Từng đoán ông Trump thắng 2016, 'giáo sư tiên tri' nói gì về 2020?

Trả lời Zing, giáo sư sử học Allan Lichtman, người tiên đoán chính xác kết cục các cuộc bầu cử 40 năm qua, nói ông Trump có 7 yếu tố bất lợi trong cuộc đua năm nay.

Giáo sư Allan Lichtman giảng dạy lịch sử chính trị tại trường American University. Ông đã xuất bản hơn 11 cuốn sách và hàng trăm bài viết chuyên sâu, có ảnh hưởng lớn đối với giới học giả quốc tế.

Ông Lichtman đặc biệt nổi tiếng với truyền thông Mỹ nhờ đưa ra mô hình phân tích 13 yếu tố vào năm 1984 để dự báo kết quả các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dự đoán của ông Lichtman luôn đúng cho đến nay.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Lichtman nói tổng thống đương nhiệm đã mất 7 trong 13 "chìa khóa" cần thiết để mở cửa Nhà Trắng.

Giải mã '13 chìa khóa' mở cửa đường vào Nhà Trắng Allan Lichtman được xem như tiên tri Nostradamus về dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ông đã dự đoán đúng trong 4 thập kỷ, gồm cả chiến thắng của ông Trump năm 2016.

- Là người duy nhất dự đoán ông Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, giáo sư có cảm thấy áp lực vào thời điểm đó?

- 90% cử tri ở thủ đô Washington, nơi tôi đang giảng dạy, là những người ủng hộ đảng Dân chủ. Do đó, khi dự đoán ông Donald Trump sẽ đắc cử tổng thống vào năm 2016, tôi cảm thấy rất áp lực.

 Giáo sư Allan Lichtman. Ảnh: AP.

Giáo sư Allan Lichtman. Ảnh: AP.

Dự đoán của tôi lúc đó đi ngược lại so với kết quả từ hàng loạt cuộc thăm dò và ý kiến từ nhiều chuyên gia đều nói bà Hillary Clinton sẽ chiến thắng.

Nhưng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình, bất chấp mọi lời chỉ trích và áp lực. Trong đêm bầu cử, "giới chuyên gia" cố gắng giải thích tại sao ông Trump chiến thắng, dù trước đó họ một mực khẳng định với tôi là kết quả đó không thể xảy ra.

- Vậy còn cuộc bầu cử năm nay thì sao?

- Đợt bầu cử lần này, tôi dự đoán hoàn toàn ngược lại năm 2016. Ông Donald Trump sẽ thua. Tất nhiên, tôi đã nhận nhiều lời chỉ trích từ những người ủng hộ ông Trump.

Giáo sư Lichtman dự đoán Tổng thống Trump có 7 bất lợi trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Reuters.

Nhưng lần này không giống 4 năm trước, dự đoán tôi đưa ra khá tương đồng với những gì mà các cuộc thăm dò phản ánh hay ý kiến từ các chuyên gia.

Tuy nhiên, không giống nhiều chuyên gia khác, tôi không phân tích những cuộc khảo sát cử tri mà dựa trên 13 tiêu chí để đưa ra dự đoán.

Hệ thống này đánh giá những yếu tố then chốt tác động lên cuộc bầu cử như tình trạng nền kinh tế, hiệu quả của chính quyền đương nhiệm, bất ổn xã hội, các vụ bê bối hay sức hút của từng ứng viên.

Cần xem xét bức tranh tổng thể

- Một số yếu tố thường có ảnh hướng đến cục diện bầu cử như "bất ngờ tháng 10", mức độ hiệu quả của chiến dịch tranh cử... Tại sao những yếu tố này không được đưa vào hệ thống đánh giá?

- Hệ thống chìa khóa của tôi được xây dựng trên nguyên tắc vận hành của quá trình tranh cử tổng thống. Các tiêu chí này giúp xem xét bức tranh tổng thể và hiệu quả của chính quyền đương nhiệm, không liên quan đến công tác vận động cử tri và chiến dịch tranh cử của các ứng viên.

Hệ thống chìa khóa của giáo sư Lichtman đánh giá hoạt động của đảng cầm quyền, trong trường hợp này là đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Khi "đánh mất" 6 chìa khóa hoặc nhiều hơn, đảng cầm quyền và ứng viên của họ sẽ nắm chắc thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Chỉ có hai chìa khóa liên quan trực tiếp đến các ứng viên tranh cử, một trong số đó là khả năng truyền cảm hứng và thu hút quần chúng, như Franklin D. Roosevelt của đảng Dân chủ hay Ronald Reagan thuộc phe Cộng hòa.

Hệ thống của tôi không đánh giá diễn biến các phiên tranh luận, những bài phát biểu, hoạt động quảng cáo, gây quỹ hay những loại tiểu xảo và mánh khóe.

