Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới

Thực hiện Kế hoạch 892/KH-BTL ngày 26-3-2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, thời gian qua, BĐBP Sơn La đã phối hợp với các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn có nhiều biện pháp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy (TPMT). Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Bàn Văn Chanh, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Sơn La xung quanh vấn đề này.

BĐBP Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) phá thành công Chuyên án 195Lv, bắt giữ 2 đối tượng, thu 36.000 viên ma túy tổng hợp. Ảnh: Trần Đức

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết tình hình hoạt động của TPMT hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, đặc biệt là ở khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng?

Thượng tá Bàn Văn Chanh: Sơn La là tỉnh biên giới miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc; có đường biên giới dài 274,056km với 125 cột mốc quốc giới, tiếp giáp với 6 huyện biên giới thuộc hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Băng, nước bạn Lào. Địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới (KVBG) có 17 xã, 309 bản, thuộc 6 huyện biên giới (Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ), với 8 thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn (Thái, Mường, Mông, Kinh, Khơ Mú, Sinh Mun, Tày, Lào). Tuyến biên giới Tây Bắc được biết đến là tuyến trọng điểm, phức tạp nhất về hoạt động của TPMT, chiếm 40% tổng số đối tượng TPMT của cả nước.

Đây còn là địa bàn trung chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào về Việt Nam rồi vận chuyển sang nước thứ ba để tiêu thụ. Trong đó, tỉnh Sơn La là một trong những “điểm nóng” của TPMT trong cả nước nói chung và tuyến Tây Bắc nói riêng. Nóng bỏng nhất hiện nay là tình hình hoạt động của các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang trên tuyến Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nguồn ma túy được các đối tượng tổ chức vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng qua các tỉnh Trung và Bắc Lào đến tỉnh Luông Phra Băng, tỉnh Hủa Phăn rồi được tập kết tại các bản giáp biên giới, sau đó cho các toán nhóm (từ 7 đến 10 đối tượng người Lào) được trang bị vũ khí nóng... để vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Quá trình vận chuyển, chúng triệt để lợi dụng địa hình hiểm trở của dãy Pha Luông, đi theo các đường mòn hoặc luồn lách trong rừng sâu, sau đó rẽ ra các hướng, không theo quy luật thời gian cụ thể nào, hầu hết các đối tượng đều mang theo vũ khí quân dụng. Khi di chuyển, chúng luôn quan sát ở trạng thái tập trung cao, tư thế sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt.

P.V: Với đặc điểm tình hình như vậy, BĐBP tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để đấu tranh có hiệu quả với TPMT? Kết quả bước đầu ra sao, thưa đồng chí?

Thượng tá Bàn Văn Chanh: Với đặc điểm tình hình như vậy, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án lớn để giải quyết tình hình phức tạp về TPMT. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai Kế hoạch 892 về “Đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”.

Từ đó, BĐBP Sơn La đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, sát với thực tế ở địa bàn; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên các chủ trương, giải pháp nhằm kiểm soát tình hình ma túy và đấu tranh với TPMT ở KVBG. Trong đó, đã làm tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản gắn chặt với các hoạt động điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. BĐBP Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới Lào đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án, vụ án ma túy, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang và hoạt động của các loại tội phạm khác. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng chống ma túy như: Không bao che, tiếp tay cho TPMT, không trồng và tái trồng cây có chứa chất gây nghiện, tích cực tố giác TPMT và phát giác người nghi tái nghiện và nghiện mới; quản lý tốt người sau cai nghiện, không để phát sinh người nghiện mới; phát hiện, thu gom người nghiện trên địa bàn đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc; phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại của ma túy...

Kết quả, từ đầu năm 2018 đến nay, BĐBP Sơn La đã phối hợp với các lực lượng bắt giữ 124 vụ ma túy với 159 đối tượng. Trong đó, BĐBP Sơn La trực tiếp phát hiện, bắt giữ 67 vụ/85 đối tượng, thu giữ 3 bánh heroin và 348,50g heroin; 16,54g và 70.897 viên ma túy tổng hợp; 1,177kg ma túy đá, 5.963,3g nhựa thuốc phiện cùng nhiều tang vật có liên quan.

Có thể khẳng định, qua công tác đấu tranh với hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang, đến nay TPMT giảm nhiều so với thời gian trước. Đặc biệt, sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai Kế hoạch 892 về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, sau khi lực lượng Công an phá thành công 2 Chuyên án 18TN, 19TN tổ chức truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt và cộm cán về TPMT tại bản Lúng Xá, Tà Dê, xã Lóng Luông, các đối tượng người Lào ở bên kia biên giới đã tạm dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình và sử dụng lực lượng “tai mắt” của chúng để tìm hiểu lực lượng của ta đang triển khai trên địa bàn.

P.V: Trước tình hình diễn biến phức tạp của TPMT, thời gian tới, BĐBP tỉnh Sơn La có những chủ trương, biện pháp gì để đấu tranh ngăn chặn TPMT ở KVBG nói chung và KVBG huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng?

Thượng tá Bàn Văn Chanh: BĐBP Sơn La tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP; các nội dung trong Kế hoạch 892 về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, trong đó tập trung vào các biện pháp sau:

Một là, chủ động trao đổi, phối hợp với Công an hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Băng (Lào) xác lập chuyên án đấu tranh nhằm ngăn chặn từ xa. Phối hợp với Công an Sơn La tiếp tục thực hiện Phương án 279, Kế hoạch SH09, Kế hoạch 1693; đấu tranh với các toán đối tượng có vũ trang mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực biên giới tỉnh Hủa Phăn, Lào vào Việt Nam qua địa bàn huyện Vân Hồ, Mộc Châu.

Hai là, BĐBP tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới của tỉnh để từng bước loại trừ nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn và Đảng ủy, UBND các xã biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay, không bao che cho các đối tượng vận chuyển ma túy qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Ba là, các đơn vị BĐBP trong tỉnh tăng cường tuần tra biên giới, kiểm soát chặt chẽ địa bàn; tổ chức phát quang đường tuần tra biên giới. Đồng thời phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của bạn Lào, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm ma túy ở ngoại biên để chủ động triển khai các biện pháp, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, có hiệu quả.

Bốn là, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống TPMT.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Đức (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tung-buoc-ngan-chan-day-lui-hoat-dong-van-chuyen-ma-tuy-co-vu-trang-qua-bien-gioi/