'Tung bộ binh vào Dải Gaza sẽ khiến Israel phải hối tiếc'

Giới chuyên gia quân sự Nga cho rằng sẽ không sáng suốt nếu Israel quyết định dùng bộ binh mở cuộc tấn công vào Dải Gaza.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) mới đây đã tiến hành một chiến dịch chống lại nhóm vũ trang Hamas của Palestine ở Dải Gaza. Các cuộc không kích vào một mạng lưới đường hầm được sử dụng bởi các chiến binh đã khiến 160 tay súng thiệt mạng.

Đồng thời, IDF đang xem xét khả năng tiến hành hoạt động trên bộ. Ngày càng có nhiều đơn vị của Quân đội Israel được kéo đến biên giới của vùng đất dữ. Nhưng một cuộc tấn công bằng bộ binh có thể mang lại lợi ích gì cho nhà nước Do Thái?

Theo chuyên gia Sergey Marzhetsky, khi đọc bình luận của những người Israel nói tiếng Nga, có thể thấy họ thật lòng lấy làm tiếc khi IDF, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế đã rút quân khỏi Dải Gaza. Họ nói rằng khủng bố Ả Rập giờ đã sinh sôi nảy nở, vượt qua “lằn ranh đỏ”, gây ra sự tức giận thực sự trong cộng đồng cư dân địa phương.

Không nghi ngờ gì nữa, cuộc xung đột Palestine - Israel là một chủ đề cực kỳ phức tạp và đa diện, có nguồn gốc rất lâu đời. Đây là một phần của cuộc xung đột Ả Rập - Israel thậm chí còn phức tạp và gây tranh cãi hơn, nơi mỗi bên tự cho mình là có quyền vô điều kiện.

Nói một cách khái quát nhất, vấn đề là Nhà nước Israel của người Do Thái được thành lập trên lãnh thổ của Ủy ban Palestine thuộc Anh vào năm 1948, và Nhà nước Palestine dành cho người Ả Rập chỉ xuất hiện trên giấy tờ chứ không phải trên thực tế, nó không có chủ quyền thực sự và cơ bản thuộc quyền chiếm đóng của Israel.

Có hai vùng ngoại lệ của người Palestine bị chia cắt bởi lãnh thổ của nhà nước Do Thái, Dải Gaza và Bờ Tây. Vùng đầu tiên được kiểm soát bởi các chiến binh của phong trào Hamas (bị xem là tổ chức khủng bố ở một số quốc gia), thứ hai là Fatah. Chính từ Dải Gaza, cuộc pháo kích định kỳ nhằm vào Israel được thực hiện.

Lý do cho các vụ tấn công bằng tên lửa là do hành động bạo lực của cảnh sát Israel (bắn vào đám đông bằng đạn cao su và sử dụng lựu đạn gây choáng) gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nằm trên Núi Đền, một địa điểm linh thiêng đối với người Hồi giáo, cũng như nỗ lực đuổi 6 gia đình người Palestine ra khỏi nhà của họ ở phía Đông Jerusalem.

Nhìn lại lịch sử, Bờ Tây và Đông Jerusalem bị Israel chiếm sau Chiến tranh Sáu ngày. Lưu ý rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc đã từ chối công nhận tính hợp pháp của việc sáp nhập này.

Sau đó, Tel Aviv bắt đầu chính sách ép dân Ả Rập ra khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng: các khu định cư Do Thái, căn cứ quân sự bắt đầu được xây dựng ở Đông Jerusalem, thành phố được bao quanh bởi "vành đai an ninh", chia thành hai phần Tây và Đông.

Năm 2009, "Báo cáo của những người đứng đầu Phái bộ EU về Đông Jerusalem" đã được phát hành, trong đó tóm tắt như sau:

“Thực tế” của Israel - bao gồm các khu định cư mới, việc dựng hàng rào, chính sách phân biệt đối xử về nhà ở, phá dỡ nhà ở, cho phép hạn chế và việc tiếp tục đóng cửa các cơ sở của người Palestine - củng cố sự hiện diện của người Israel gốc Do Thái ở Đông Jerusalem, làm suy yếu cộng đồng người Palestine trong thành phố, làm phức tạp sự phát triển đô thị của người Palestine, và chia cắt Đông Jerusalem với phần còn lại của Bờ Tây.

Trên thực tế, các gia đình Palestine nói trên đã bị đuổi khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem như một phần của chính sách này. Israel có ý định giải phóng "không gian sống" cho những người mới định cư theo luật của Israel năm 1970 về các vấn đề pháp lý và hành chính.

Điều này cho phép người Do Thái có quyền đòi đất đai và bất động sản mà họ sở hữu trước khi Nhà nước Israel xuất hiện. Và bây giờ, sau khi xử lý mặt pháp lý của vấn đề, chúng ta hãy chuyển sang thành phần quân sự.

Bộ binh Israel đã sẵn sàng tiến vào Dải Gaza

Bộ binh Israel đã sẵn sàng tiến vào Dải Gaza

Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế, và Hoa Kỳ thậm chí đã cử đặc phái viên của họ đến Jerusalem để làm trung gian trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Tel Aviv vẫn mang tâm trạng muốn "lập lại trật tự" ở Dải Gaza. IDF tuyên bố các lực lượng mặt đất đã sẵn sàng tiến lên phía trước. Mục tiêu của một hoạt động quân sự như vậy có thể là gì?

Một mặt, người Palestine có thể bị trừng phạt trong khuôn khổ hoạt động hạn chế: thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa và bom uy lực nhằm phá hủy các đường hầm dưới lòng đất và các đối tượng khác của cơ sở hạ tầng quân sự Ả Rập, để nhanh chóng dẫn quân và chiếm các điểm trọng yếu.

Mặt khác, khá nhiều thứ đã thay đổi vào năm 2021. Các chiến binh Hamas có tên lửa tầm bắn 100 - 120 km.

Giờ đây các nhóm vũ trang Ả Rập có hệ thống vũ khí chống tăng và súng phóng lựu cực mạnh, họ chắc chắn sẽ khai hỏa nhằm vào mọi lực lượng tìm cách tiếp cận vị trí của mình.

Điều này có nghĩa là binh sĩ Israel sẽ không thể đi bộ và chớp nhoáng, và chiến dịch trừng phạt trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ dẫn đến tổn thất đáng kể về thiết bị và nhân lực.

Xe tăng Merkava sẽ bốc cháy, biệt kích Israel sẽ thương vong và không một máy bay không người lái tấn công nào được ca tụng sẽ có thể dọn dẹp chiến trường.

Trong trường hợp này, tất cả những gì còn lại đối với Tel Aviv là tiến hành một hành động mang tính biểu tượng dưới máy quay và nhanh chóng rút lui để tránh tổn thất về danh tiếng, chuyên gia Marzhetsky kết luận.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tung-bo-binh-vao-dai-gaza-se-khien-israel-phai-hoi-tiec-3432481/