Tưng bừng khai mạc Lễ hội truyền thống Chùa Láng Xuân Kỷ Hợi 2019

Sáng nay, ngày 11/4 (tức mùng 7 tháng 3 năm Kỷ Hợi), Lễ hội truyền thống Chùa Láng 2019 đã được long trọng khai mạc. Đại diện lãnh đạo quận Đống Đa, phường Láng Thượng, các cụ lão niên, nhân dân phường cùng du khách đã làm lễ dâng hương để tưởng nhớ công ơn của vị vua Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Đến dự khai mạc Lễ hội có các Lãnh đạo quận Đống Đa, phường Láng Thượng, nhân dân hai phường Láng Hạ, Láng Thượng và đông đảo du khách.

Đến dự khai mạc Lễ hội có các Lãnh đạo quận Đống Đa, phường Láng Thượng, nhân dân hai phường Láng Hạ, Láng Thượng và đông đảo du khách.

Hàng năm, mỗi dịp xuân về, vào tết tháng 3 âm lịch, hai phường Láng Thượng, Láng Hạ và du khách thập phương lại hân hoan đón chào một mùa lễ hội mới: Lễ hội truyền thống Chùa Láng. Lễ hội mang nhiều niềm vui, cảm xúc về sự gắn bó, tình thân, về tinh thần đoàn kết, sự hợp tác của lãnh đạo và toàn thể nhân dân trong làng. Đây thực sự là một nét đẹp văn hóa đặc trưng đang được lưu truyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, bà Phạm Thị Hồng Hải, Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đã ôn lại truyền thống lịch sử của Lễ hội Chùa Láng. Theo đó, Di tích lịch sử Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1136-1175) và từng được coi là “Đệ nhất tùng lâm” trên vùng đất phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND phường Láng Thượng Phạm Thị Hồng Hải đọc diễn văn khai mạc Lễ hội.

Đây từng là nơi sinh của Thiền sư Đại Thánh nên gọi là “Thiền”. Chùa còn có đặc trưng khác biệt là “Tiền Thánh, Hậu Phật” và do quy mô to lớn, vị thế của Chùa mà nhân dân gọi là Chùa Cả. Nơi đây thờ Đệ Tam Thánh Tổ Lý triều Quốc sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân Hóa thác của Người là Đức vua Lý Thần Tông.

Lễ hội Chùa Láng được tổ chức thường niên không chỉ của bà con nhân dân làng Láng mà đã trở thành một hội lớn hấp dẫn của phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa và nay, gắn chặt với một di tích lịch sử đã được xây dựng từ đời nhà lý. Qua thời gian, Lễ hội vẫn được duy trì và gìn giữ những nét đẹp về truyền thống văn hóa, sự mến khách của nhân dân hai phường.

Lễ hội truyền thống Chùa Láng được tổ chức chính là để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống quê hương làng Láng, đồng thời là để tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng, các vị tiền bối đã có nhiều công lao với làng láng, với dân tộc.

Vào ngày mùng 7 tháng 3 năm Kỷ Hợi, chính quyền và toàn thể nhân dân phường Láng Thượng, Láng hạ đã đón chào Lễ hội trong không khí tưng bừng phấn khởi chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc: Hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 129 năm ngày sinh của CHủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lễ hội Chùa Láng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần tế do các cụ hai giới chủ trì, sau đó là lễ dâng hương của các cụ có thâm niên trong làng. Phần hội ngoài biểu diễn văn nghệ còn có rất nhiều trò chơi dân gian giải trí lành mạnh mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa Việt.

Lễ hội sẽ diễn ra đến hết ngày 12/4 (tức mùng 8 tháng 3 năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống và trò chơi dân gian.

Một số hình ảnh tại Lễ hội:

Đánh trống khai mạc lễ hội

Đông đảo các cụ cao niên đến dự Lễ hội

Các cụ cao niên làng Láng dâng hương tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc.

Lãnh đạo quận Đống Đa và phường Láng Thượng dâng hương làm lễ

Trong khuôn viên sân chùa, nhân dân được thưởng thức các tiết mục văn hóa dân gian truyền thống.

Nhiều người chụp ảnh trong sân chùa làm kỷ niệm khi tham gia lễ hội

Bài và ảnh: Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tung-bung-khai-mac-le-hoi-truyen-thong-chua-lang-xuan-ky-hoi-2019-89788.html