- Giáo sư từng nói với tôi là ông Trump đã đánh mất 7 trong số 13 "chìa khóa". Xin giáo sư vui lòng phân tích rõ hơn.

- Tính đến cuối năm 2019, Tổng thống Trump mới chỉ đánh mất 4 chìa khóa.

"Chìa khóa tín nhiệm" bị đánh mất khi đảng Cộng hòa thua thảm trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.

Những vụ tai tiếng liên tục ập đến với Tổng thống Trump khiến ông đánh mất "chìa khóa miễn nhiễm bê bối".

Người đứng đầu Nhà Trắng mất thêm "chìa khóa đối ngoại" vì nước Mỹ không đạt được thành tựu ngoại giao đáng kể nào trong nhiệm kỳ ông Trump tại chức.

Tổng thống Trump cũng đánh mất "chìa khóa sức hút đương nhiệm" vì không giành được sự ủng hộ rộng rãi. Hơn 60% người dân Mỹ không thích ông ấy. Những ví dụ về ứng viên tổng thống không có sức hút tương tự Donald Trump trong quá khứ bao gồm Barry Goldwater (ứng viên đảng Cộng hòa năm 1964) hoặc George McGovern (ứng viên đảng Dân chủ năm 1972).

Tổng thống Trump bị giáo sư Lichtman đánh giá gặp nhiều khó khăn trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Reuters.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với chiến dịch của ông Trump khi dịch Covid-19 đổ bộ vào nước Mỹ, cùng với làn sóng biểu tình khắp cả nước.

Tuy nhiên, thay vì tập trung ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh và khắc phục hậu quả của đại dịch, người đứng đầu Nhà Trắng lại dùng đối sách cũ của năm 2016. Ông nghĩ là có thể phớt lờ và chờ cơn khủng hoảng qua đi.

Ông Trump cũng đánh mất "chìa khóa kinh tế ngắn hạn" do sự suy thoái rõ rệt trong năm bầu cử, mất luôn "chìa khóa kinh tế dài hạn" vì mức tăng trưởng âm quá lớn.

Giờ đây, "chìa khóa bất ổn xã hội" cũng vuột khỏi tay ứng viên phe Cộng hòa do cơn khủng hoảng lan rộng trên toàn nước Mỹ.

Theo giáo sư Lichtman, ông Trump đã không giữ được 7 trong 13 chìa khóa dẫn đến Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Vì ông ấy đã đánh mất 7 trong số 13 chìa khóa, tôi dự đoán Donald Trump sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên thất cử kể từ khi Bill Clinton đánh bại George H.W. Bush vào năm 1992. Joe Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.

Bên cạnh đó, chưa bao giờ trong lịch sử, đảng cầm quyền phải trải qua một loạt những cú sốc và chịu ảnh hưởng nặng nề trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

- Dù 60% người dân Mỹ không thích ông Trump, vẫn có một lượng cử tri trung thành ủng hộ tổng thống đương nhiệm. Vì sao ông cho là ông Trump kém sức hút?

- Mỗi người có thể có quan điểm khác nhau về Donald Trump và sức hút của ông ấy. Nhưng khi dựa trên một hệ thống để đưa ra đánh giá, ta cần bám sát những nguyên tắc của hệ thống đó.

Donald Trump sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên thất cử kể từ khi Bill Clinton đánh bại George H.W. Bush vào năm 1992.

Giáo sư Allan Lichtman

Những tiêu chí trong hệ thống của tôi đã giúp tiên đoán chính xác kết quả tất cả các cuộc bầu cử từ năm 1984. Cơ sở của hệ thống này có thể truy về tận năm 1860.

Với bề dày lịch sử đó, tôi trung thành với những nguyên tắc đã vận hành chính xác trong khoảng thời gian dài. "Chìa khóa sức hút đương nhiệm" không được xác định dựa trên mức độ nhiệt thành của người ủng hộ mà phụ thuộc vào phạm vi ảnh hưởng của tổng thống đối với cử tri.

Do đó, tôi không xem ông Trump là tổng thống có sức hút, tương tự Barry Goldwater hay George McGovern.

Lo ngại việc chèn ép cử tri

- Điều gì khiến giáo sư bận tâm nhất trong bầu cử năm nay?

- Một vài điều làm tôi đôi khi thao thức không ngủ được, vì chúng thực sự đe dọa đến nền dân chủ của nước Mỹ. Một trong số đó là vấn đề chèn ép cử tri.

Thực tế, đảng Cộng hòa phụ thuộc vào những người da trắng lớn tuổi như tôi. Nhưng họ không thể tạo thêm nhiều cử tri da trắng lớn tuổi, họ không thể khiến chúng tôi sống đến 150 tuổi.

