Tước quân tịch Trung úy công an thử súng làm nam sinh Hà Nội tử vong

Ngoài việc bị tước quân tịch, chuyên gia pháp lý cho rằng, Trung úy công an thử súng làm nam sinh Hà Nội tử vong còn phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây ra cái chết thương tâm và sử dụng súng.

Liên quan đến vụ nam sinh viên Đại học Giao thông Vận tải đang ngồi đợi bạn trên đường Võ Văn Dũng (phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ gục xuống tử vong, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Công an TP. Hà Nội đã báo cáo vụ việc đến Bộ Công an.

Theo đó, nghi phạm trong vụ việc này là Trung úy Nguyễn Xuân T. (29 tuổi, công tác tại công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Tối 30/10, Trung úy Nguyễn Xuân T. mang khẩu súng nén khí (dạng súng hơi) mới mua trên mạng ra quán nước ngồi cùng bạn bè để thử súng khiến đạn bắn trúng người nam sinh viên Nguyễn Đức A. (SN 1999) là sinh viên năm 4 trường Đại học Giao thông Vận tải khiến nạn nhân tử vong.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã quyết định tước quân tịch đối với Nguyễn Xuân T., đồng thời giao Công an quận Đống Đa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác, điều tra, làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng bởi nạn nhân đã thiệt mạng và có dấu hiệu tội phạm.

Do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nổ súng của trung úy công an trong trường hợp này là cố ý hay vô ý, trên cơ sở đó sẽ có kết luận và áp dụng hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo chuyên gia pháp lý này, cơ quan điều tra sẽ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nhân chứng và thu thập các dấu vết để lại, thu giữ khẩu súng để tiến hành giám định, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa người nổ súng với nạn nhân xem có mâu thuẫn, thù oán gì không.

Trong trường hợp hai người không biết nhau hoặc có biết nhau nhưng không có thù oán, mâu thuẫn với nhau, không chứng minh được động cơ mục đích muốn giết người thì sẽ xác định hành vi nổ súng dẫn đến chết người của trung úy công an là lỗi vô ý.

Trường hợp xác định là lỗi vô ý làm chết người, trung úy công an sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại khoản 1, điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt có thể lên đến 5 năm tù giam.

Ngoài ra, theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định khẩu súng nêu trên để xác định tính năng, tác dụng, khả năng sát thương của khẩu súng có “tương tự vũ khí quân dụng”, có được phép sử dụng và có đăng ký sử dụng hay không.

Hiện trường nam sinh viên tử vong do trúng đạn (Ảnh: TL)

Trường hợp có căn cứ cho thấy trung úy công an đã sử dụng khẩu súng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm một tội danh khác là tội "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Còn trường hợp kết quả giám định cho thấy, khẩu súng là súng săn, súng thể thao, tính năng tác dụng không tương tự vũ khí quân dụng và không có đăng ký sử dụng, sẽ xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép vũ khí.

Ngoài trách nhiệm hình sự, trung úy công an còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, mức bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có).

Mức bồi thường thiệt hại cụ thể do hai bên thỏa thuận. Nếu hai bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tuoc-quan-tich-trung-uy-cong-an-thu-sung-lam-nam-sinh-ha-noi-tu-vong-d163165.html