Tục lấy nước cầu may kỳ lạ của người Tày

Từ bao đời nay, dòng nước vốn gắn liền với cuộc sống tâm linh của người Tày. Đêm 30 mươi tết, sau khi cúng giao thừa xong, người Tày ở Lạng Sơn không hẹn mà gặp, lẳng lặng cùng nhau xách chiếc ấm nhỏ ra con suối đầu làng lấy nước. Nhiều cao niên quả quyết, sáng sớm Mùng 1 trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình phải có được một bát nước suối trong vắt để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ những người đã khuất.

Truyền thuyết lạ kỳ

Theo đồng bào người Tày ở Bắc Sơn, Lạng Sơn, tục lấy nước còn được gọi nôm là “nàng tiên” thường được tổ chức vào sáng sớm ngày Mùng 1 đầu năm. Đây là một tục lệ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, được nối truyền từ đời này qua đời khác.

Theo phong tục, cứ vào khoảng sau 12 giờ đêm 30 Âm lịch, khi trời đất đã trở mình bước sang năm mới, đó cũng là thời điểm người Tày vừa hoàn thành xong lễ cúng giao thừa, tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới lại về.

Giữa cái đêm mùa xuân, tiết trời tối om, họ lẳng lặng cùng nhau xách chiếc ấm ra con suối đầu làng lấy nước, cầu nguyện cho một năm mới bình an, suôn sẻ, mùa màng bội thu.

Sáng sớm đầu năm người dân Làng Huyền lại lẳng lặng ra đầu làng lấy nước

Sáng sớm đầu năm người dân Làng Huyền lại lẳng lặng ra đầu làng lấy nước

Nhận lời mời của người bạn chí cốt, gắn bó với nhau suốt 4 năm trên giảng đường Đại học, giữa đêm 30, tôi bắt chuyến xe muộn về Làng Huyền, xã Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đón cái Tết đầu tiên cùng với người Tày.

Vốn tính tò mò, lại sống ở thành phố từ lâu, nhưng phong tục đón Tết độc đáo của con người nơi đây khiến tôi không khỏi thích thú. Suốt cả buổi tối, bỏ lại những mệt mỏi sau chuyến đi dài, tôi ngồi chờ gia chủ hoàn thành những phần việc cuối năm để được nghe kể về tục lệ lấy nước “nàng tiên” mà chỉ vài tiếng nữa sẽ diễn ra sau thời khắc giao thừa.

Ông Hoàng Nhập, bố của bạn tôi, năm nay độ gần 70 tuổi, vốn là người có chức sắc trong làng, lại thích tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc sau khi cúng giao thừa xong ngồi lại cùng chúng tôi trên tấm phản gỗ. Nhấp một ngụm rượu nồng, ông hồi tưởng lại gốc tích lễ hội của dân tộc mình.

“Tục “Pay au nặm” -lấy nước suối vào đầu ngày mùng 1 Tết của người Tày đã có từ lâu. Kể ra, nếu nói chính xác ra cũng chẳng ai biết nguồn gốc thực sự của nó bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ ngày bé, bác đã theo các mẹ, các chị đi lấy nước ngày Tết – ông Hoàng Nhập bộc bạch.

Người dân đun nước suối pha chề để thanh lọc cơ thể

Nhiều cao niên còn kể, ngày xưa trong làng có cặp trai gái yêu nhau, ước hẹn cùng nhau xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Thế nhưng không may, một tên quan cường hào thấy cô gái xinh đẹp nên đã ép phải lấy con trai mình.

Đau khổ vì tình duyên bị chia cắt, đôi trai gái kia đã nhảy xuống hốc đá cạnh cánh đồng trong làng. Từ đó, nước ở hốc đá trào lên, tưới khắp lên cánh đồng khô cạn. Dân Làng Huyền nhớ ơn nên lập thành tục, mỗi sáng Mùng 1 Tết lại ra suối lấy nước.

Tùy từng nơi và từng vùng người ta có quan niệm khác nhau về tục lấy nước ngày Tết. Bởi vì dân tộc Tày sống rải rác ở rất nhiều nơi thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam nhưng Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang…

Tuy nhiên, điểm chung của họ vẫn là khi đi lấy nước, chủ nhà mang theo nén hương đến cắm bên cạnh nơi vẫn lấy nước hàng ngày, rồi xin thần nước ban cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu.

Lấy nước càng sớm càng ấm no, sung túc

Mùng 1 tháng Giêng là ngày đầu tiên của tết Nguyên Đán, nếu như ở quê tôi, lớp trẻ thường ngủ trễ đến tận 8, 9 giờ sáng do đêm hôm trước thức khuya đi ra đền, chùa trẩy lộc thì ở đây ai cũng đều dậy thật sớm để lấy may mắn.

