc sống mình mong ước. Dù đã chạm đến ngưỡng cửa 30, cô cũng không cho phép mình thỏa hiệp với cuộc đời. Cô vẫn luôn âm thầm cố gắng và kiên trì, mặc cho định kiến của xã hội luôn cho rằng người phụ nữ ở tuổi 30 phải là người phụ nữ có gia đình và có sự nghiệp vững chắc.

Trong khi đó, Cố Giai là người phụ nữ tài giỏi với cuộc hôn nhân (tưởng như) vẹn toàn, nhưng thực ra, cô luôn phải gồng mình chống đỡ cuộc sống và cảm thấy mệt mỏi vì khắt khe với mọi người, kể cả chính bản thân mình. Cô gái luôn xem chồng và con trai là cả thế giới rốt cuộc cũng phải nói lời ly hôn khi phát hiện chồng ngoại tình. Bước ra khỏi vùng an toàn, người phụ nữ tuổi 30 quyết định cùng con trai tự mình bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp.

Cuộc sống của Hiểu Cần có phần phức tạp hơn, và quá trình thấu hiểu bản thân của cô cũng dài hơn. Hiểu Cần từng thất bại trong hôn nhân nên luôn cảm thấy không xứng đáng với người đến sau. Cô gái với cách sống thụ động và quá mềm mỏng, thậm chí không biết cách từ chối này phải trải qua thêm một mối tình với trai trẻ nữa mới biết mình muốn gì. Để rồi, khi Hiểu Cần trưởng thành hơn, học được cách yêu bản thân, lạc quan tiến về phía trước và dũng cảm theo đuổi ước mơ, chồng cũ của cô cũng có thời gian để trở thành một phiên bản tốt hơn của chúng mình. Đó là lý do nhiều khán giả cổ vũ Cố Giai ly hôn nhưng lại rất mong Hiểu Cần và chồng cũ yêu lại từ đầu.

Cuộc sống vốn dĩ luôn đa chiều đa sắc như vậy. Không có bất kỳ quỹ đạo nào được vạch sẵn cho tất cả mọi người. Cái ta tưởng là tốt đôi khi lại ẩn giấu nhiều rủi ro, trắc trở. Điều quan trọng là ta có luôn chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những đổi thay trong đời hay không. Ở tuổi 30, nếu như bạn vẫn đang tìm kiếm ước mơ như Mạn Ni, nếu phải đứng trước hôn nhân tan vỡ như Cố Giai hay phải đắn đo với lựa chọn tái hợp như Hiểu Cần, liệu có phải là quá muộn hay không? Rốt cuộc, cả ba cô gái đều đã chọn bắt đầu lại cuộc đời ở độ tuổi tam tuần, tại sao bạn lại không thể?

Ổn định không phải là cách mà cuộc sống này vận hành. Nhờ sự thay đổi của bốn mùa mà cảnh sắc trở nên rực rỡ. Nhờ sự tiến hóa của cơ thể mà con người trở nên khỏe mạnh hơn. Cho nên, không có lý do gì để bạn phải đứng yên tại chỗ. Nhưng lời nói thì lúc nào cũng dễ dàng hơn hành động. Dù bạn có muốn đứng lên đấu tranh cho cuộc sống mà mình thực sự mong muốn đi nữa, chúng ta cũng khó có thể tìm được niềm tin cho chính mình.

THAY VÌ NGHĨ RẰNG NĂM 30 MÌNH SẼ TẠO RA BƯỚC TIẾN DÀI CHO TUỔI 40, ĐA SỐ CHÚNG TA CHỌN ĐI THEO SUY NGHĨ NĂM 30 CHÍNH LÀ THÀNH QUẢ CỦA NHỮNG LỰA CHỌN Ở TUỔI 20.

Thay vì nghĩ rằng năm 30 mình sẽ tạo ra bước tiến dài cho tuổi 40, đa số chúng ta chọn đi theo suy nghĩ năm 30 chính là thành quả của những lựa chọn ở tuổi 20. Con người ta dễ rơi vào trạng thái chấp nhận vùng an toàn và muốn được nghỉ ngơi khi đứng trước “thành quả”. Việc tin rằng cuộc đời hôm nay được xây dựng từ những tháng năm nhiệt huyết cũng khiến nhiều người xuôi theo quỹ đạo thường hằng. Bởi vì, chúng ta biết rằng những tháng năm thanh xuân, tuổi trẻ sức dài vai rộng đã trôi qua, chúng ta sẽ sợ hãi trước sự thay đổi và e ngại bản thân không còn đủ cái “ngông” của ngày xưa để mà bắt đầu lại nữa.

