Từng đánh bại 2 cuộc xâm lăng lớn, tại sao Tôn Quyền không thể thống nhất Trung Hoa?

Vùng đất Giang Nam (sau này khi lập quốc được gọi là nước Ngô) đã có hai chiến thắng hiển hách vào loại bậc nhất thời kì Tam Quốc, đó là chiến thắng Xích Bích trước hùng binh Tào Thào và chiến thắng Di Lăng trước quân đội của Lưu Bị.

Hai chiến thắng này có một điểm chung là quân đội của Tôn Quyền đều bị đánh giá thấp hơn cả về quân số, lực lượng nhưng lại đánh bại được kẻ thù mạnh hơn. Tuy nhiên, dù thực tế đã đập tan được chủ lực đối phương trong các trận chiến nhưng đến cuối cùng, Tôn Quyền vẫn không phải là người thống nhất Trung Quốc. Nguyên nhân này do đâu?

Quân đội Tôn Quyền không giỏi trong việc chủ động chinh phạt quốc gia khác

Năm 208, khi diễn ra trận Xích Bích, thế lực của Tào Tháo được coi là mạnh nhất trong các thế lực đang phân tranh thời Tam Quốc. Trên đà thắng lợi sau các trận Quan Độ và thu phục Kinh Châu, quân đội đội do Tào Tháo đứng đầu rất đông đảo và thiện chiến tiến xuống chinh phạt Giang Nam nhưng bị liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị với chủ lực là quân của Tôn Quyền đánh bại.

Rồi sau khi liên quân tan rã, Lưu Bị với ưu thế về số lượng cùng vũ khí đem quân đi đánh Đông Ngô cũng bị Tôn Quyền đập tan. Tất cả chỉ dừng lại ở đó, chưa bao giờ quân đội Tôn Quyền chủ động tấn công quy mô lớn với hai đối thủ của mình.

Thực tế mà nói, các chiến thắng của Tôn Quyền là trên tình thế của kẻ yếu đánh lại kẻ mạnh, của người bị xâm lăng chống lại kẻ xâm lăng. Để thực hiện các trận chiến đánh trả đối thủ hùng mạnh hơn, quân của Tôn Quyền chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, mưu lược của các tướng giỏi như Chu Du trong trận Xích Bích hoặc Lục Tốn trong trận Di Lăng.

Dưới góc độ quân sự, việc phòng thủ thắng lợi trước kẻ địch lớn hơn hoàn toàn khác việc cầm quân đi chinh phạt một đối thủ. Quân đội của Tôn Quyền có thể chiến đấu rất tốt trên "sân nhà" và giỏi chống đỡ nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm trong trước hợp chủ động tấn công chinh phạt một quốc gia khác.

Hai anh em Tôn Sách và Tôn Quyền lần lượt thiết lập quyền lực trên một vùng đất riêng trong một thời gian dài mà bất cứ kẻ địch nào cũng khó lòng xâm phạm là bởi một yếu tố là điều kiện tự nhiên của sông Dương Tử.

Vùng đất Giang Nam sau này trở thành nước Ngô được bao bọc bởi điều kiện tự nhiên được tạo nên từ hệ thống sông ngòi có khởi nguồn là sông Dương Tử. Cũng do đó mà thủy chiến sẽ trở thành điều bắt buộc khi tiến đánh nước Ngô. Quân đội nước Ngô nhiều năm thao luyện và thuần thục thủy chiến, họ dễ dàng khiến quân đội Tào Tháo ôm hận ở Xích Bích.

Tuy vậy, nếu đổi ngược lại, khi Tôn Quyền muốn thống nhất Trung Hoa thì quân đội nước Ngô phải tiến lên đánh bại Tào Tháo ở phía Bắc, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, bởi ở phía Bắc quân đội Tào Tháo không những đông đảo hơn nhiều lần mà còn thiện chiến trên địa hình đồng bằng của mình. Nên cơ hội cho Tôn Quyền là rất nhỏ.

