Tùng 'cụt', xe vua và 'lỗ hổng' trong đào tạo lái xe

Không phải đến bây giờ, lỗ hổng trong đào tạo lái xe mới được đề cập. Năm 2013, từ một vụ gây tai nạn nghiêm trọng tại Hà Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng lúc đó kêu giời vì phát hiện một giám đốc cụt chân vẫn có bằng.

Những lỏng lẻo trong đào tạo lái xe là tiềm ẩn nguy cơ gây nên những tai nạn giao thông nghiêm trọng

Những lỏng lẻo trong đào tạo lái xe là tiềm ẩn nguy cơ gây nên những tai nạn giao thông nghiêm trọng

Mù chữ vẫn “bao đậu” bằng lái xe ô tô

Trở lại vụ việc ngày 27/12/2013, do những “bức xúc” vì Bộ GTVT áp dụng lắp đặt trạm cân để kiểm soát trọng tải xe trên cả nước, ông Lê Thanh Tùng (39 tuổi, ở phường Thanh Châu, TP Phủ Lý), Giám đốc Công ty TNHH Phương Lâm hoạt động trong lĩnh vực vận tải đã lái chiếc ôtô bảy chỗ biển số 90T-5678 đâm thẳng vào trạm cân lưu động số 2 tại km11+800, đường tỉnh ĐT 494 gây hư hỏng hệ thống cân lưu động mà Tổng cục Đường bộ trang bị cho tỉnh Hà Nam để kiểm soát xe quá tải.

Ngay sau đó, Công an TP Phủ Lý (Hà Nam) đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lê Thanh Tùng (39 tuổi, ở phường Thanh Châu, TP Phủ Lý) về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Đáng chú ý, Lê Thanh Tùng còn có biệt danh là Tùng “cụt” nhưng theo lãnh đạo Bộ GTVT, không hiểu sao đối tượng này vẫn có bằng lái xe (thời điểm năm 2013). Từ đó, Bộ GTVT đã tổng rà soát các trung tâm đăng kiểm trên cả nước.

Tuy nhiên, dù có rất nhiều cuộc kiểm tra đã được thực hiện, nhưng công tác đào tạo lái xe còn buông lỏng, đặc biệt về vấn đề sức khỏe người lái. Nhiều tài xế dễ dàng ra các bệnh viện làm dịch vụ để có “ đủ sức khỏe” lái xe.

Còn với các trung tâm, trong chuyến kiểm tra đột xuất gần đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam đã phát hiện nhiều sai phạm trong thi cử như: Thi sát hạch lái xe học viên vẫn mang điện thoại di động lên xe để phòng trường hợp cán bộ chấm thi và học viên móc nối, hướng dẫn cho nhau thi lý thuyết và cách đi sa hình

Hoặc như mới đây, Tổng Cục đường bộ cũng phát hiện nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) không học để thi lấy bằng lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh, mà phải khăn gói ra tận Hải Phòng để đóng tiền, nộp hồ sơ. Lý do là vì họ đã được “bao đậu” 100%, kể cả những người không biết chữ.

Một khảo sát mới đây của VietnamFinance cho thấy, hàng loạt các trung tâm đào tạo lái xe trên mạng đều quảng cáo chi phí thấp, học là đậu. Thậm chí, nhiều nơi học viên còn “tố”, nếu đóng thêm 3 triệu tiền “chống trượt” thì chắc các học viên sẽ đậu.

Chính sự buông lỏng trong quản lý đào tạo sát hạch lái xe là mầm mống đầu tiên để xảy ra các thảm họa về tai nạn giao thông trên đường.

Chuyện những “xe vua” chạy đêm về Thủ đô

Năm 2016, trong chuyến điều tra cùng một người đồng nghiệp Báo Giao thông khi chúng tôi nhận được phán ảnh việc có mật hiệu “xe vua” chuyên chở quá tải trên tuyến.

Sau nhiều tuần theo dõi, chúng tôi phát hiện đúng là có hàng chục chiếc xe tải gắn mác “Thanh Tùng” chuyên chở gạch, xi măng chạy tuyến Liêm Tuyền (Hà Nam) về Hà Nội. Những chiếc xe này chủ yếu tổng tải trọng khoảng 43 tấn, tuy nhiên, nhìn sức hằn bánh xe và sự di chuyển khoảng 30km/h thì chúng tôi phỏng đoán chắc chắn xe phải quá tải tới hơn 30%.

Điều rất lạ là ngay từ cổng nhà máy gạch đặt tại Liêm Tuyền có 1 trạm cân và lực lượng cảnh sát giao thông kiểm gắt gao nhưng không một xe nào mác Thanh Tùng bị kiểm tra.

Theo dõi suốt dọc tuyến đường từ Hà Nam về Hà Nội cũng vậy, dù qua 2 trạm kiểm soát khác, các tài xế chỉ xuống đúng 30 giây là tiếp tục lên đường.

Các chuyến xe chủ yếu là chạy đêm, khoảng 19h từ Liêm Tuyền, về đến Hà Nội khoảng 22h, lái xe nghỉ ngơi, ăn uống đến khoảng 11h30 mới bắt đầu vào Thủ đô. Giờ này, gần như không có lực lượng chức năng làm việc nên những chiếc xe quá tải này dọc ngang trong thành phố mà không bị kiểm soát.

Thật bất ngờ hơn nữa, sau quá trình dài điều tra, tìm hiểu, logo Thanh Tùng chính là thương hiệu của Tùng “cụt” năm 2013 đâm đổ trạm cân tại Phủ Lý, Hà Nam. Đến bây giờ, đi trên tuyến Hà Nam - Hà Nội chúng tôi vẫn bắt gặp thương hiệu logo này.

Không chỉ riêng Hà Nam, Ninh Bình và các huyện ngoại thành Hà Nội như: Ba Vì, Thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh… hàng ngày xe quá khổ, quá tải vẫn “oanh tạc” trên các ngả đường.

Những chiếc xe vua gắn logo riêng như một "luật ngầm" trên một số cung đường

VietnamFinance ghi nhận tại nhiều tuyến quốc lộ như QL 421B đoạn qua huyện Quốc Oai; QL32 đoạn qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thị xã Sơn Tây, Ba Vì; QL 21B đoạn từ Đại lộ Thăng Long tới Thị xã Sơn Tây, hay trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ… tình trạng xe tải có dấu hiệu cơi nới thành, thùng; chở vượt mức cho phép nhiều lần. Hầu hết, những chiếc xe tải này đều được gắn trên mình những chiếc lô gô như: Cổ phần Ba Vì hay Ba Vì, Cường Thịnh.

Hay như tại Ninh Bình, trên tuyến tỉnh lộ 477 qua địa phận huyện Gia Viễn, từng đoàn xe “hổ vồ” chở quá tải, không phủ bạt, ngang nhiên hoạt động nhưng không thấy lực lượng chức năng tuần tra để xử lý.

Rõ ràng, không chỉ buông lỏng trong quản lý đào tạo, mà ngay trong kiểm tra, kiểm soát vẫn có “luật ngầm” khiến những đoàn xe vua lộng hành theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”. Đã đến lúc, vì ATGT chung, cần loại bỏ những “con sâu” để chấn chỉnh lại tình hình ATGT, TNGT trên cả nước.

Trí Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tung-cut-xe-vua-va-lo-hong-trong-dao-tao-lai-xe-20180504224219260.htm