Tung tin đồn nhảm về dịch Ebola, có thể bị xử lý hình sự

'Việc bịa đặt, phát tán thông tin, gây hoang mang cho xã hội, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự'- Luật sư Huỳnh Kim Ngân khẳng định.

Theo cơ quan công an, ngày 11/8, trên mạng xã hội Facebook một số tài khoản (như “Mẹ Gateau” , “Đỗ Thùy Linh”) đã tán phát thông tin có người nhiễm virus Ebola tại Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là tài khoản Facebook “Mẹ Gateau” đăng bài viết có nội dung “Theo thông tin đã xác nhận từ ng nhà em làm trong BV là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé…”.

Trên bài viết này chủ nhân của Facebook trên còn viết “thông tin này không được công bố vì sợ dân hoang mang. Nhưng em nghĩ là nên thông báo cho tất cả mọi người cùng biết để không có cơ hội phát tán đến ko kiểm soát được”.

Chỉ sau khoảng vài phút, đoạn thông tin trên đã lan truyền trong cộng đồng mạng gây sự hoang mang, lo sợ… Hàng trăm người đã share lại thông tin cho nhau. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Các cơ quan báo chí đã và cuộc xác minh, Bộ Y tế đã khẳng định hoàn toàn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vius này tại Việt Nam.

Virut Ebola đang hoành hành ở châu Phi

Virut Ebola đang hoành hành ở châu Phi

Việc triệu tập 2 người tình nghi bịa đặt, phát tán thông tin về đại dịch Ebola cũng là bài học cho cộng đồng Internet, cần thận trọng lời nói của mình để không gây hại cho xã hội. Để hiểu vấn đề kỹ hơn từ góc độ pháp lý, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn luật sư Tp.HCM) về vấn đề này.

Thưa luật sư, qua vụ việc triệu tập 2 người tung tin đồn trên, luật sư có nghĩ rằng,trước những hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, dù là giao tiếp trên Facebook cũng phải cẩn trọng lời nói?

Tất nhiên là không phải ai muốn nói gì thì nói, ngay cả ngoài xã hội thực chứ đừng nói chi trên mạng Internet là nơi công cộng, trừ khi bạn đóng cửa lại nói một mình không ai nghe biết!

Facebook hay những mạng xã hội tương tự khác không chỉ là một website mang tính cộng đồng xã hội mà còn là phương tiện truyền thông. Do đó, khi cung cấp thông tin hay lời phát biểu trên đó, bạn phải “tự kiểm duyệt” và tự chịu trách nhiệm về nội dung của mình đưa lên, nó đòi hỏi mỗi cá nhân chúng ta nên “phát biểu có ý thức” trên phương tiện thông tin đại chúng đó.

Để đảm bảo tính an toàn cá nhân của bản thân mình khi đưa thông tin, mỗi cá nhân cần phải dẫn chứng nguồn thông tin để chứng minh thông điệp của mình, nếu không như thế, tùy mức độ hậu quả mà cộng đồng mạng bị tác động hay gây thiệt hại ở mức nghiêm trọng, bạn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 4 điều 27 Nghị Định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 có quy định : “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”

Với trường hợp này, theo luật sư, hậu quả của việc tung tin đồn thất thiệt về dịch bênh Ebola sẽ như thế nào, đối với xã hội?

Ebola – tên một căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm đang lan truyền nhiều nước trên Thế giới – đang trở thành nổi lo sợ của nhiều Quốc gia. Việt Nam không là ngoại lệ. Chỉ cần phát hiện một người phát bệnh, về nguyên tắc, người ta phải khoanh vùng cách ly và áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn lây lan chuyển thành dịch bệnh. Có thể nói, Chính phủ phải chi tiêu một ngân sách lớn để thực hiện những công việc liên quan nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Như vậy, khi cung cấp một thông tin là đã có người mắc bệnh Ebola, không những gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng xã hội mà buộc Chính phủ phải nhanh chóng điều tra, xác minh thông tin, phải huy động lực lượng nhiều ban ngành… và gây tốn kém tài chính, nhân lực xã hội mặc dù tin đồn không xuất phát từ mục đích phá hoại. Hay nói cách khác, tin đồn dù vô tình hay cố ý cũng sẽ gây thiệt hại vô hình lẫn hữu hình mà xã hội phải gánh chịu.

Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP có quy định Hành vi bị cấm : “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Nếu gây ra hậu quả cho xã hội, việc làm này vi phạm vào quy định nào của pháp luật?

