Tục tiễn Táo Quân ngày 23 tháng Chạp – Nét đẹp cần gìn giữ

Năm cũ sắp qua, năm mới đang đến gần, thời điểm này không khí Tết xuân đang lan tỏa khắp đất trời và sự vật muôn nơi khiến lòng người bồi hồi, náo nức. Tết Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp là sự kiện quan trọng trong đời sống dân gian, góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt.

Ngay từ sáng sớm, người dân đã đi mua cá chép để về làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời.

Nét đẹp văn hóa lâu đời

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, người người lại tất bật lau bàn thờ gọn gàng, sạch đẹp, chuẩn bị đồ lễ để tiễn ông Táo về trời với mong muốn được phù hộ gặp nhiều may mắn. Trong khi sắp lễ, bày mâm, các bà, các mẹ không quên kể cho con cháu mình nghe về sự tích ông Công, ông Táo. Không khí sum vầy bên nhau cùng sửa soạn đĩa xôi, miếng thịt, vài ba chiếc bánh, bát chè đậu dẻo thơm, nóng sốt..., câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, sự thủy chung gợi nên nhiều suy ngẫm cho lớp trẻ, đọng lại miền ký ức cho người lớn tuổi. Từ đó gắn kết thêm tình cảm từng thành viên trong mỗi gia đình.

Không ai biết chính xác tục lệ tiễn ông Táo có từ bao giờ nhưng khi nhắc đến ngày này, mọi người lại nhớ đến câu chuyện xoay quanh mối tình éo le, ngang trái của ba người. Hai vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao tuy sống hạnh phúc nhưng nhiều năm vẫn không có con. Người chồng dần sinh chán nản tìm đến rượu chè và thường xuyên gây sự với vợ. Một hôm rượu say, anh chồng lớn tiếng rồi đuổi đánh vợ mình ra khỏi nhà. Thị Nhi bơ vơ lang thang đến xứ khác rồi tình cờ gặp người đàn ông tốt bụng tên là Phạm Lang, hai người nảy sinh tình cảm và đến với nhahu

Về phần Trọng Cao, sau khi tỉnh rượu thì vô cùng ân hận nên cũng bỏ nhà đi tìm vợ. Ngày này qua ngày khác tìm kiếm trong vô vọng, anh trở thành kẻ hành khất. Một hôm, Trọng Cao tình cờ vào nhà Thị Nhi xin ăn trong lúc Phạm Lang đi vắng. Nàng nhận ra người chồng năm xưa nên mời vào nhà, nấu cơm cho ăn. Đúng lúc này, Phạm Lang về, Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Trọng Cao vào đống rơm sau vườn. Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi hốt hoảng lao vào đống lửa cứu Trọng Cao. Phạm Lang thấy vợ gặp nguy cũng nhảy vào cứu vợ nhưng bất thành. Hậu quả là cả ba người đều bị chết.

Cảm động về tình nghĩa của ba người, Thượng đế đã phong cho mỗi người một chức vụ khác nhau: Phạm Lang là Thổ Công trông coi việc bếp; Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc nhà; Thị Nhi là Thổ Kỳ cai quản việc chợ búa. Hàng năm, ba vị Táo được phái xuống trần gian để theo dõi và ghi chép những việc làm tốt xấu của dân chúng. Sau đó, đúng ngày 23 tháng Chạp, ba vị Táo sẽ cưỡi cá Chép hóa rồng lên trình báo tình hình dưới hạ giới để Ngọc Hoàng định đoạt công, tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.

Với mong muốn được ba vị Táo phù hộ, đến ngày này, mỗi gia đình lại tổ chức cúng tiễn các ngài một cách đầy đủ và linh đình. Đồ cúng sẽ có bộ ba áo mũ: Hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ phụ nữ tượng trưng cho Táo bà; mâm cơm mặn gồm rượu, thịt, xôi chè... và ba con cá chép.

Ý nghĩa tốt đẹp được truyền tải qua hành động phóng sinh cá chép

Theo quan niệm dân gian, lễ cúng phải được tiến hành trước 12 giờ trưa và cá chép là phương tiện duy nhất đưa các Táo lên thiên đình. Bởi thế, các gia đình thường mua 3 con cá chép đặt lên bàn thờ, sau khi làm lễ, gia chủ đem cá thả ra sông, suối, ao, hồ với ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời. Bên cạnh đó, trong tâm thức của người Việt, “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí đi tới thành công.

Bà Đặng Thị Sinh, xã Hải Hòa (Tĩnh Gia) cho biết: Cùng với Tết Nguyên Đán thì ngày tiễn ông Táo cũng là ngày Tết chúng tôi rất chờ đón. Đây là dịp con cháu quây quần, tụ họp bên nhau để cùng sửa soạn cúng lễ. Ngoài ý nghĩa về văn hóa tâm linh, ngày Tết này còn giúp con cháu hiểu hơn về cách sống, về tình người đồng thời nuôi dưỡng lòng hướng thiện qua hành động phóng sinh cá chép.

Những hành động đẹp làm nên ngày Tết ý nghĩa

Vào ngày 23, người dân khắp nơi sau khi cúng tiễn Táo Quân lại mang cá Chép đi phóng sinh. Hành động đẹp mang nhiều ý nghĩa này sẽ càng đẹp hơn nếu mọi người quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường. Vẫn còn đó những chiếc túi ni lông vứt bừa bãi bên bờ sông, hồ và khu vực nơi thả cá. Và cũng không ít người tụ tập ngang nhiên giăng lưới bắt cá chép ngay khi cá vừa được tung quẫy dưới mặt nước.

Những hành động xả rác làm ô nhiễm môi trường khi thả cá cần được dẹp bỏ

Để nét đẹp ngày Tết thêm trọn vẹn, các đội thanh niên tình nguyện từ các phường, xã đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo vệ môi trường. Tại các điểm thả cá, đoạn qua cầu Bố, cầu Lai Thành, cầu Hạc, hồ Trường Thi… ngay từ sáng sớm, các bạn trẻ đã có mặt để hướng dẫn người dân thả cá và thu gọn túi nilon, bụi tro vào thùng rác một cách cẩn thận. Các bì, thùng rác và nhiều băng-zôn treo tại các thành cầu kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo về môi trường. Vì vậy, tại những nơi này tình trạng rác thải bừa bãi đã được khắc phục nhiều so với những năm trước.

Cách làm mới, hành động đẹp khi thả cá chép giúp ngày Tết ông Táo thêm ý nghĩa

Sự nhiệt huyết của các tình nguyện viên góp phần bảo vệ môi trường trong ngày Tết

Không khí Tết đang rộn ràng khắp muôn nơi, Tết Táo Quân là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ bởi những giá trị tốt đẹp mang đặc trưng cho tính cách, đời sống của con nguời và dân tộc Việt Nam.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tuc-tien-tao-quan-ngay-23-thang-chap--net-dep-can-gin-giu/113259.htm