Suy cho cùng, cái thước đo ấy có phải là chuẩn mực cho tất cả mọi người? Có phải là chiếc tủ mà ai cũng có thể vừa khít? Câu trả lời nằm ở chính bạn.

KHÔNG BAO GIỜ QUÁ MUỘNĐỂ BẮT ĐẦU LẠI Ở TUỔI 30

Chúng ta chỉ có một cuộc đời. Cách chúng ta sống và đối đãi với bản thân sẽ quyết định hạnh phúc của mình. Ngoại trừ bản thân, những nhân tố xung quanh chỉ là tạm thời. Những ngày tháng về sau, bạn có thực sự sống trách nhiệm với bản thân mình hay không đều phụ thuộc vào quyết định của bạn.

30 – độ tuổi không sớm cũng không muộn – là cái ngưỡng mà chúng ta bắt đầu trưởng thành hơn, hiểu về bản thân mình và cách mà thế giới này vận hành. Bạn dần học được cách nhìn nhận và xác định được rằng điều gì là tốt cho mình cũng như học được cách đứng lên từ thất bại. Mọi lợi ích đều được bạn cân đo đong đếm một cách chuẩn xác hơn thay vì bằng cảm giác bốc đồng của tuổi 20.

Trước khi xác định thử thách bản thân bằng một điều gì đó mới mẻ, có lẽ bạn đã không ít lần tự hỏi rằng tại sao bạn cần phải đánh đổi những điều mình có ở hiện tại để làm điều này. Nếu bạn biết rằng mình đang đi sai hướng và mình không hạnh phúc, hãy một lần cho mình cơ hội đổi thay.

Những con người thuộc thế hệ Milliennials như chúng ta may mắn được sinh ra trong thời đại mà mọi người bắt đầu cởi mở hơn. Một thế giới phẳng đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội và thử thách hơn. Thử thách ở chỗ ta phải xác định được điều mình thích giữa muôn vạn điều mới lạ và cơ hội là chúng ta có nhiều lựa chọn hơn mình tưởng.

NẾU NGÀY HÔM QUA CHÍNH LÀ THỜI ĐIỂM TỐT ĐỂ HÀNH ĐỘNG THÌ NGÀY HÔM NAY SẼ LÀ THỜI ĐIỂM TỐT HƠN.

Không có sự khởi đầu nào là bắt đầu từ con số không. Bạn chỉ đơn giản là tái tạo và thiết kế lại cuộc đời mình với chiếc “bút chì” có sẵn – đó chính là dũng khí và những kinh nghiệm bạn học được trong quá khứ. Chúng ta học hỏi từ quá khứ chứ không phủ định nó. Chính vì vậy, bạn có thể chắt lọc và học hỏi từ các phiên bản khác nhau của chính mình. Khi ấy, bạn sẽ bớt sợ hãi hơn khi cho rằng mỗi một lựa chọn là một lần mình bắt đầu lại từ vạch đích.

Nếu ngày hôm qua chính là thời điểm tốt để hành động thì ngày hôm nay sẽ là thời điểm tốt hơn. Chỉ cần bạn dám, hạnh phúc sẽ không quay lưng. Bạn nên nhớ rằng hạnh phúc là một quá trình, chúng ta có được hạnh phúc từ việc tận hưởng và chiêm nghiệm quá trình đó. Giống như bộ phim, việc mong chờ một cái kết sẽ khiến chúng ta quên mất việc thưởng thức từng khoảnh khắc ý nghĩa mà bộ phim muốn gửi gắm. Nhưng cũng thật nhàm chán khi mà phân cảnh nào của bộ phim cũng giống nhau. Chính vì thế, hãy sống một cuộc đời trăm năm, đừng sống trăm năm một cuộc đời, bạn nhé.

Theo ELLE

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/song-dep/tuoi-30-lieu-co-tre-de-chung-ta-bat-dau-lai-20201119163831923.htm