Nhưng họ có thể làm suy yếu lực lượng ủng hộ nòng cốt của đảng Dân chủ. Donald Trump từng thừa nhận rằng nếu lượng cử tri đi bỏ phiếu tăng lên, đảng Cộng hòa sẽ không bao giờ giành chiến thắng.

Ông Trump và đảng Cộng hòa được cho là đang tìm cách hạn chế lượng cử tri đi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters.

Vì vậy, tổng thống và các đồng minh đã cố tìm lý do thuyết phục để chèn ép các cuộc bỏ phiếu. Họ đâm đơn kiện khắp cả nước khiến công tác kiểm phiếu trở nên khó khăn hơn. Ông Trump còn tìm cách kích động bạo lực tại các điểm bỏ phiếu.

- Giáo sư dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump không chấp nhận kết quả bầu cử?

- Tôi hy vọng kết quả không quá sít sao. Kể cả trong trường hợp chênh lệch giữa hai ứng viên không quá lớn, ông Trump vẫn cần đưa ra lập luận và bằng chứng thuyết phục.

Tổng thống Trump không thể chỉ nói "Tôi nghĩ tôi đã thắng" được, cáo buộc phải có cơ sở.

Tổng thống Trump không thể phủ nhận kết quả bầu cử một cách vô căn cứ. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, tỷ lệ bị sét đánh còn cao hơn khả năng xảy ra gian lận trong bầu cử tại Mỹ.

Thậm chí, đảng Dân chủ chưa bao giờ vướng vào cáo buộc gian lận nào. Còn phe Cộng hòa bị phát hiện làm giả phiếu bầu tại quận 9 của North Carolina trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.

Ông Trump không thể ngăn chuyển giao quyền lực

- Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng phát sinh khủng hoảng nếu Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực?

- Ông Trump không thể ngăn cản quá trình chuyển giao quyền lực. Quá trình này không phụ thuộc vào việc ông Trump có thừa nhận kết quả cuộc bầu cử hay không.

Điều quan trọng duy nhất nằm ở hoạt động kiểm phiếu đại cử tri. Nếu ông Biden giành được nhiều phiếu hơn, ông ấy sẽ trở thành tân tổng thống vào ngày 20/1/2021. Tổng thống Trump có giận dữ hay gào khóc như thế nào cũng không thay đổi được điều đó.

Và tôi không nghĩ Tổng thống Trump sẽ cố thủ trong Nhà Trắng sau khi cuộc bầu cử kết thúc để tránh chuyển giao quyền lực.

- Giáo sư có nghĩ ông Biden sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm nay?

- Hệ thống của tôi không dự đoán mức độ chênh lệch giữa hai ứng viên. Nhưng gần như chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến một "làn sóng xanh" quét qua nhiều bang, tương tự cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.

Ông Biden được dự đoán là sẽ thắng lớn. Ảnh: AP.

Viễn cảnh nước Mỹ dưới thời Biden

- Giáo sư hình dung như thế nào về nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Biden?

- Chúng ta sẽ chứng kiến một loạt những thay đổi quan trọng. Nếu ông Biden đắc cử, Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá rẻ (hay Obamacare) sẽ được giữ lại, giúp bảo vệ hơn 100 triệu người Mỹ trên toàn quốc.

Lập trường về biến đổi khí hậu của Tổng thống Trump và ông Biden cũng đối lập với nhau. Ông Trump thường tìm cách hạn chế những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cho rằng vấn đề đó vốn dĩ không có thật.

Nhưng nhìn xem: Bờ Tây lửa cháy đỏ trời, miền Nam hứng chịu nắng nóng kỷ lục và các cơn bão khủng khiếp. Nếu Biden đắc cử, ít nhất ông ấy sẽ hành động để khắc phục hậu quả của những thảm họa này.

Cháy rừng biến bầu trời California trông như sao Hỏa. Ảnh: Getty.

Chính quyền dưới sự kiểm soát của ông Biden nhiều khả năng cũng sẽ dân chủ và thân thiện hơn, khác với hình ảnh tổng thống chuyên quyền như ông Trump. Tôi nghĩ ông Biden sẽ là một tổng thống tôn trọng chế độ dân chủ và Quốc hội hơn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng vấn đề đánh thuế giới siêu giàu cũng sẽ được xem xét lại.

- Ở chiều ngược lại, giáo sư có dự đoán gì nếu nước Mỹ trải qua thêm 4 năm nữa dưới sự quản lý của Tổng thống Trump?

- Tôi nghĩ tình trạng chuyên quyền của tổng thống sẽ gia tăng, đi kèm là sự tiếp diễn của những vấn đề như đối xử khắc nghiệt với người nhập cư, biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng giàu nghèo.

Giáo sư Lichtman dự đoán đúng các kết quả bầu cử từ 1984 tới nay. Ảnh: Reuters.

