Tung tin đồn lợn nhiễm sán, dịch tả lợn Châu Phi chủ nhân nhận trái đắng, chuyên gia nói gì?

Liên tiếp những thông tin sai sự thật được đăng tải trên mạng khiến người dùng hoang mang, tuy nhiên khi cơ quan chức năng vào cuộc thì người đăng tải sự việc cũng đã bị xử lý nghiêm khắc.

Bị xử phạt vì tung tin sai

Thời đại công nghệ 4.0, mỗi người dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn, cập nhật tin tức nhanh hơn. Thế nhưng, không phải thông tin nào được đăng tải trên mạng cũng chính xác, chưa kể còn mang lại tâm lý hoang mang cho người dùng.

Điển hình nhất là hai sự việc gần đây là dịch tả lợn châu Phi và vụ việc hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn. Từ thông tin này, nhiều facebook đã đăng tải hình ảnh miếng thịt lợn bị dịch hay bị nhiễm sán, kèm theo đó là mục đích kêu gọi tẩy chay thịt lợn.

Chủ nhân tung tin đồn thịt lợn nhiễm sán bị phạt 10 triệu đồng.

Chủ nhân tung tin đồn thịt lợn nhiễm sán bị phạt 10 triệu đồng.

Mặc dù, cơ quan chức năng trước đó đã nói về bệnh dịch và nói về việc nhiễm sán lợn không nguy hiểm. Thế nhưng, tâm lý người dùng vẫn rất lo lắng.

Trước đó, liên quan đến việc một fanpage tung tin đồn ăn phải thịt bị dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề đề nghị xử lý những thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Chủ trang Facebook Đầm bầu Thời trang Mami đã thừa nhận việc tung tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi trên Facebook và đã ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt 20 triệu đồng.

Cùng với đó, liên quan đến vụ sán lợn, thanh tra Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Trịnh Thị Huế và quyết định xử phạt 10 triệu đồng về hành vi bà này cung cấp thông tin sai sự thật “thịt lợn nhiễm sán”.

Chuyên gia xã hội học nói gì?

Có thể nói, mỗi một sự việc nóng xảy ra là trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều thông tin. Vậy, làm thế nào để có thể là người dùng thông thái. Trước vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng- Giám đốc trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD).

Đánh giá như thế nào về những thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây, tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng cho biết: “Những thông tin sai sự thật được đăng tải trên các mạng xã hội có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Những phát ngôn gây thù ghét, những thông tin thất thiệt nói xấu, bôi nhọ cá nhân, tổ chức gây ra sự mất lòng tin của con người đối với cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỗi cá nhân và tổ chức. Những thông tin này gây ra sự nhiễu loạn, khiến xã hội mất ổn định, con người trở nên nghi kỵ lẫn nhau, tạo nên sự hận thù thậm chí ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh tế.

Những thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội, khiến cho cộng đồng có cái nhìn tiêu cực về xã hội, gây ra hiệu ứng chỉ thấy những mặt tệ hại, xấu xa mà không nhìn ra được những mặt tích cực, tốt đẹp của xã hội. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các mối liên hệ xã hội hay sự đoàn kết trong xã hội”.

TS. Thân Trung Dũng cho biết, thông tin sai lệch, không đúng sự thật trên mạng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhiều người.

“Những thông tin sai lệch, không đúng sự thật trên các trang fanpage, các trang mạng xã hội có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ - những người thiếu hiểu biết, kiến thức cũng như kỹ năng xử trí những tình huống trên mạng xã hội. Nó gây ra sự hiểu lầm, làm mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến danh dự, nhân cách của những cá nhân bị tung tin sai sự thật.

Với trẻ em ảnh hưởng này càng nghiêm trọng, nó ảnh hưởng đến niềm tin của trẻ em, thậm chí những thông tin trực diện có thể dẫn đến những sang chấn về tâm lý khiến các em trầm cảm, thậm chí tâm thần trước sức ép của tin đồn, dư luận xã hội hay nhiều bình luận ác ý của những anh hùng bàn phím”, tiến sĩ Thân Trung Dũng phân tích.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia xã hội học đưa ra lời khuyên: “Thông tin là ảo nhưng ảnh hưởng đến tâm lý, xã hội là thật. Vì vậy, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn đối với việc ấn nút thích, chia sẻ những thông tin trên các trang mạng xã hội. Trước khi like, chia sẻ cần kiểm chứng những thông tin đó xem có đúng không. Hãy là những người thông minh khi sử dụng mạng xã hội.

Gia đình, nhà trường cần phải giáo dục thế hệ trẻ có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm xã hội cao với mỗi bình luận hay phát ngôn trên mạng xã hội. Nhà trường cũng cần sớm triển khai những khóa tập huấn, trang bị những kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh, sinh viên để họ có đủ bản lĩnh tránh những thông tin xấu độc và có những ứng xử trách nhiệm, văn hóa, thông minh trên mạng xã hội.

Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tung-tin-don-lon-nhiem-san-dich-ta-lon-chau-phi-chu-nhan-nhan-trai-dang-chuyen-gia-noi-gi-a427036.html