Từng bước mở lại các đường bay quốc tế

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, việc đóng/mở đường bay quốc tế không còn đơn giản là điều hành linh hoạt lịch khai thác của hãng hàng không để tối ưu hóa doanh thu. Thay vào đó, nghiệp vụ này mang sắc thái của hoạt động đóng/mở cửa nền kinh tế.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, việc đóng/mở đường bay quốc tế không còn đơn giản là điều hành linh hoạt lịch khai thác của hãng hàng không để tối ưu hóa doanh thu. Thay vào đó, nghiệp vụ này mang sắc thái của hoạt động đóng/mở cửa nền kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đang xem xét cho phép nối lại sáu đường bay quốc tế chở khách từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Tô-ki-ô (Nhật Bản), Xơ-un (Hàn Quốc), Ðài Bắc (Ðài Loan, Trung Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Lào, Cam-pu-chia. Tần suất bay một chuyến/tuần với yêu cầu hành khách phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch y tế bắt buộc và thực hiện cách ly tập trung đủ 14 ngày. Với chủ trương nối lại đường hàng không thận trọng như vậy, các sân bay quốc tế chưa thể lập tức trở nên nhộn nhịp. Và đương nhiên, những "mắt xích" ở phía sau như các doanh nghiệp (DN) lữ hành chưa thể có đủ dung lượng khách để gọi hết nhân viên tạm nghỉ trở lại làm việc; nhà hàng, khách sạn cũng chưa cải thiện ngay được doanh thu. Nhưng chắc chắn, việc khôi phục lại các đường bay quốc tế vào thời điểm này rất cần thiết cho nhu cầu nhập cảnh của hàng nghìn chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để duy trì và mở rộng sản xuất tại các dự án có liên quan đến vốn và trang thiết bị nước ngoài. Ðồng thời có tác dụng nối lại hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư của các DN nước ngoài tại Việt Nam vốn bị gián đoạn do cầu hàng không đứt gãy.

Vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế với một số quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và là đối tác quan trọng của Việt Nam đã được đề xuất, thảo luận trên nghị trường Quốc hội từ cuối tháng 6 vừa qua nhưng chưa chốt được phương án thì lại xảy ra làn sóng Covid-19 lần thứ hai tại Ðà Nẵng. Hiện một số nền kinh tế EU và khu vực châu Á đã mở cửa trở lại trong mối quan hệ song phương, trên cơ sở cân nhắc khả năng kiểm soát dịch bệnh và tác hại lâu dài của đóng cửa biên giới để chống dịch. Là quốc gia định hướng xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam không thể không tính đến khả năng từng bước mở cửa nền kinh tế vào thời điểm này, nhất là khi chúng ta trở thành hình mẫu về khống chế dịch Covid-19. Mở cửa trở lại nền kinh tế, trước tiên là mở lại các đường bay quốc tế, khôi phục lại xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư triển khai hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiếp theo sẽ là hoạt động thăm thân, du lịch... và cũng mang ý nghĩa là một sự bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi hơn về thủ tục tại các thị trường nhập khẩu.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng không đóng hoàn toàn mà vẫn duy trì qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, cách thức đó không đủ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh chưa thể xác định được khi nào dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi thì thiết lập một trạng thái bình thường mới trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, bao gồm thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, sẽ là cứu cánh cho bất cứ quốc gia nào. Chính phủ đang tính toán chặt chẽ, thận trọng để việc mở cửa này không có rủi ro cho công tác phòng, chống dịch trong nước.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/tung-buoc-mo-lai-cac-duong-bay-quoc-te-615790/