Lợi thế về kinh tế cùng quân sự rất lớn mà Tào Tháo để lại cho nước Ngụy

Tào Tháo không chỉ là một nhà quân sự mà còn là một nhà chính trị có đầu óc và tầm nhìn xa.

Tào Tháo đã thiết lập một nền tảng kinh tế, quân sự vững chắc cho nước Ngụy nay cả trong giai đoạn quốc gia đang tạm thời yên bình.

Theo bài viết "Phân tích kinh tế chính trị thời Tào Ngụy" trên báo Người Quan Sát (guancha.cn) của học giả Diệp Phán - tiến sĩ ngành Xã hội học tại Đại học Thanh Hoa đánh giá cao chính sách gọi là "Đồn điền" mà Tào Tháo áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của mình quản lý.

Chính sách "Đồn điền" của Tào Tháo khuyến khích hoặc cưỡng ép những người hàng binh, những người nông dân mất ruộng đất do chiến tranh phải đi khai hoang và lập các vùng đất hoang sơ để khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra còn lập các đồn điền quân sự, binh lính trong thời bình được lệnh không chỉ luyện tập mà còn phải tập trung trồng trọt, sản xuất ngay tại nơi mình đóng quân, canh gác để gia tăng sản lượng nông nghiệp, ổn định tình hình kinh tế tại nơi đó.

Tầm nhìn của Tào Tháo đã giúp nước Ngụy vững mạnh ngay cả khi ông mất và con cháu bị cướp ngôi. Ảnh minh họa.

Tầm nhìn của Tào Tháo đã giúp nước Ngụy vững mạnh ngay cả khi ông mất và con cháu bị cướp ngôi. Ảnh minh họa.

Tào Tháo đã giúp được nền kinh tế ổn định, quân sự vững chắc. Tuy nhiên, chính sách này cũng không phải là không có điểm yếu, ban đầu thì những đồn điền dân sự mới khai hoang được miễn thuế, miễn nghĩa vụ quân sự trong thời kỳ Tào Tháo cai trị nhưng đến khi Tào Phi là con trai kế vị Tào Tháo và soán ngôi nhà Hán lập ra nhà Ngụy (còn gọi là Tào Ngụy) thì các đồn điền phải nộp thuế và phải chịu chế độ nghĩa vụ đi phu, đi lính khá nặng nề.

Cũng có những sự chống đối với triều đình, như trong "Tam quốc chí phần Tư Mã Chi truyện" có viết : "Từ thời Hoàng tổ (tức thời Tào Phi) trở đi, khi biết đến chính sách mới (tức tăng thuế và bắt lính), nhiều người tìm cách né tránh."

Sau này, trong "Tấn thư" (sách khi chép lại sự kiện lịch sử thời nhà Tấn nhưng được biên soạn theo lệnh của Đường Thái Tông thời nhà Đường) cũng phê phán rằng "Nước Ngụy bắt người dân cống cho triều đình cả gia súc, bắt nô lệ đi lính, mỗi lúc số ít nhiều khác nhau, nhiều kẻ cửa quyền, có khi chỉ bắt cống nộp để vui chơi".

Chính sách của Tào Tháo khôi phục kinh tế tạo tiềm lực cho những người kế tục quyền lực đời sau là Tào Phi, Tào Duệ, Tào Phương để hi vọng có thể dùng sức mạnh quân sự thống nhất Trung Hoa. Mặc dù hậu duệ Tào Tháo không làm được, nhưng sau này Tư Mã Viêm lật đổ họ Tào, hủy bỏ quốc hiệu nước Ngụy, lập ra nước Tấn đã được thừa hưởng quốc lực từ chính sách kinh tế quân sự của Tào Tháo, lần lượt đánh bại nước Thục (do hậu duệ Lưu Bị làm chủ) và nước Ngô (chỉ truyền được đến đời con Tôn Quyền là Tôn Hạo) thống nhất Trung Hoa sau hơn một trăm năm Tam Quốc phân tranh.

Theo Hoàng Hiệp/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tung-danh-bai-2-cuoc-xam-lang-lon-tai-sao-ton-quyen-khong-the-thong-nhat-trung-hoa/20200317060458676