Từng bước chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật

Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhiều chủ gấu trên cả nước 'giải phóng' các cá thể gấu khỏi các chuồng cũi chật hẹp để chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tại thời điểm năm 2005, Việt Nam có hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở. Gần như tất cả số gấu này đều có nguồn gốc bất hợp pháp; bị săn bắt, buôn bán từ khi còn là gấu con.

Hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã cung cấp các thiết bị và tập huấn nghiệp vụ để gắn chíp các cá thể gấu tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật. Đến năm 2006, khoảng 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt.

Ngày càng có nhiều cá thể gấu được “giải phóng” khỏi các chuồng cũi chật hẹp để chuyển tới các trung tâm cứu hộ (Ảnh: ENV)

Ngày càng có nhiều cá thể gấu được “giải phóng” khỏi các chuồng cũi chật hẹp để chuyển tới các trung tâm cứu hộ (Ảnh: ENV)

Song song với hoạt động này, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thành cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động nuôi nhốt gấu. Những cá thể gấu không có chíp/chưa được đăng ký được tịch thu và chuyển tới các trung tâm cứu hộ của Nhà nước hoặc tới một trong số các trung tâm bảo tồn gấu được điều hành bởi các tổ chức quốc tế như Four Paws, Free the Bears và Animals Asia Foundation. Ở đó, các cá thể gấu được sống cùng đồng loại trong một môi trường bán hoang dã với khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và sự chăm sóc của các chuyên gia thú y.

Theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 06/2019/NĐ-CP, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu, dẫn xuất gấu (như mật) sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt lên tới 15 năm tù giam. Hành vi quảng cáo bán gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu cũng là hành vi bất hợp pháp.

Bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, trong những năm gần đây, nhiều chủ gấu đã quyết định chuyển giao các cá thể gấu của mình tới trung tâm cứu hộ. Tính tới tháng 11/2020, trên cả nước chỉ còn khoảng 400 cá thể gấu tại các trang trại với hơn 60% tỉnh thành ở Việt Nam không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

“Đã đến lúc những chủ gấu còn lại ở Việt Nam nên theo xu thế chung của các chủ gấu tiến bộ trên cả nước; loại bỏ hoàn toàn tàn dư quá khứ - hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn - trong xã hội Việt Nam văn minh hiện đại” – bà Quyên nhấn mạnh.

Bà Maya Pastakia, Quản lý các chiến dịch toàn cầu của tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật. Số lượng gấu trong các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm tới 90% kể từ năm 2005. Chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực khắc phục những lỗ hổng pháp lý để Việt Nam sớm chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp này”.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tung-buoc-cham-dut-hoat-dong-nuoi-nhot-gau-lay-mat-115580.html