Tục lệ đốt vàng mã: Đã bớt phần lãng phí

Từ xưa đến nay, đốt vàng mã được xem là một phong tục lâu đời của người Việt. Đặc biệt là cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, thì tục đốt vàng mã được xem như một việc làm 'nhất thiết phải có'. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và các phương tiện truyền thông dẫu tục đốt vàng mã vẫn chưa chấp dứt, song tín hiệu vui là một số người dân Thủ đô đã dần bỏ tục lệ này.

Đốt vàng mã vẫn đang bị lạm dụng, biến tướng

Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, theo quan niệm truyền thống Phật giáo là ngày lễ Vu Lan, nhằm thể hiện sự biết ơn, hiếu kính của con cái với cha mẹ. Còn trong tâm thức văn hóa dân gian đây là ngày xá tội vong nhân. Chính vì vậy, tục đốt vàng mã vẫn có “sức hút” lớn đối với người Việt.

Phố Hàng Mã đìu hiu trước ngày lễ Vu Lan (Ảnh: K. Tiến)

Phố Hàng Mã đìu hiu trước ngày lễ Vu Lan (Ảnh: K. Tiến)

Nhiều năm gần đây, thị trường đồ vàng mã rất đa dạng, đầy đủ như: Quần áo, biệt thự, xe hơi, điện thoại, ti vi, tủ lạnh... được làm giống như đồ thật với đủ các loại kích cỡ tùy thuộc vào giá tiền. Với mong muốn gặp nhiều may mắn, thuận lợi, được thánh thần và người âm phù hộ, mỗi gia đình lại có cách sắm vàng mã khác nhau. Có những gia đình chỉ sắm đồ hàng mã có giá trị từ vài trăm đến vài triệu đồng, nhưng cũng có không ít gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng cũng chỉ để… đốt.

Chị Bùi Thị Thu (Lò Đúc, Hà Nội) cho rằng: “Do gia đình chuyên kinh doanh, buôn bán nên vào các dịp lễ, Tết, ngày Rằm tháng 7 nhất định phải đi lễ, mua, đốt vàng mã. Để chuẩn bị chu đáo cho Rằm tháng 7, ngoài mua sắm quần áo giấy cho tất cả ông bà tổ tiên, tôi còn sắm thêm rất nhiều vật dụng khác được làm từ vàng mã giống như trên trần gian như: ô tô, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy... Tổng cộng, chi phí mua đồ vàng mã cũng lên tới chục triệu đồng. Tôi làm vậy cũng chỉ mong ông bà, cha mẹ chứng giám cho lòng thành của gia đình”.

Để hạn chế tục đốt vàng mã cần sự thay đổi từ cộng đồng (Ảnh: K.Tiến)

Tuy nhiên, điểm đáng nói là, việc chi cả triệu đồng, thậm chí chục triệu đồng mua vàng mã để đốt không chỉ gây lãng phí về tiền của mà còn nhiều nguy hiểm khôn lường xung quanh. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, tục đốt vàng mã cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏa hoạn nguy hiểm.

Cụ thể, tháng 10/2018, một vụ cháy lớn xảy ra tại quán karaoke 7 tầng ở phố Hào Nam, gần ngã tư Hào Nam – Đê La Thành khiến cột viễn thông lớn trên nóc nhà và nhiều đồ đạc trong ngôi nhà bị thiêu rụi. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do chủ nhà đốt vàng mã nhân ngày mùng 1 Âm lịch.

Cũng trong tháng 9/2018, hàng nghìn cư dân sống tại chung cư Gold View (đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM) đã phải sơ tán khẩn cấp trong đêm vì có cháy tại một căn hộ. Trước đó, một cư dân sống ở đây lúc đốt vàng mã ngoài hành lang đã để lửa bén sang nhiều tấm bìa carton bên cạnh khiến lửa bùng phát dữ dội. Hàng nghìn người dân phải mất ngủ vì sơ tán khẩn cấp.

Đến tín hiệu vui từ thay đổi nhận thức đến hành động

Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.

Theo đó, việc người dân đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa và nơi công cộng, thậm chí việc rải vàng mã trong đám tang cũng sẽ bị phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, vì chưa có ai bị xử phạt nên hầu như chẳng ai quan tâm tới quy định này và việc đốt vàng mã tràn lan vẫn diễn ra.

Cùng với sự tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, Rằm tháng 7 năm nay, Thủ đô Hà Nội cũng đã có những thay đổi tích cực nhằm tiến tới bỏ tục đốt vàng mã trong trong nhân dân.

