Tục xông đất đầu năm của người Việt, nguồn gốc, ý nghĩa và những điều không thể bỏ qua

Theo tục lệ, giờ xông đất được tính bắt đầu từ sau giờ giao thừa trở đi, người xông đất là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau giờ khắc giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.

Tục xông đất của người Việt

Xông đất đầu năm là một tục lệ của người dân các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, với mong muốn năm mới sẽ mang đến những điều may mắn, tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió… Vì vậy từ xưa, người Việt thường rất chú ý đến việc chọn người xông nhà đầu năm mới, thường là vào ngày mùng 1 Tết.

Theo tục lệ, giờ xông đất được tính bắt đầu từ sau giờ giao thừa trở đi, người xông đất là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau giờ khắc giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người xông đất sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới.

Xông đất đầu năm là một tục lệ của người dân các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Xông đất đầu năm là một tục lệ của người dân các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Vì vậy, nhà nhà đều mong muốn mọi sự tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình bắt đầu từ ngày đầu năm. Từ trước Tết, gia chủ đã chọn người có tuổi hợp với chủ nhà, là người thành đạt, hạnh phúc, viên mãn trong cuộc sống để đem đến cho gia đình sự may mắn ngay từ đầu năm.

Một cách “xông đất” khác theo tục lệ là chính người thân trong gia đình tự xông đất. Người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.

Người Việt cũng có tục lệ thường không đến nhà người khác vào sáng mùng 1 Tết để tránh xông nhà người khác. Các gia đình người Việt cũng rất kỵ những người không hợp tuổi xông nhà mình vào đầu năm mới.

Tuy nhiên, theo cùng thời gian, những phong tục tập quán xưa cũng có những biến đổi để phù hợp với những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục xông đất cũng vậy, mọi người trong gia đình vẫn đi xông đất nhà bà con, bạn bè nhưng đa phần như một niềm vui trong ngày Tết.

Những điều không thể bỏ qua trong tục xông đất của người Việt

Người được nhờ đến xông đất cho gia chủ thường đến thăm gia đình vào buổi sáng mùng 1 đầu năm mới, mang theo chút quà nhỏ cho gia đình như bánh mứt, chè, thuốc và tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Người “xông đất” sẽ chúc gia chủ một năm phát lộc, phát tài và những lời chúc mừng tốt đẹp cho gia chủ may mắn trong một năm mới.

Nếu nhà có cha mẹ già thì chúc “Bách niên giai lão”, “tăng phúc tăng thọ”; nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt”, “làm ăn phát đạt”, “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”; nếu gặp người làm việc Nhà nước thì chúc “thăng quan tiến chức” hoặc “lên chức lên lương”; gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn”, “học hành đỗ đạt”.

Gia chủ cũng niềm nở đón tiếp người xông đất và chúc tụng lại vị khách xông nhà, mời khách những món ăn, các loại bánh mứt ngon nhất và cùng nhau uống một ly rượu vào đầu năm mới. Việc ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà.

Ông bà ta thường có kinh nghiệm rằng: Ai xởi lởi hồn nhiên, vô tư, thật thà, mặt mũi sáng sủa không có tang và con cái đông đủ cả trai lẫn gái là vía tốt.

Đặc biệt người xông đất phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó và tránh tuổi “tứ hành xung”. Tuổi người xông đất nên có Thiên can, Địa chi, Ngũ hành tương sinh đối với gia chủ. Cùng với đó Thiên can, Địa chi, Ngũ hành của năm cũng cần tương sinh với người đó. Hay những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An, Khang… xông đất cũng là một niềm vui với gia chủ.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tuc-xong-dat-dau-nam-cua-nguoi-viet-nguon-goc-y-nghia-va-nhung-dieu-khong-the-bo-qua-a462565.html