Từng là tâm điểm được giới đầu tư, vì sao cổ phiếu DGC chững lại?

Sau khi chuyển sàn, cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có biểu hiện 'ngập ngừng', không còn 'sôi nổi' như thời điểm trước đó.

Dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty TNHH một thành viên Đức Giang Lào Cai (công ty con của Hóa chất Đức Giang).

Chững nhịp sau chuyển sàn

Cổ phiếu DGC từng niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng đã chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ cuối tháng 7/2020. Trước khi chuyển sàn, DGC là một trong những tiêu điểm được giới đầu tư chú ý với nhịp tăng giá ấn tượng. Tuy nhiên, cổ phiếu này không còn duy trì năng lượng sau khi “an cư” tại sàn niêm yết mới.

Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu DGC thời gian qua, thị giá tại thời điểm tháng 4/2020 chỉ ở mốc khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu này biến động gần như theo một chiều tăng. Đến khi chuyển sàn, giá tham chiếu được Công ty xác định ở 39.700 đồng/cổ phiếu, gấp gần 2 lần thị giá cách đó 3 tháng. Mốc giá này vẫn được thị trường tiếp nhận và vượt ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, DGC chỉ loanh quanh mức giá này, chứ không thể tiếp tục leo dốc.

Việc cổ phiếu DGC tăng giá trong giai đoạn giữa năm 2020 có thể được lý giải bởi kết quả kinh doanh của Hóa chất Đức Giang vẫn tăng trưởng tốt ngay trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp khó khăn bởi Covid-19. Doanh thu thuần lũy kế 6 tháng của Công ty đạt 3.096,4 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 469,3 tỷ đồng, tăng 67,4% so với nửa đầu năm trước.

Ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng giám đốc Hóa chất Đức Giang trong văn bản giải trình cho biết, sản xuất và tiêu thụ của Công ty không bị ảnh hưởng của Covid-19. Trong khi đó, giá điện giảm 10% trong quý II và nguyên liệu đầu vào giảm giúp lợi nhuận hợp nhất của Công ty tăng.

Ẩn số nửa cuối năm

Việc tăng lợi nhuận trong quý II/2020 một phần đến từ giảm chi phí giá điện cho thấy, lợi thế này sẽ không còn trong các quý còn lại của năm 2020, do giá điện đã trở lại mặt bằng giá cũ từ tháng 7/2020. Theo đó, Công ty cũng sẽ đối mặt với việc gia tăng chi phí trở lại trong nửa cuối năm 2020.

Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất của nửa đầu năm 2020 chủ yếu đến từ sự tăng tốc đột biến về lợi nhuận của Công ty mẹ. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt tới 668,9 tỷ đồng, vượt trội so với kết quả 56,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Điều đáng chú ý trong tính chất hoạt động của Hóa chất Đức Giang là Công ty mẹ không tham gia đáng kể vào hoạt động kinh doanh trực tiếp. Doanh thu thuần của Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2019 là 145,2 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,8% tổng doanh thu thuần toàn Tập đoàn. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ là 158,3 tỷ đồng, chiếm 5,1% doanh thu thuần Tập đoàn.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 Công ty mẹ đã lớn gấp hơn 4 lần doanh thu thuần của chính công ty này. Vậy khoản lợi nhuận kếch xù mà Công ty mẹ Hóa chất Đức Giang có được và đóng góp chung cho lợi nhuận hợp nhất toàn Công ty đến từ đâu?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh Công ty mẹ, Công ty mẹ chỉ có 29,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, nhưng có tới 677,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Phần lớn khoản thu nhập tài chính khủng này có được nhờ Công ty mẹ được điều chuyển lợi nhuận chưa phân phối năm trước từ công ty con là Công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang Lào Cai và Công ty TNHH một thành viên Hóa chất Đức Giang Đình Vũ. Nếu không tính khoản điều chuyển này, lợi nhuận riêng Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 chỉ là gần 6 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc có được kết quả kinh doanh tốt nhìn trên tổng thể hoạt động kinh doanh hợp nhất nhờ giá nguyên liệu giảm cũng là một yếu tố khá bấp bênh, liên quan đến việc xác định giá trị giá vốn hàng bán tại thời điểm hạch toán.

Hàng tồn kho của Hóa chất Đức Giang tại thời điểm giữa năm 2020 là 647,7 tỷ đồng, giảm hơn so với mức 808,2 tỷ đồng hồi đầu năm 2020. Phần lớn số hàng tồn kho tại ngày 30/6/2020 đang được thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng HSBC và VietinBank Chi nhánh Lào Cai.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực nhập nguyên liệu mới liên tục để duy trì lượng hàng tồn kho tối thiểu để đảm bảo các nguyên tắc quản lý tài sản thế chấp của các ngân hàng. Khi hàng tồn kho vẫn trong trạng thái chưa được giải chấp thì Công ty sẽ bị hạn chế tính chủ động trong việc chọn thời điểm nhập hàng - một trong những yếu tố quan trọng để có thể có được giá đầu vào tốt nhất.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tung-la-tam-diem-duoc-gioi-dau-tu-vi-sao-co-phieu-dgc-chung-lai-d129722.html