Theo đó, trái ngược với không khí tấp nập, hối hả mọi năm, tại phố Hàng Mã – con phố chuyên bán đồ cõi âm ở Hà Nội năm nay, không khí khá vắng vẻ, đìu hiu. Hầu hết, các cửa hàng trên con phố này đều tập trung bán đồ trung thu thay vì bán đồ vàng mã như mọi năm. Theo một số chủ cửa hàng , thời gian gần đây việc đốt vàng mã đã được hạn chế, người dân cũng có phần dè dặt, sức tiêu thụ chậm hơn hẳn các năm trước.

So với mọi năm, giá cả các mặt hàng năm nay không có nhiều biến động. Trong đó, các loại quần áo có giá từ 30 – 100.000 đồng/ bộ, ô tô, xe máy từ 90 – 300.000 đồng/ chiếc. Bộ đồ công nghệ với các loại điện thoại, tai nghe, sim, thẻ nạp giá khoảng 180 – 250.000 đồng. Đắt nhất vẫn là các căn biệt phủ, nhà cao tầng, ô tô dành cho người âm.

Theo đó, tùy từng kích thước, chất liệu mà giá cả sẽ khác nhau. Trung bình, một căn nhà 2 tầng, với đầy đủ đồ dùng bên trong đi kèm sổ đỏ có giá thấp nhất là 200.000 đồng, những căn biệt phủ lớn, dát vàng với sân vườn, hàng rào, ghế đá ngoài trời… giá từ 500.000 đồng trở lên; ô tô kèm tài xế lái xe giá từ 300 nghìn đến cả triệu đồng.

Tuy nhiên, theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã, đối với những đồ vàng mã đắt, tiền triệu năm nay không còn thịnh hành như trước. Do vậy, nếu muốn mua thì phải đặt hàng trước. Trao đổi với PV, bà Lê Thị Đức (Cổ Nhuế, Hà Nội) chia sẻ: “Mọi năm, gia đình tôi chuẩn bị rất nhiều đồ vàng mã để đốt, nhưng vài năm trở lại đây, bản thân tôi cũng cảm thấy việc đốt vàng mã nhiều cũng có rất nhiều điểm bất lợi. Không kể việc nếu chạy theo mua nhiều đồ vàng mã thì rất tốn kém, việc đốt vàng mã nhiều cũng rất dễ gây hỏa hoạn trong thời tiết nắng nóng như thế này”.

Không chỉ bà Đức, theo khảo sát của phóng viên, sự thay đổi tích cực trong việc đốt vàng mã của người dân Thủ đô còn thể hiện từ ý thức. Nếu như các năm trước, trong những ngày gần Rằm tháng 7, khi đi trên đường phố Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các gia đình đốt vàng mã trước cửa nhà, bên hè phố, thì năm nay, hiện tượng này đã giảm một cách đáng kể.

Nhiều gia đình đã chủ động cúng Rằm tháng 7 với hoa quả, mâm cơm, kèm theo là một tập “tiền vàng mã” tượng trưng dâng lên tổ tiên với lòng thành kính. Nhiều người nhận ra rằng, nếu có tâm thì không cần đốt nhiều vàng mã. “Mọi người vẫn có thể đốt nhưng mà đốt ít thôi, tùy tâm của mình chứ không nhất thiết phải đốt nhiều” chị Nguyễn Thị Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.

Trao đổi về vấn đề này Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, đốt vàng mã là một việc mê tín đến khó tưởng tượng nổi. Theo những thống kê cho biết thì hàng năm, ở ta đốt vàng mã đến hàng vài trăm tỷ đồng, thậm chí còn gây ra cháy nhà, cháy công ty, cháy công sở, khói bụi vàng mã bay ra đầu độc môi trường sống.

“Nếu chúng ta cứ để việc này tiếp tục như một thói quen, đến một ngày nào đó, nó sẽ trở thành thảm họa cho cộng đồng. Tôi cho rằng việc đốt vàng mã tràn lan như hiện nay là không cần thiết. Thay vì thời gian, công sức, tiền bạc dành cho lễ bái và đốt vàng mã cầu kỳ, những ngày lễ tết, giỗ chạp, chúng ta hãy dành “tài nguyên” đó để nghỉ ngơi, quan tâm đến những người thân yêu, “nạp năng lượng”, đánh giá rút kinh nghiệm các trải nghiệm trong công việc, cuộc sống và vạch ra kế hoạch đầu tư cho sự nghiệp, tương lai của con cháu”, ông Khanh cho hay.

Tiến sỹ Vũ Thế Khanh cũng khẳng định, muốn thể hiện đạo hiếu trong mùa Vu Lan, điều quan trọng nhất là con cháu hiếu thảo thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất. Nếu không làm được việc đó, thì việc đi lễ chùa, mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng mã chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời giờ và tiền của.

K. Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tuc-le-dot-vang-ma-da-bot-phan-lang-phi-95096.html