Từng bị xua đuổi, người buôn hàng xách tay giờ được đón như khách VIP

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, daigou, người buôn hàng xách tay đến từ Trung Quốc, được chào đón tại các cửa hàng lớn vì mang lại nguồn thu lớn cho họ.

Những người mua hàng thay thế hay chuyên buôn bán hàng xách tay tại Trung Quốc, daigou, đã không còn xa lạ với các cửa hàng sang trọng ở London như Harrods, Harvey Nichols và Selfridges, theo South China Morning Post.

Một tay mở chiếc điện thoại để livestream, tay kia cầm các mặt hàng xa xỉ như túi xách, đồng hồ, trang sức, quần áo, mỹ phẩm, những daigou ở London không ngừng phân tích, mô tả để thu hút khách hàng tại Trung Quốc.

Hầu hết thương hiệu cao cấp không cho phép chụp ảnh sản phẩm của họ. Vì vậy, các daigou phải dành hàng giờ đi lại trong các cửa hàng để mô tả chi tiết về giá cả, màu sắc và sản phẩm qua WeChat để khách chốt đơn.

 Daigou giới thiệu các sản phẩm tại cửa hàng AuMake ở Sydney với khách hàng của họ thông qua livestream. Ảnh: AAP.

Daigou giới thiệu các sản phẩm tại cửa hàng AuMake ở Sydney với khách hàng của họ thông qua livestream. Ảnh: AAP.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dù mang lại khá nhiều lợi nhuận, những người mua sắm kiểu này thường không được các cửa hàng thiết kế ở London hoan nghênh.

Tuy nhiên, khó khăn đi lại trong mùa dịch khiến những khách hàng VIP của các thương hiệu xa xỉ châu Âu - chủ yếu đến từ Trung Quốc - không thể đến mua trực tiếp. Doanh thu giảm mạnh buộc các cửa hàng phải vun đắp quan hệ với daigou.

Daigou chuyển nghề

Nghề buôn hàng xách tay nổi lên khi người tiêu dùng Trung Quốc tìm kiếm các sản phẩm nước ngoài - từ túi xách sang trọng cho đến sữa bột trẻ em cao cấp. Những loại hàng hóa này rất khó kiếm hoặc được bán với giá cắt cổ ở thị trường nội địa.

Daigou mua hàng hóa ở nước ngoài và sau đó vận chuyển về nước cho khách hàng. Những người này sử dụng nhiều thủ đoạn, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để trốn thuế, nên sản phẩm bán ra có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu chính hãng.

Daigou được xếp vào thị trường xám (các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức), hiện được ước tính có giá trị hàng tỷ USD. Theo công ty tư vấn Bain & Company, năm 2014, 4/10 lần mua hàng xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc là do daigou thực hiện.

Tuy nhiên, nghề buôn hàng xách tay có dấu hiệu chững lại khi các quốc gia thực hiện lệnh cấm du lịch, thời gian cách ly bắt buộc, đóng cửa các trung tâm mua sắm, hủy chuyến bay và tạm ngừng giao hàng quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trước đại dịch, những người mua sắm chuyên nghiệp của Trung Quốc và các cửa hàng đồ hiệu ở London có mối quan hệ đôi bên cùng có lợi nhưng thường gặp nhiều trắc trở. Ảnh: Reuters.

Một daigou chuyên nghiệp ở London, người muốn giấu tên, cho biết đại dịch đã làm giảm thu nhập và buộc cô phải làm công việc khác không liên quan đến thời trang.

Trong năm qua, người này đã mua một số sản phẩm và gửi về Trung Quốc, nhưng làn sóng lây nhiễm vào mùa đông ở Anh đã khiến nhiều khách hàng của cô do dự.

"Trước đại dịch, tôi có một số hàng tồn kho, vì vậy trong vài tháng đầu tiên, tôi đã bán số hàng cũ của mình. Nhưng điều đó thật khó khăn, đặc biệt là khi thị trường mua sắm miễn thuế Hải Nam bùng nổ và rất thuận tiện cho khách trong nước".

Daigou này cho rằng ngày nay mọi người có thể mua sắm hàng hóa miễn thuế dễ dàng ở Trung Quốc. Vì vậy, chỉ những khách đang tìm mua món đồ hiệu cực hiếm mới tìm đến người buôn hàng xách tay.

Được đối xử như khách VIP

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trước mắt, một số nhà bình luận tin rằng đại dịch có thể khiến những người mua hàng thay thế trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Thị trường daigou ở London và khắp châu Âu đã thay đổi trong năm nay", Rocky Chi, trưởng phòng kế hoạch chiến lược của công ty tiếp thị Emerging Communications có trụ sở ở London, giải thích.

"Các daigou từng bị những thương hiệu xa xỉ và nhà bán lẻ đối xử lạnh nhạt, song bây giờ họ được coi là những khách hàng quan trọng".

Khi lượng khách mua trực tiếp giảm mạnh, các nhà bán lẻ ở London không có lựa chọn nào khác ngoài việc vun đắp mối quan hệ mới với những người buôn hàng xách tay - nhóm khách đang chiếm gần 20% doanh số bán hàng.

Các cửa hàng đồ hiệu ở London đóng cửa từ đầu tháng 11/2020 và chỉ mở cửa trở lại vào giữa tháng 4. Ảnh: Bloomberg.

Theo bà Chi, trước đây, những phiền phức trong mua bán khiến một số cửa hàng thậm chí cấm cửa các daigou. "Nhưng giờ đây, việc khách livestream và mua hàng với số lượng lớn đã trở nên bình thường. Nhiều nhà bán lẻ còn khuyến khích cách làm như vậy".

Trong năm qua, nhiều du học sinh Trung Quốc đã trở thành daigou. Những người này đặc biệt thu hút các khách hàng trẻ tuổi thuộc thế hệ Z.

Những khách hàng giàu có thuộc thế hệ Z ở Trung Quốc luôn muốn là người đầu tiên sở hữu món đồ xa xỉ và khó mua nhất. Điều này không có dấu hiệu dừng lại bất chấp sự gia tăng của các thương hiệu cao cấp sản xuất trong nước, và sự chênh lệch giá mua giữa châu Âu và Trung Quốc được thu hẹp.

"Động lực cảm xúc đằng sau việc muốn trở thành người mua đầu tiên khiến giá cả không còn là mối quan tâm hàng đầu của họ", bà Chi giải thích.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tung-bi-xua-duoi-nguoi-buon-hang-xach-tay-gio-duoc-don-nhu-khach-vip-post1206947.html