Tục đón Tết độc đáo của người Giáy

Tết của người Giáy trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng có, thể hiện các nghi thức, tập tục đón năm mới và đặc biệt là ẩm thực trong những ngày Tết.

Đồng bào dân tộc Giáy chủ yếu sống ở các địa phương phía Bắc, nhiều nhất là ở tỉnh Lào Cai.

Tết của người Giáy trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng có, thể hiện các nghi thức, tập tục đón năm mới và đặc biệt là ẩm thực trong những ngày Tết.

* Những loại bánh truyền thống

Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, trong đó có nhiều món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.

Vào dịp Tết ở Lào Cai, nếu như người dân tộc Bố Y có bánh khoải, người Mông có bánh dày, người Tày có bánh chưng đen..., cộng đồng người Giáy lại không thể thiếu được ba loại bánh: Bánh bỏng, bánh khảo và bánh chưng gù.

Thông thường vào tầm 25, 26 tháng Chạp, người Giáy ở các huyện Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, tỉnh Lào Cai lại bắt tay vào làm món bánh bỏng truyền thống chuẩn bị cho tiệc tất niên và những ngày Tết Nguyên đán.

Đối với người Giáy, dù giàu hay nghèo, ngày Tết có món bánh bỏng là vui, là đủ đầy.

Các loại bánh này được người Giáy dâng lên tổ tiên là để báo cáo thành quả lao động trong một năm, đồng thời cầu xin tổ tiên ban cho sức khỏe, sự may mắn, có một vụ mùa bội thu.

Những công đoạn làm nên chiếc bánh bỏng không hề đơn giản. Gạo để làm bánh bỏng được lựa chọn rất kỹ, phải là hạt gạo tròn, đều hạt, bánh mới ngon, mới đẹp.

Ông Hoàng A Liểng, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai, giới thiệu cách làm món bánh bỏng theo từng công đoạn như sau: Gạo đồ thành xôi, chín tới rồi rắc bột vào cho các hạt gạo không dính vào nhau.

Sau đó người ta ép nhẹ cho hạt gạo mỏng dẹt rồi phơi khô để hạt không bị mốc. Gần đến ngày làm cỗ, gạo được rang lên lên rồi trộn với đường phên.

Gạo rang sau khi trộn đường được đơm vào một bát to để làm khuôn, đắp lên thành chóp cao để đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Chiếc bánh bỏng thơm hương nếp, ngọt ngào vị đường phên làm từ mật mía, thơm nồng hương nước cốt gừng, mang những hương vị thật đặc biệt.

Bánh khảo thường được đồng bào dân tộc Giáy làm vào khoảng ngày 26, 27 tháng Chạp để mời khách hay làm quà cho nhau trong những ngày Tết. Về cơ bản, những bước đầu làm bánh khảo cũng giống như làm bánh bỏng.

Tuy nhiên, gạo sau khi rang kĩ được đem nghiền thành bột mịn rồi mang đi "hạ thổ" khoảng 2 đến 3 ngày để bột nở ra.

Chị Vi Thị Thanh, ở thôn Luổng Láo, xã Cốc San, huyện Bát Xát cho biết "công thức" chế biến món ăn này là đem bột trộn với đường phên đã được giã mịn và phải trộn đều lên cho đến lúc bột dính mới được.

Sau đó, lấy chai hoặc là cây gỗ tròn cán qua cán lại cho bột nhuyễn, ngấm đường là được rồi dùng khuôn hoặc dùng chén làm khuôn đóng bánh lại.

Còn với chiếc bánh chưng, khác chiếc bánh chưng vuông vắn của người Kinh, bánh chưng của đồng bào Giáy có hai đầu thon, phần giữa bánh phình to, nên bánh còn có tên gọi là bánh gù.

Các bậc cao niên cho biết, để làm được chiếc bánh chưng khá kỳ công, nguyên liệu làm bánh phải được chọn lựa kỹ càng.

Lá dong để gói bánh là loại lá được lấy ở trên rừng, khổ lá vừa phải, lúa nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon đều hạt do người dân tự cấy, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ.

Phần quan trọng không thể thiếu là lựa chọn thịt lợn, phải là thịt ba chỉ thái mỏng, ướp với gia vị và thảo quả nướng.

