Từng có một nghề như thế

Những năm sau Hòa bình lập lại ở miền Bắc xuất hiện một nghề mới: Nghề biên soạn thuyết minh phim.

Trước năm 1954 tại miền Bắc các phim ngoại quốc khi chiếu đều có phụ đề hoặc lồng tiếng Việt. Sau tiếp quản thủ đô 99% phim chiếu trong nước là phim Liên Xô, Trung quốc và phim các nước XHCN Đông Âu. Tất cả đều là phim nhựa 35mm đựng trong những chiếc thùng sắt tròn có nắp đậy, kèm theo những cuốn sách mỏng in các lời thoại trong các phim ( phần lớn bằng tiếng Nga, tiếng Trung đôi khi bằng tiếng Pháp).Căn cứ trên bản dịch những lời thoại đó người ta soạn thành các bản thuyết minh để đọc tại các rạp hay bãi chiếu bóng khi chiếu phim. Hình thành một nghề chuyên môn mới : Nghề biên soạn thuyết minh phim và kèm theo đó là nghề đọc Thuyết minh phim . Những người làm các công việc trên được ăn lương trong biên chế nhà nước . Nhiệm vụ của người biên soạn thuyết minh là diễn giải nội dung phim để người xem dễ theo rõi phim. Bởi vậy các bản dịch lời thoại khi qua khâu biên soạn thuyết minh phải cắt bớt để dành chỗ cho những đoạn giải thích nội dung…. đôi khi còn để lẩy Kiều nữa ( như trên phim có cảnh tuyết tan thì lập tức có câu: Đông qua xuân lại... Ngày giờ thấm thoắt thoi đưa... Natasa nay đã là cô sinh viên năm thứ nhất v.v....). Để nghe rõ tiếng thuyết minh khi chiếu người ta phải vặn nhỏ lời thoại cùng âm nhạc và tiếng động ở mức thấp nhất, đôi khi có cảm tưởng như xem phim câm. Nhưng bù lại khán giả vừa được xem phim lại vừa có người kể chuyện phim rót bên tai mình ! Xem phim kiểu đó dần dần hình thành cho người xem một thói quen ( lười biếng). Căn cứ trên những bản biên soạn thuyết minh đó người ta còn viết thành những cuốn sách nhỏ có tên là “Kể chuyện phim” phục vụ chi em buôn bán ở chợ không có thì giờ xem phim. Loại sách bỏ túi này một thời bán rất chạy.Một dạo người ta thử lồng tiếng hoặc làm phụ đề tiếng Việt một vài phim nhưng không được khán giả hưởng ứng,vì mải chăm chú đọc phụ đề lại không theo rõi được hình ảnh. Còn lồng tiếng thì mất thời gian và giá thành đắt( gần như phải hòa âm lại phần âm thanh).Bộ phận diễn viên lồng tiếng giải thể biến thành đoàn kịch điện ảnh sau này.Nhiều bản thuyết minh phim cùng tên tuổi của một vài cán bộ biên soạn thuyết minh được khán giả hâm mộ. Một cô thuyết minh phim ở rạp tháng 8 một thời được độc giả báo Màn ảnh HN bình chọn là người thuyết minh phim ưa thích nhất.

Phim nước ngoài nhập về càng nhiều thì đội ngũ biên soạn thuyết minh ngày càng đông. Có lần trong một Đại hội Nhà văn họ kéo đến đòi được công nhận là nhà văn, đòi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhiều người trong số họ sau này lần lượt được tổ chức cử đi học biên kịch, lý luận phê bình phim ở Liên Xô, trở thành nòng cốt của đội ngũ sáng tác điện ảnh Việt Nam sau này.

Ngày nay nếu phim không có phụ đề hay lồng tiếng thì người thuyết minh chỉ đọc nguyên văn lời thoại dịch ra tiếngViệt mà không kèm theo lời kể chuyện hay giải thích nội dung. Xem phim có phụ đề dần dần rồi cũng thành quen. Người xem lại được thưởng thức âm nhạc và tiếng động trọn vẹn với âm thanh nổi hoặc vòm (sterio, surround). Nghề biên soạn thuyết minh phim mất hẳn, chỉ còn là ký ức của một thời xa xưa.

Đặng Nhật Minh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tung-co-mot-nghe-nhu-the-81167