Như dẫn chứng quy định pháp luật nêu trên thì trường hợp này thuộc “hành vi bị cấm”, tùy theo mức độ hành vi, tính chất của sự việc và mức thiệt hại vật chất, phi vật chất mà có thể bị xử lý hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

“Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a.Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b.Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c.Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Theo Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012 quy định tại Điều 8:Hướng dẫn thực hiện Điều 226 Bộ Luật hình sự thì nếu hành vi nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong những trường hợp sau thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 226 BLHS về tội danh : “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”.

a) Gây thiệt hại về vật chất có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

b) Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức;

Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 64 Nghị Định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mĩ (Đoàn Luật sư Tp HCM)

Theo luật sư nguyên nhân là do thiếu ý thức, không lường hết được hậu quả của việc tung tin đồn về dịch bệnh hay đang có sự thiếu hụt về về hiểu biết pháp luật?

Theo tôi thì cả hai nguyên nhân trên. Hiểu biết pháp luật sẽ giúp cho cá nhân có ý thức hơn trong việc đưa thông tin lên các phương tiện trang mạng xã hội, và ngược lại, nêu có ý thức thì người ta sẽ cẩn trọng hơn trong hành vi của mình và sẽ tích cực tìm hiểu về các quy định pháp luật liên quan.

Trước đây, ta còn nhớ một hành vi thiếu ý thức của một cá nhân trên một chuyến bay, đó là câu nói đùa: coi chừng trong hành lý có “Bom”, đã làm cho chuyến bay phải dừng lại và hậu quả là phải xử lý trách nhiệm hình sự cho người nói đùa đó.

Điều này nhắc nhở mọi người nên “phát biểu có ý thức” trước cộng đồng để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và cho bản thân. Hành vi “tung tin đồn dịch bệnh” trong trường hợp này may mắn là được xác định kịp thời và không do cố ý nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên có thể cơ quan chức năng không xử lý.

Trước những tin đồn kiểu như vừa rồi, theo luật sư, những người dân nên có thái độ thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra?

Trước những thông tin thuộc loại “nhạy cảm” này, theo tôi, là một người dân thường xuyên theo dõi thông tin trên mạng Internet, chúng ta cần phải chọn lọc thông tin bằng cách kiểm tra nguồn của nó, những phát biểu không có viện dẫn nguồn gốc chính thống từ các cơ quan ngôn luận có trách nhiệm thì không nên nóng vội tin vào.

Hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ quan ngôn luận là báo chí, tạp chí, truyền hình với hàng chục ngàn phóng viên khắp nơi và do đó, chính các cơ quan truyền thông này mới là nguồn tin đáng tin cậy. Ngoài ra còn có nhiều cách kiểm chứng thông tin khác nhưng phải đảm bảo độ xác thực của thông tin trước khi đặt lòng tin vào và thực hiện những hành vi tiếp theo nhằm bảo vệ cho bản thân và cộng đồng.

Khi cung cấp thông tin trên mạng xã hội mà có dẫn nguồn tin chính thức thì vừa hợp pháp, vừa có tác dụng giúp mọi người nắm bắt thông tin chính xác sẽ góp phần ngăn chặn những tác hại xấu trong xã hội. Ngược lại, sẽ dẫn đến việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận và thiệt hại cho xã hội.

Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Vp Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho biết:

Dịch bệnh Ebola đang bùng phát trở lại ở Châu phi là một dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, an toàn xã hội, ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội... về nhiều mặt. Việc việc công bố dịch, phát ngôn về tình hình dịch bệnh thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Hành vi của các đối tượng trên sử dụng mạng internet để tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, an toàn xã hội, gây hoang mang cho xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước có thể bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Hành vi của các đối tượng tung tin đồn nhảm về dịch Ebola là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi đó đã cho thấy sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật hoặc coi thường pháp luật (trong số các đối tượng trên có đối tượng đã từng trong ngành công an, cử nhân luật...). Họ có thể cố ý hoặc vô tình gây ra hậu quả xấu có thể gây ra cho tâm lý đang rất lo lắng của toàn thể người dân Việt Nam, ảnh hưởng tới hoạt động khám chữa bệnh của Bênh viên Bạch Mai, ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta.

Trong thời gian này, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang rất quan tâm và lo lắng về đại dịch Ebola. Việc tung tin đồn thất thiệt vào thời diểm này làm hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội...

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tung-tin-don-nham-ve-dich-ebola-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-post141243.info