Tước bằng lái vĩnh viễn đối với hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, sẽ tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế uống rượu, sử dụng ma túy gây tai nạn thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2018 đến 15/5/2019), toàn quốc xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.128 người, bị thương 5.254 người. Trong số đó, có không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra có nguyên nhân liên quan đến những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.

Sáng 28/10, chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, bà Hoàng Hồng Hạnh, Vụ phó vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, đến thời điểm hiện tại, sau 1 thời gian thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã cho thấy còn một số điểm chưa thực sự hợp lý nên cần thiết phải sửa đổi.

Để đảm bảo tính răn đe, giảm TNGT thảm khốc có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy, góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hiện một số hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, sẽ tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế uống rượu, sử dụng ma túy gây tai nạn thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, sẽ tước bằng lái xe vĩnh viễn với tài xế uống rượu, sử dụng ma túy gây tai nạn thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay.

Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng thời gian tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay và có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn với một số vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để tăng tính răn đe; đơn giản hóa quy định tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe để ngăn chặn các hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Bà Hạnh cũng cho biết, sở dĩ dự thảo sửa đổi Nghị định 46 chỉ quy định thời hạn tước GPLX tối đa 24 tháng là vì tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tước GPLX, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động là 1 - 24 tháng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng đây là đề xuất hay, nên áp dụng vào thực tế càng sớm càng tốt.

TS. Đức cho biết: "Tôi đồng tình với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu có thể áp dụng mức xử phạt này vào thực tế thì số vụ TNGT có thể giảm bớt. Tại nước Mỹ, những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng. Từ đó có thể thấy rằng mức xử phạt ở nước ta đối với những vi phạm này còn nhẹ, chưa đủ tính ăn đe.

Khi có quy định này, buộc tài xế phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo hành nghề an toàn phục vụ cuộc sống của mình và mọi người. Tuy nhiên, xử phạt thế nào đối với hành vi uống rượu, bia thì cần nghiên cứu kỹ vì mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn đến hành vi lái xe là khác nhau.

Nếu nguyên nhân chủ quan của tài xế hoặc xe kinh doanh vận tải hoặc sử dụng ma túy, rượu, bia gây TNGT thì mới thu vĩnh viễn. Còn tai nạn do nguyên nhân khách quan hay hỗn hợp thì phải xem xét".

Ủng hộ đề xuất trên của Tổng cục Đường bộ VN, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Việc tước GPLX vĩnh viễn đối với tài xế có hành vi vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm là hợp lý. Tuy nhiên, áp dụng hình thức xử phạt này thế nào thì cần xem xét kỹ lưỡng. Phải xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn là do đâu từ đó có những mức phạt cụ thể".

Nguyễn Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tuoc-bang-lai-vinh-vien-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-giao-thong-nghiem-trong-a454305.html