Từng bước tái đàn lợn

Lợn khan hiếm, giá tăng cao là cơ hội cho những trang trại và hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt phương thức an toàn sinh học…

 Khu chuồng lợn đang được nâng cấp để tái đàn của gia đình ông Toán. Ảnh: Trần Trung.

Khu chuồng lợn đang được nâng cấp để tái đàn của gia đình ông Toán. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Cao Toán, một người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng (Bình Phước) cho biết: Hiện ông đang duy trì đàn lợn ở khu chuồng chưa bị dịch bệnh, khép kín, bảo đảm tốt các yếu tố an toàn, như cách ly với môi trường xung quanh, có hệ thống nước sạch riêng biệt, có hệ thống xử lý chất thải, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học…

“Gia đình tôi giữ được gần chục con lợn nái, giờ lợn sinh sản đến đâu tôi giữ lại để nuôi thương phẩm đến đấy”, ông Toán vui vẻ chia sẻ.

Nói về việc tái đàn ông Toán cho biết, để hạn chế rủi ro từ con giống, gia đình đang liên hệ các trại lợn có uy tín, bảo đảm nguồn gốc như C.P Việt Nam, Dabaco… để nhập về, đồng thời triển khai nâng cấp chuồng trại cũ thành trang trại nuôi lợn theo mô hình chuồng lạnh, khép kín, thay thế chuồng hở để hạn chế dịch bệnh, đề phòng rủi ro khi dịch quay trở lại.

Tương tự, gia đình chị Đỗ Thị Hướng ngụ tại thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập cũng là một trong những hộ nuôi lợn số lượng nhiều trên địa bàn xã. Hiện gia đình chị vẫn giữ được đàn lợn ổn định với 20 con nái và trên 100 con thịt.

Nhiều năm qua, chị Hướng là nhân lực chính chăm sóc đàn lợn nên các quy trình chăm sóc thú y, phòng chống dịch bệnh chị nắm rất rõ.

Chị Hướng cho biết: “Tôi áp dụng quy trình chăm sóc lợn giống của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam nên đàn lợn luôn đảm bảo an toàn. Vấn đề thức ăn, tiêm vắcxin phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt là vệ sinh chuồng trại phải được quan tâm hàng đầu”.

Cũng theo chị Hướng, vì còn nhiều lo lắng về dịch tả lợn châu Phi nên đa số hộ đang nuôi giữ ổn định số lượng, không dám tăng đàn thêm nhiều. Những hộ lợn không bị dịch bệnh nhưng đã bán hết, nay có kế hoạch nuôi lại thì đang tích cực vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, cải tạo môi trường chăn nuôi, tìm hiểu thị trường con giống và tính toán việc tái đàn phù hợp.

Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, tỉnh này hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 256 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 797.000 con.

Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, việc tái đàn sau khi tiêu độc, khử trùng đúng quy trình không quá khó, nhưng với hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì vô cùng khó khăn, vì phần lớn bị kiệt quệ về kinh tế sau “cơn bão dịch bệnh”.

Nhiều trang trại chăn nuôi tranh thủ thời gian dịch để nâng cấp chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học.

Ông Trần Văn Lộc - Giám đốc sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, giải pháp quan trọng nhất là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.

Vì thế, Sở vừa ban hành văn bản số 338/SNN-VP đề nghị UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn việc nuôi tái đàn lợn tại các địa phương với các yêu cầu khá chặt chẽ và có các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Theo đó, đối với địa phương chưa công bố hết dịch bệnh, không thực hiện nuôi tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các cơ sở chăn nuôi tập trung không đáp ứng các yêu về công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ thực hiện tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi tập trung đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAPH, GlobalGAP trong chăn nuôi.

Trần Trung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tung-buoc-tai-dan-lon-d260648.html