Khi nguyên, vật liệu đã chuẩn bị đầy đủ, các chị, các mẹ bắt đầu gói bánh. Bánh được gói rất khéo làm sao để bánh được kín, gạo không bị rơi ra ngoài.

Thịt lợn làm nhân bánh được dàn đều sao cho khi ăn, bánh cắt đến đâu cũng phải có thịt trong từng miếng bánh.

Chị Hoàng Thị Bích, ở thôn Luồng Đơ, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Bánh phải có phần gù càng cao, càng cân đối, càng đẹp. Nhìn bánh là có thể thấy người phụ nữ đó khéo hay không. Bánh đẹp được chọn để thờ cúng tổ tiên. Mỗi lần thắp hương phải có 7 chiếc. Sau hai ngày mới được hạ bánh khỏi bàn thờ".

Điểm chung của các loại bánh của đồng bào Giáy đều được làm từ các nguyên liệu do chính họ làm ra, có như vậy mới thể hiện được sự tôn kính đối với ông bà, tổ tiên.

* Tập tục đón, tiễn ông bà về trời

Sau khi làm xong các loại bánh và dọn dẹp để bày biện trên bàn thờ tổ tiên, từ chiều 30 Tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón Tết. Người Giáy ở Lào Cai có tục thức cả đêm 30 Tết để đón ông bà, tổ tiên. Từ chiều tối 30 Tết, hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hóa vàng xong.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước Giao thừa và cúng lễ hóa vàng (những vật phẩm cúng lễ bằng giấy như quần áo, tiền, vàng mã được đốt đi) để tiễn ông bà về trời.

Tuy nhiên, thay vì các gia đình tùy chọn ngày hóa vàng phù hợp như các tộc người khác, người Giáy hóa vàng theo ngày cố định của dòng họ.

Một số làm lễ hóa vàng vào chiều mùng 1 tháng Giêng, một số dòng họ khác như người họ Sầm (Sần) đến ngày mùng 3 mới làm lễ.

Giải thích về sự khác biệt này, các vị cao niên cho hay, ngày xưa mỗi dòng họ đều phải cử người lên thay nhau canh giữ miền biên ải nên người lên trước được về ăn Tết trước, người lên sau về ăn Tết muộn hơn.

Người Giáy ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) có tục ăn bữa cơm đầu tiên cũng với sự chênh lệch về thời gian tương tự.

Sau bữa cơm chiều 30 Tết, qua 12 giờ trưa của ngày đầu năm mới, nhiều dòng họ mới nấu cơm cúng tổ tiên và ăn bữa cơm đầu tiên trong năm.

Có dòng họ, cả ngày mùng 1 Tết không nấu nướng và đến sáng mùng 2 mới "khai bếp" và ăn bữa đầu.

"Có truyền thuyết từ xưa truyền lại rằng dòng họ này có người làm nghề đi buôn nơi xa, về không kịp, đến ngày mùng 2 mới bắt đầu đón Tết" - ông Vàng Văn Phủ, ở Làng Kim 1, xã Quang Kim, lý giải.

Điểm độc đáo nữa trong thực hiện nghi lễ đầu năm của người Giáy là Lễ hội xuống đồng. Theo quan niệm của người Giáy, làm lễ vào ngày Thìn sẽ được rồng phun mưa cho ruộng lúa tốt tươi, không bị hạn hán.

Nếu ngày Thìn đầu năm trùng với ngày Tết, lễ xuống đồng sẽ được lùi lại vào ngày Thìn tiếp theo. Ông Vàng Văn Phủ cho biết ngày trước, lễ xuống đồng được tổ chức ngoài ruộng.

Mỗi gia đình trong thôn sắm sửa một mâm cúng gồm thịt lợn, gà, bánh khảo, bánh bỏng và hương hoa mang ra đặt ngoài đồng, nơi tổ chức lễ.

Tại đây, mọi người sẽ cùng thắp hương khấn vái cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Với người Giáy, lễ xuống đồng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, được truyền giữ từ đời này sang đời khác, nếu không vì lý do bất khả kháng thì năm nào lễ xuống đồng cũng được tổ chức./.

Hương Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tuc-don-tet-doc-dao-cua-nguoi-giay/112344.html