'Từng bước chân nở hoa' - Lời giải cho cuộc sống

Ko Un nối tiếp truyền thống của dòng văn học lấy cảm hứng từ truyền thuyết Phật giáo để xây dựng nên những công trình văn chương mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm hay thường gọi là Kinh Hoa Nghiêm là một trong những kinh điển của Phật giáo Đại thừa gồm 81 quyển, thâm sâu khôn tả mà chỉ bậc chân tu mới có thể lĩnh hội. Thế mà ở thế kỷ XX, một nhà thơ người Hàn Quốc tham vọng viết lại câu chuyện của Kinh Hoa Nghiêm thành tiểu thuyết. Nhà thơ ấy là Ko Un và tác phẩm đang nhắc ở đây là "Từng bước chân nở hoa" (Trịnh Huy Ninh dịch, Phanbook và NXB Dân Trí ấn hành 2020).

Nguồn cảm hứng tôn giáo

"Từng bước chân nở hoa" vốn có tên gốc trong tiếng Hàn là "Hwaom-gyeong", tức "Kinh Hoa Nghiêm", trùng tên với bộ kinh vĩ đại của nhà Phật. Dù vậy, tiểu thuyết của Ko Un chủ yếu khai thác phần thứ 39 của bộ kinh, phần "Nhập pháp giới" (Gandavyuha) kể về hành trình của Sudhana (Thiện Tài Đồng Tử) đi tìm giác ngộ thông qua những cuộc hạnh ngộ với 53 người thầy.

Vì thế, không thể coi "Từng bước chân nở hoa" là tác phẩm "chú giải" Hoa Nghiêm. Càng không nên xem nó là tác phẩm "giải thiêng" Hoa Nghiêm. Ko Un nối tiếp truyền thống của dòng văn học lấy cảm hứng từ truyền thuyết Phật giáo để xây dựng nên những công trình văn chương mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả mà ở đó, cái tôi trữ tình đi tìm ở tôn giáo một lời giải cho chính cuộc sống.

Cuốn “Từng bước chân nở hoa” xuất bản tại Việt Nam

Cuốn “Từng bước chân nở hoa” xuất bản tại Việt Nam

Chương đầu tiên của "Từng bước chân nở hoa" khởi đi bằng câu: "Dòng sông bắt đầu lờ mờ hiện ra sau hàng râm bụt liêu xiêu như chếnh choáng hơi men". Ko Un mượn hình tượng dòng sông để nhắc đến sự trường cửu, xuyên suốt nối kết thời gian với thời gian, gắn liền Ấn Độ của mấy ngàn năm trước với thế giới hiện tại. Nó gợi nhắc ta đến dòng sông Ni-liên-thiền (tức sông Nairanjana, hiện nay là sông Phalgu) nơi Đức Phật thả chiếc bát bằng vàng trên dòng nước và nguyện rằng: "Nếu hôm nay ta được chứng quả thành Phật thì nguyện cho cái bát này nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông".

Cùng chí nguyện với Đức Phật, Sudhana làm cuộc hành hương mang theo trong lòng câu hỏi "Như thế nào?" để đi tìm giác ngộ. Cuộc hành trình ấy vô thủy vô chung, như một tràng hoa đâu cũng là điểm bắt đầu, đồng thời là kết thúc. Như chính Ko Un đã viết trong chương "Thần khổng lồ Vân Võng": "Đi đâu đó có nghĩa là mãi mãi thôi không đi đâu cả. Kiểu đứng im như vầy là chuyển động vĩnh cửu của mọi hành trình". Trong hành trình này, không thiếu những lần Sudhana trải qua hết vòng đời sinh - lão - bệnh - tử nhưng rồi sực tỉnh mới biết tất cả chỉ là giấc mộng, rằng hành trình vẫn còn ở phía trước và cậu phải tiếp tục. 53 người thầy chỉ là một con số trong hằng hà sa số những gì mà thế gian này có thể dạy cho cậu.

Kiệt tác một đời người

Ko Un viết vẽ một thế giới mà ông không thấy, chính vì thế ông cũng đang thực hiện một "hành trình bất động", để trí tưởng tượng làm cuộc hành hương xuyên Ấn Độ của mấy ngàn năm trước, thời mà thần tiên lẫn với người, thời của Đức Phật Thích Ca, của các vị Bồ tát, của kẻ ăn mày, kỹ nữ, người mắc bệnh phong… Thời mà người ta vẫn còn tin tưởng vào phép mầu và kiến tạo cái thế giới mà ngày nay chúng ta gọi là "huyền thoại".

Như Hermann Hesse với tiểu thuyết "Siddhartha", Ko Un lần theo từng bước chân của người hành hương bé nhỏ, nơi mọi sự được cố giải quyết trong một chương để rồi liên kết với nhau trong ý nghĩa chung quyết. Chính hành trình viết nên tác phẩm này cũng là một cuộc hành hương của thi sĩ. Được viết trong 20 năm, "Từng bước chân nở hoa" cũng là từng bước chân Ko Un đi trên cõi đời này.

Có thể thấy bước chuyển biến về bút pháp của Ko Un qua thời gian và cũng phản ánh thế giới quan của ông qua năm tháng. Từ chỗ chập chững dò dẫm trên đường đời, càng về sau, độc giả nhận ra nhiều thuật ngữ, khái niệm Phật giáo được tác giả nhắc đến như một minh chứng từ Ko Un trần thế đến Ko Un tâm linh, từ thi sĩ trẻ tuổi đến bậc trưởng lão.

Như con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong "Tây Du Ký", độc giả không còn quan tâm đến việc rốt cục thầy trò của họ có thỉnh kinh được không, hay Sudhana có gặp được Đức Thích Ca. Cái quan trọng chính là việc say mê dõi theo quá trình đó, từng chặng một, để thấy bước chân một người hành hương bé nhỏ có thể đánh thức trong ta cái khát khao tìm kiếm lẽ sống đời mình. "Từng bước chân nở hoa" vừa tâm linh vừa thế tục cũng vì lẽ đó.

Tiếng nói phản kháng bất công

Kon Un (âm Hán Việt là Không Ẩn) là bút danh và cũng là pháp danh của nhà thơ được người dân Hàn Quốc xưng tụng là thi sĩ Hàn vĩ đại nhất đang tại thế.

Sinh năm 1933, trải qua thời chiến tranh loạn lạc, "nồi da xáo thịt", Ko Un mang trong mình căn bệnh trầm uất. Ông xuất gia để tìm chỗ dựa tinh thần nơi tôn giáo và bắt đầu làm thơ. Nhưng rồi trước tình hình chính trị rối ren của Hàn Quốc, ông hoàn tục và dùng thơ ca như tiếng nói phản kháng bất công ở xứ Kim Chi. Cũng vì thế ông từng phải vào tù ra khám, chịu đủ thứ tra tấn nhưng vẫn giữ được sự kiên định.

Thi phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ đồ sộ "Vạn đời người". Trong nhiều năm liền ông được giới văn chương Hàn Quốc nhận xét là đại diện ưu tú nhất cho giải Nobel Văn chương.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tung-buoc-chan-no-hoa-loi-giai-cho-cuoc-song-20200313212339378.htm