Một "làn sóng xanh" ở Quốc hội?

- Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng xuất hiện "làn sóng xanh" ở cả cuộc bầu cử Quốc hội?

- Hệ thống chìa khóa của tôi không giúp dự đoán kết quả bầu cử Hạ viện và Thượng viện. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu ông Biden đắc cử, đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ giành được lợi thế trong các cơ quan lập pháp kể trên.

- Liệu có phải hệ thống chìa khóa của giáo sư được cập nhật hai năm một lần không?

- Khác với các cuộc khảo sát cử tri, hệ thống chìa khóa của tôi cung cấp cụ thể yếu tố quyết định kết quả bầu cử, bất kỳ ai cũng có thể theo dõi dòng sự kiện và tình hình chung để đưa ra dự đoán.

Thực tế, tôi được biết đến vì khả năng tiên đoán kết quả bầu cử từ rất sớm, điển hình như cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1984 hay 2012, nhờ vào nguyên tắc tập trung vào bức tranh tổng thể hơn là bám sát vào kết quả thăm dò như nhiều cơ quan khác vẫn đang tiến hành.

Giáo sư Lichtman cho rằng "làn sóng xanh" có khả năng quét qua nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters.

- Giáo sư đánh giá như thế nào về sự phân cực của cử tri trong đợt bầu cử năm nay?

- Cử tri năm nay khá phân cực. Vào năm 2016, sự chia rẽ trong thành phần người dân ủng hộ hai đảng cũng rất cao.

Tuy nhiên, nước Mỹ từng chứng kiến sự phân cực còn lớn hơn vào những năm 1850 do những xung đột về chế độ nô lệ, hay năm 1930, khi những đồn thổi xoay quanh Franklin Roosevelt làm nhiều người mất niềm tin vào đảng Dân chủ.

Hệ thống "13 chìa khóa" của giáo sư Allan Lichtman tương ứng với các tiêu chí đánh giá khả năng chiến thắng của đảng cầm quyền và ứng viên đảng này trong cuộc bầu cử. Khi giữ được ít nhất 8 chìa khóa thì ứng viên sẽ dẫn đầu trong các vòng bỏ phiếu phổ thông.

Chìa khóa số 1 (hiệu quả của đảng): Sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng cầm quyền cần chiếm nhiều ghế trong Hạ viện Mỹ hơn so với cuộc bầu cử trước đó.

Chìa khóa số 2 (tranh cử nội bộ): Không có sự cạnh tranh gay gắt giữa những thành viên đảng cầm quyền trong quá trình tìm kiếm đại diện cho các cuộc đua.

Chìa khóa số 3 (đang tại vị): Ứng viên của đảng cầm quyền chính là tổng thống đương nhiệm.

Chìa khóa số 4: Đảng thứ 3, hoặc ứng viên độc lập, không quá mạnh.

Chìa khóa số 5 (hiệu quả kinh tế ngắn hạn): Nền kinh tế không bị suy thoái trong năm bầu cử.

Chìa khóa số 6 (hiệu quả kinh tế dài hạn): Tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng trung bình trong hai nhiệm kỳ trước.

Chìa khóa số 7 (chính sách): Chính quyền đương nhiệm tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt chính sách quốc gia.

Chìa khóa số 8 (bất ổn xã hội): Đất nước không chìm vào bất ổn và không có khủng hoảng kéo dài trong nhiệm kỳ hiện tại.

Chìa khóa số 9 (bê bối): Chính quyền đương nhiệm không bị ảnh hưởng bởi những bê bối lớn.

Chìa khóa số 10 (thất bại đối ngoại/quân sự): Chính quyền đương nhiệm không gặp thất bại đáng kể về mặt đối ngoại hoặc quân sự.

Chìa khóa số 11 (thành công đối ngoại/quân sự): Chính quyền đương nhiệm đạt thành tựu lớn về mặt đối ngoại hoặc quân sự.

Chìa khóa số 12 (sức hút của ứng viên): Ứng viên đảng cầm quyền là người có sức hút đối với đa số cử tri hoặc là anh hùng dân tộc.

Chìa khóa số 13 (sức hút đối trọng): Ứng viên đảng đối lập không phải là người có sức hút đối với đa số cử tri hoặc không phải anh hùng dân tộc.

Zing từ Mỹ: Bạo lực cảnh sát và sự bế tắc của cả hai ứng viên Những cuộc biểu tình nổ ra gần ngày bầu cử vì bạo lực cảnh sát và bất công chủng tộc, trong khi cử tri trẻ ở Mỹ không cho rằng lá phiếu của họ sẽ giải quyết được vấn đề này.

Đại Hoàng thực hiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tung-doan-ong-trump-thang-2016-giao-su-tien-tri-noi-gi-ve-2020-post1146993.html