Tiếng người cười nói, hối nhau làm việc rộn rã cả ngôi làng nhỏ. Con trai xắn tay áo mổ “cáy ton” – gà trống thiến,con gái thì đồ xôi, cắt bánh…họ cùng nhau chuẩn bị cho mâm cúng gia tiên.

Ông Hoàng Nhập chia sẻ:“Tập quán của người Tày chúng tôi tục lấy nước mới đầu năm, đầu xuân mới là quan trọng nhất. Vì nước mới tượng trưng cho cả một năm làm ăn của con cháu trong gia đình. Con cháu đi lấy nước càng sớm để làm cỗ kính tổ tiên được sớm và trang trọng bao nhiêu thì con cháu làm ăn năm đó được bình an, thành đạt và ấm no sung túc bấy nhiêu”.

Trước khi đi lấy nước, người ta sẽ thắp nén nhang lên bàn thờ, khi ra đến bờ suối thì cắm chân hương vào vàng mã và cắm xuống cạnh bờ suối trước, sau đó xin phép thần suối cho phép lấy nước về nhà. Hương dùng để dẫn đường,vàng mã tượng trưng cho lệ phí đổi lấy nước, thể hiện sự trao đổi qua lại giữa con người và thần linh.

Sở dĩ trước khi lấy nước phải xin phép là vì đồng bào quan niệm suối cũng có một vị thần cai quản, vị thần này đồng bào gọi là “Pi”, các “Pi” này thường không làm hại ai, nhưng nếu đồng bào lấy nước mà không xin phép thì có thể sẽ vô tình xúc phạm đến các “Pi”.

Trong quá trình đi lấy nước, người Tày không trò chuyện hay thưa gửi bất kỳ một ai, dù có gặp bà con họ hàng. Họ quan niệm nếu thưa gửi sẽ tạo ra âm thanh khiến cho hồn nước sợ và bỏ về suối, không theo về nhà nữa và như thế gia đình mình sẽ không gặp may mắn.

Khi nước đem về đến nhà người ta lấy một phần nước rót vào chén để lên thờ tổ tiên, vì thờ tổ tiên nên càng đi lấy nước sớm thì nước càng trong và nước càng trong càng tốt, lấy một phần cho lên lửa đun sôi để pha chè tiếp khách trong ngày Mùng 1 Tết, một phần đun ấm để rửa mặt, một phần để cho lợn uống.

Người Tày tin rằng nước suối buổi sáng sớm mùng 1 Tết có sự tinh khiết và hoàn toàn không bị ô uế nên lấy nước này về thờ cúng tổ tiên để thể thể hiện tấm lòng kính trọng đối với những người đã khuất.

Người ta lấy nước về pha chè uống vào sẽ giúp thanh lọc cơ thể, tẩy rửa chất độc hại, không tốt còn lưu lại trong người suốt một năm qua. Rửa mặt bằng nước này sẽ giúp lau sạch bụi bẩn, giúp cho con người tỉnh táo hơn, minh mẫn hơn đối với người già, còn đối với người trẻ thì rửa mặt bằng nước suối sáng mùng Một Tết còn giúp họ thông minh hơn, sáng sủa hơn.

Còn lấy nước này về cho lợn ăn với mong muốn năm mới lợn sẽ dễ nuôi, cho ăn gì ăn nấy, lớn nhanh và khỏe mạnh; nước này cũng có tác dụng xua đuổi mọi đen đủi, tà ma, cầu mong cuộc năm mới nhiều may mắn.

Thực hiện các công đoạn để đi lấy nước đầu năm một cách cẩn trọng, thành kính, đem lại cho người Tày niềm tin vào một năm mới tốt lành. Nó giống như một liều thuốc tinh thần giúp họ hăng say lao động, vun vén cuộc sống gia đình.

Ngày nay, ở nhiều nơi theo vòng xoáy của đô thị hóa, tục lấy nước đầu năm của người Tày mặc dù vẫn còn được duy trì nhưng đã không còn cầu kỳ, nghiêm túc được như xưa. Người thực hiện chỉ làm qua loa, có nhiều gia đình không còn giữ phong tục này.

Giờ đây hầu hết mọi người chỉ còn duy trì hình thức lấy nước bằng cách dùng nước máy hay là nước ở các con giếng đấu làng mà thôi. Đây cũng chính là nỗi tiếc nuối của nhiều cao niên ở Làng Huyền mỗi độ Tết đến, xuân về.

Mộc Thanh – Hoàng Tiền

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tuc-lay-nuoc-cau-may-ky-la-cua-nguoi-tay-87577.html