Tục dâng sao giải hạn: Mất tiền có mua được sự an tâm?

Với nhiều người, dâng sao giải hạn là việc làm không thể thiếu vào những ngày đầu của năm mới. Tuy nhiên, đại diện của Giáo hội Phật giáo đã nhiều lần chia sẻ rằng, dâng sao giải hạn chỉ là trò mê tín dị đoan, không nằm trong giáo lý nhà phật. Hơn nữa việc thu tiền của các Phật tử để cúng sao giải hạn tại một số chùa cần được loại bỏ.

Vào những ngày đầu năm từ mồng 8 Âm lịch đến rằm tháng Giêng, chẳng khó khăn gì để bắt gặp cảnh dòng người xếp hàng đăng ký giải hạn tại một số ngôi chùa có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, một điều mà dễ dàng nhận ra là những người đến đây đều không thể khẳng định việc dâng sao giải hạn có thể biến từ sao xấu trở thành sao tốt được. Với họ việc dâng sao giải hạn cũng chỉ là phương pháp trấn an tâm lý cho một năm mới bắt đầu.

Rất nhiều người đăng ký dâng sao giải hạn.

Rất nhiều người đăng ký dâng sao giải hạn.

Đặc biệt hơn nữa, rất nhiều người được gọi là "Phật tử" kia cũng không hề hay biết rằng trong giáo lý nhà Phật hoàn toàn không có việc cúng sao giải hạn. Tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) những ngày này luôn trong cảnh tấp nập. Bàn đăng ký giải hạn, cầu an lúc nào cũng được các phật tử vây kín. Mới đây nhà chùa đã buộc phải đóng cửa, phối hợp với cơ quan chức năng vì lượng người đến đây cúng dâng sao giải hạn quá nhiều. Toàn bộ khuôn viên của chùa chật cứng, thậm chí còn tràn ra đường, lên cầu vượt để vái vọng.

Qua tìm hiểu, tại một số chùa thì cắt sao có giá chung khoảng 100.000 - 150.000 đồng, lễ cầu an cũng tương tự giá đó. Bên cạnh đó những người giải hạn phải đóng tiền lễ, tiền làm sớ, tiền "giọt dầu", tiền thụ lộc cỗ chay. Những chi phí đó chưa thấm vào đâu với việc mời thầy về tận nhà để lễ.

Gia chủ phải sắm đủ bộ vàng mã như ngựa, hình nhân thế mạng, đồ lễ… chi phí lên cả chục triệu đồng. Tại chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) niêm yết giá cúng giải hạn và cầu an lại cao hơn là 300.000 đồng cho mỗi lần cúng sao (không kể sao xấu, sao tốt), 300.000 đồng/lễ cầu an. Do đây là ngôi chùa nổi tiếng cầu thăng tiến, thuận lợi

con đường học hành nên chủ yếu là các "cậu ấm, cô chiêu" đến lễ. Nhiều em mới chỉ là sinh viên nhưng đã thể hiện mình rất am hiểu quy cách trong việc lễ lạt của nhà chùa. Em Minh Thu (Sinh viên Đại học Ngoại Thương) cho hay: "Mẹ em ở quê có đi xem thầy bói và nói với em, năm nay em vướng phải sao xấu lắm. Thấy mẹ em bảo em bị sao Kế Đô chiếu, chính vì thế em đã lên chùa đăng ký làm lễ giải hạn. Hơn nữa cũng muốn lễ cầu an để việc học được thuận lợi, hanh thông.

Có hàng nghìn người xếp hang, chen lấn để làm lễ dâng sao tại chùa Phúc Khánh.

Thấy mẹ em bảo còn phải về quê để mời thầy về nhà để lễ nữa, thôi có thờ có thiêng có kiêng có lành". Dù thời tiết mưa lạnh nhưng chị Nguyễn Phương Xuân (Ba Đình, Hà Nội) vẫn cố đến chùa Phúc Khánh từ rất sớm. Ngay khi hết 3 ngày tết gia đình chị bao trùm một không khí khá căng thẳng, bởi mẹ chồng chị Xuân đi xem bói. Thầy phán nhà chị có 3 người đang có sao xấu chiếu mệnh. Ngay sau khi đi xem bói gia đình chị Xuân đã mời thầy về tận nhà để lễ tuy nhiên vẫn chưa yên tâm, sáng sớm ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, chị đã đến chùa để xin lễ dâng sao giải hạn.

"Thực sự gia đình tôi rất lo lắng, dù đã mời thầy đến tận nhà lễ lạt cho rồi nhưng chưa an tâm. Tôi đã chuẩn bị 3 bộ lễ cho 3 người có sao xấu và 1 lễ cầu an cho cả gia đình cũng phải tới chục triệu. Không biết sao xấu có hóa giải được không nhưng cả nhà cũng vơi bớt đi sự lo lắng" - chị Xuân chia sẻ. Việc cúng sao giải hạn không có trong giáo lý của nhà Phật, đó chỉ là một hành động tự phát và mang tính mê tín dị đoan.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ (chùa Quán Sứ) chia sẻ, trong sách của đạo Phật không nói đến việc cúng sao giải hạn. Đây chỉ là tập quán có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình. Tục lệ này trở thành "mốt" của nhiều người, nhiều gia đình có lẽ là do có nhiều thầy cúng hơn thầy tu, thầy chùa nhiều hơn chân tu. Theo các vị Hòa thượng thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà đem lại phúc hay họa cho người đó cả.

Đồng thời cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho các Phật tử. Bởi, phúc họa mà con người có được đều do nhân quả của chính người ấy mà có. Đức Phật có dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời rơi xuống hay dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành.

Nhà Phật có câu "muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại". Theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, việc cúng sao giải hạn, nếu mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu thì lại đi ngược với luật nhân quả.

Lễ vật để cúng sao giải hạn khá cầu kỳ.

Nếu vị thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân... tha tội, giải hạn xấu được thì người ta cứ tạo ác rồi sau đó xin thầy cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện. Thượng tọa cho biết thêm, theo kinh của nhà Phật thì ngày rằm tháng Giêng là ngày mà chư Phật ở trên cõi Cực Lạc xuống dưới trần gian này xem xét mọi việc để cân phúc cân tội cho con người.

Thế cho nên người xưa bảo rằng: "Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng" là như vậy. Điều này cũng không có nghĩa là làm việc tội lỗi cứ ngày này đến cầu xin tha tội là mọi tội ác được xóa bỏ mà chuyện xấu tốt của con người đều theo luật nhân quả.

GT. TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian cho rằng, mỗi năm người Việt có quan niệm gặp các sao tốt phải cúng đón, gặp sao xấu phải cũng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái. Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm, chưa có ai có thể khẳng định đó là nghiên cứu đúng đắn. Các cơ quan quản lý giải thích và tuyên truyền nhiều năm nay, nhưng phong trào dâng sao giải hạn vẫn không thay đổi.

Rất có thể sau công văn yêu cầu bỏ tục đốt vàng mã ở các nơi thợ tự của Phật giáo, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có công văn nhắc nhở, yêu cầu các sư trụ trì lấy giáo lý nhà Phật để răn dậy các tín đồ thực hiện nghi lễ sao cho vừa đủ, không lãng phí và đúng với giáo lý truyền thống. Bởi, giảm bớt hiện tượng bất thường này không thể bằng quy định của Nhà nước mà phải bằng tuyên truyền, định hướng để người dân tự giác thực hiện.

Phong Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tuc-dang-sao-giai-han-mat-tien-co-mua-duoc-su-an-tam-533308/