Tục 'làm vía' của người Thái ở Ðiện Biên

Với người Thái ở Ðiện Biên, tục 'làm vía' hay còn gọi là Lễ buộc chỉ cổ tay là một trong những lễ tục có từ rất lâu đời, vẫn còn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Đầu năm mới, người Thái làm lễ buộc chỉ cổ tay với ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Thầy cúng buộc chỉ vào cổ tay cho người dân tham gia lễ “làm vía”. Ảnh: Thanh Thuận

Thầy cúng buộc chỉ vào cổ tay cho người dân tham gia lễ “làm vía”. Ảnh: Thanh Thuận

Nhân một chuyến công tác đến Điện Biên, chúng tôi may mắn được tham dự lễ “làm vía”, nghi thức đầy thiêng liêng và trang trọng của người dân tộc Thái do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức. Đây là lễ tục với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Bà Lường Thị Hương, người có uy tín ở địa phương cho biết: “Cộng đồng người dân tộc Thái ở Điện Biên vẫn giữ nguyên vẹn Lễ buộc chỉ cổ tay vào các dịp đầu năm mới, cưới hỏi, ma chay... Người dân tộc Thái sẽ sử dụng những sợi chỉ khác nhau tùy vào hoàn cảnh, tính chất của buổi lễ “làm vía”. Sợi chỉ đen dùng trong việc cầu bình an, sợi chỉ đỏ dùng trong đám cưới, sợi chỉ trắng dùng khi gia đình có người thân mất đi... Đặc biệt, khi đã thực hiện lễ “làm vía” buộc sợi chỉ vào cổ tay thì không được tự tháo ra mà phải để cho sợi chỉ đó tự đứt, có như vậy mới giữ được ý nghĩa của Lễ buộc chỉ cổ tay...”.

Người Thái thường chọn thầy cúng của bản, hoặc các bậc cao niên có uy tín trong dòng tộc, dòng họ làm Lễ buộc chỉ cổ tay. Lễ “làm vía” gồm 2 phần chính là nghi thức cúng và nghi thức buộc chỉ vào cổ tay. Lễ vật cúng gồm có thịt lợn, thịt gà, cá nướng, 1 bát thóc, 1 bát gạo, 2 bát cơm, 2 bát canh, ngoài ra còn có bánh chưng gù, hoa quả, rượu... và đặc biệt không thể thiếu chỉ màu đen.

Trước khi làm Lễ buộc chỉ cổ tay, thầy cúng Lường Văn Nhọt, ở bản Kéo, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con người giữ được vía, được hồn luôn khỏe mạnh, tránh được tai ương; ma tà nhìn thấy chỉ buộc ở cổ tay sẽ không dám làm hại hồn vía con người.

Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, mọi người ngồi quây quần xung quanh mâm cúng. Thầy cúng Lường Văn Nhọt hát lời cúng bằng tiếng Thái, mời gọi thần linh, tổ tiên về nhận lễ vật dâng và chứng kiến nghi thức buộc chỉ. Theo quan niệm của người Thái, đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì họ sẽ hồn bay phách lạc, sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và gặp vận không may trong cuộc sống... Người Thái cho rằng, trẻ nhỏ vía còn non nớt, nên gia đình, dòng tộc tổ chức Lễ buộc chỉ cổ tay khi trẻ tròn một tháng tuổi, còn gọi là buộc vía.

Các cụ già, vía cũng bước vào tuổi lú lẫn nên nhiều khi vía đi lạc không nhớ đường về nhà hoặc vía dễ bị ma quỷ rủ rê, bắt vía đi xa nên thường bị ốm đau, bệnh tật. Người Thái quan niệm, khách từ xa đến chơi, vía có lúc vì ham chơi mà lang thang quên cả lối về với chủ hoặc vía lạ bản nên dễ bị ma mãnh xứ người đùa giỡn làm hại. Vì vậy, người Thái thường làm Lễ buộc chỉ cổ tay để vía của khách phương xa luôn ở bên người, cầu giúp cho khách luôn khỏe mạnh, bình an, may mắn suốt khoảng thời gian thăm thú, vãn cảnh nơi đất khách. Chính vì thế, lễ “làm vía” có ý nghĩa lớn trong việc giữ vía, cầu an, mang đậm nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Thái.

Trong khi thầy cúng làm lễ, những người tham dự ngồi nghiêm trang để lắng nghe lời hát của thầy cúng. Khi cúng xong, thầy cúng cầm cuộn chỉ đã được chia thành nhiều đoạn phân phát cho người lớn, người cao tuổi để tiến hành buộc chỉ cổ tay cho các con cháu, người dân bản và khách du lịch tại buổi lễ. Cùng với đó là lời dặn dò của thầy cúng: Khi đã buộc chỉ cổ tay thì không được tự tháo ra mà phải để sợi chỉ tự đứt rồi đem buộc vào màn, có như vậy mới giữ được ý nghĩa của lễ “làm vía”. Với những khách du lịch đến với bản mường người Thái, nghi thức buộc chỉ cổ tay cũng là một cách thể hiện lòng thân thiện, đạo hiếu khách của người Thái.

Nghi lễ kết thúc khi khi những sợi chỉ đen được buộc vào cổ tay của từng người (nam chập 7 sợi chỉ lại rồi buộc vào cổ tay trái, nữ chập 9 sợi chỉ buộc vào cổ tay phải). Sau đó, mọi người nâng chén rượu chúc sức khỏe và cùng nhau hưởng lộc mâm cúng.

Chứng kiến nghi lễ “làm vía” linh thiêng của người Thái, những người được buộc chỉ trên tay đều an tâm, vui vẻ. Anh Lò Minh Đức, ở thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Chứng kiến Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái ở Điện Biên, được buộc chỉ vào cổ tay, tôi thấy đây là lễ tục rất thiêng liêng, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, khiến người được buộc chỉ cảm thấy bình an, hạnh phúc và phấn khởi hơn trong cuộc sống”.

Có thể nói, tục “làm vía” là nét văn hóa tâm linh, nhằm giúp cho đồng bào vững tin ở đời sống tinh thần của người dân tộc Thái ở Ðiện Biên. Phong tục đẹp này cần được bảo tồn, phát huy nhiều hơn nữa trong thời kỳ hội nhập văn hóa như hiện nay.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuc-lam-via-cua-nguoi-thai-o-dien-bien/