Tưng bừng khai hội truyền thống Bạch Đằng

Sáng 11/4, tại Trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, thuộc phường Yên Giang (TX Quảng Yên) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2019, kỷ niệm 1081 năm, 1038 năm và 731 năm chiến thắng Bạch Đằng. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến dự và đánh trống khai hội. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh trống khai hội.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu và du khách đã cùng ôn lại những chiến công oanh liệt của các bậc tiền nhân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm trên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử. Nơi đây, dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược: Năm 938, Ngô Quyền đã chỉ huy quân và dân ta đánh tan quân Nam Hán kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, khẳng định độc lâp chủ quyền của đất nước. Năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống bảo vệ vững chắc bờ cõi. Và mùa xuân Mậu Tý năm 1288, quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh gồm 6.000 chiếc và 40.000 quân của quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy.

Đặc biệt, trước khi đánh Đại Việt, nhà nước du mục Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn đứng đầu đã lao vào cuộc chiến chinh phục thôn tính được nhiều nước lập ra một đế chế hùng mạnh kéo dài từ bờ biển Thái Bình Dương đến Biển Đen. Tuy nhiên, cả 3 lần xâm lược Đại Việt, quân Nguyên Mông đều vấp phải thất bại. Sau thất bại lần thứ 3 vào năm 1288, vua Nguyên Mông là Hốt Tất Liệt cay cú muốn tổ chức một cuộc viễn chinh quy mô lớn đánh Đại Việt. Nhưng kế hoạch đó đã không thành, sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ nối ngôi đã phải ra lệnh bãi binh. Vì vậy, thắng lợi của quân dân Đại Việt mà cụ thể là chiến thắng Bạch Đằng đã góp phần chặn đứng âm mưu bành trướng về phía Nam của đế chế Nguyên Mông. Chiến thắng Bạch Đằng không chỉ có ý nghĩa với nhà nước Đại Việt mà còn có ý nghĩa đối với lịch sử thế giới.

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên luôn quan tâm đặc biệt đối với khu di tích. Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419-QĐ/TTg xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 322-QĐ/TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng. Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tầm vóc, giá trị của di tích.

Hiện nay, thị xã Quảng Yên đang tích cực triển khai công tác đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Quy hoạch tổng thể và dự án được chia thành 3 giai đoạn, thực hiện đến hết năm 2025, giai đoạn 1 thực hiện ở khu trung tâm di tích, với tổng kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa, gồm các hạng mục: Nhà đón tiếp, nhà điều hành, công viên, vườn hoa, khu chợ truyền thống, đường giao thông nội bộ trong khu di tích, quảng trường tổ chức lễ hội, nhà trưng bày thực cảnh Chiến thắng Bạch Đằng và khu phát huy giá trị.

Thị xã Quảng Yên đang tích cực kêu gọi xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai đối với 2 hạng mục: Dự án bảo tồn Bãi cọc Bạch Đằng và tượng đài đức thánh Trần Hưng Đạo. Các hạng mục nêu trên dự kiến hoàn thành, đón khách du lịch vào năm 2020, hứa hẹn trong thời gian tới, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Trong không gian khu di tích, lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức thường niên do nhân dân địa phương tổ chức, có sự tham gia của các đoàn rước, đoàn tế lễ đến từ các xã, phường của TX Quảng Yên. Theo thống kê của Ban Tổ chức, lễ hội năm nay có quy mô lớn với hơn 40 đoàn rước kéo dài gần 3km với gần 10.000 lượt du khách về tham dự. Lễ hội là dịp để người dân tri ân công đức các bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng là một trong những sự kiện quan trọng của TX Quảng Yên chào Năm Du lịch quốc gia 2019.

Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày từ 11 đến 13/4 (tức 7, 8, 9 tháng 3 năm Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động phong phú tập trung chính ở khu vực trung tâm lễ hội: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang (phường Yên Giang) và các điểm di tích thuộc cụm di tích lịch sử Bạch Đằng. Cụ thể, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhân dân, du khách thập phương được tham gia các hoạt động như: Khai mạc lễ hội, tế yết ở đình Yên Giang, rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang, rước tượng Đức Thánh Trần từ đình Yên Giang về đền Trần Hưng Đạo, nghi lễ dâng hương, lễ tế “Giã hội” tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà. Bên cạnh phần lễ, phần hội gồm nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian truyền thống.

Màn trống khai hội.

Tiết mục văn nghệ chào mừng.

Đoàn rước xuất phát từ đền Trần Hưng Đạo.

Đội lân sư làm không khí lễ hội thêm sôi động.

Đội múa sênh tiền.

Đoàn rước tái hiện cảnh quan quân xuất binh.

Phụ nữ phường Yên Giang đội lễ tham gia đoàn rước.

Rước kiệu rồng.

Người dân 2 bên đường soạn lễ cung nghinh Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Đoàn rước tiến về trung tâm TX Quảng Yên.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/tung-bung-khai-hoi-truyen-thong-bach-dang-2437092/