Tục cưới của người Mông

Ông Hờ A Di và Sộng Páo Nênh là người dân tộc Mông, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thuộc nhánh Mông đơ, còn gọi là Mông trắng, là hai trong số rất ít người còn lưu giữ được những tư liệu quý báu về tục cưới của dân tộc mình. Có rất nhiều những lời kể trong câu chuyện về đề tài này đáng được ghi chép lại.

Bà mẹ Mông ở Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: TTH

Xưa kia, người con trai thích người con gái mình yêu thường thì phải đến tận nhà con gái nói là: "Mong gia đình để con gái đến giữ nhà cho tôi". Ba hôm sau, nhà trai mổ gà xem xương cánh gà rồi cho hai ông mối đến hỏi. Ông mối trước khi đi đem theo một chiếc ô đen và buộc chiếc khăn ở giữa, đến nhà gái treo ở cửa nhà và hát bài mở cửa. Hát xong, gia đình nhà gái mở cửa. Hai ông mối vào nhà treo ô ở vách bàn thờ, lấy thuốc lào mời chủ nhà. Nếu gia đình nhà gái đồng ý thì để ghế đặt dọc nhà và lấy rượu ra rót hai chén mời ông mối. (Ngược lại, nếu nhà gái không đồng ý thì quay ghế đặt ngang nhà).

Sau khi đã thỏa thuận, được gia đình nhà gái đồng ý thì hai ông mối về báo lại với nhà chủ. Nhà chủ cho ông mối đem rượu thịt đến làm lễ hỏi chính thức, bàn việc cưới. Trong lễ này, đại diện cho nhà trai và nhà gái bỏ tiền ra bàn rồi chia làm 4 phần cho 4 người có mặt ở đó làm tin. Thường chủ nhà đưa ra 4 đồng thì ông mối đưa ra 8 đồng (bao giờ cũng phải gấp đôi). Người Mông có tục làm lễ "buộc dâu" bằng một sợi chỉ đỏ vào cổ tay cho cô dâu, tục này do nhà trai đem đến thật trọng thị, có mặt của nhiều người làm chứng trước khi tổ chức cưới.

Đám cưới được tổ chức vào ngày tốt rất long trọng. Nhà trai đưa đến nhà gái đầy đủ sính lễ (tiền và đồ thách cưới). Đoàn đón dâu thường đi lẻ 9, 11, 13, 15 người.... trong đó, có đôi vợ chồng, hai ông mối, những người khiêng đồ, kèm theo một hoặc hai phù rể.

Trước khi cô dâu về nhà chồng, những người đại diện gia đình nhà gái trao đổi ý kiến với nhau, bảo ban thêm về sự ăn ở, làm ăn cho con em mình trong tương lai. Việc dặn dò có sự chứng kiến của chức dịch, tức là người có chức vụ cao nhất địa phương đó. Về đến nhà trai vào cửa, bố chồng lấy gà làm lễ "nhập môn", có hai vợ chồng họ hàng từ trong nhà ra cửa đón cô dâu.

Khi bước vào cửa, cô dâu phải vượt qua ba cái ghế đặt ở giữa nhà, để đến chỗ nghỉ của mình. Đôi vợ chồng đón dâu phải trao lại cho nhà trai của hồi môn của cô dâu và nói lại ý kiến mà nhà gái đã căn dặn. Sau ba ngày, cô dâu cùng với chú rể làm lễ lại mặt, gặp mặt anh em họ hàng gần, rồi về ở hẳn nhà chồng.

Trước kia, của hồi môn của cô dâu thường là những vật định giá gả bán con gái. Thông thường người ta thách cưới từ 60 đến 120 đồng bạc trắng, 60 đến 120kg thịt lợn, 60 đến 120 cân rượu. Sau này, người ta lấy một nửa tiền giấy dùng để sắm sửa đồ dùng. Sự thành hôn của họ được quyết định bởi sự tương xứng khả năng kinh tế của hai gia đình, niềm tin về tương lai bảo đảm, do việc xem chân gà tốt, đi hỏi không gặp điềm xấu.

Tục cướp vợ trước kia khá phổ biến, có nhiều ở một số dân tộc thiểu số của nước ta, nhưng ở người Mông, tục này tồn tại lâu hơn. Thanh niên tổ chức đón đường kéo người con gái đó về nhà, dù người đó không bằng lòng. Sau khi "cướp" được hai hôm, nhà trai cử người báo cho nhà gái biết và tiến hành bàn việc cưới. Do đó, nhiều cô gái phải lấy người con trai mà mình không vừa ý, do người con gái đã qua lễ "nhập môn" thì phải lấy người con trai đã kéo mình.

Khi cướp, bố mẹ không được cứu, cho nên người ta thường nói: "Đẻ con gái chỉ thua người ta". Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bạn bè, của chị em người con gái có thể tìm cách chống lại, có một số trường hợp họ đã cứu được em gái mình, được mọi người xung quanh ủng hộ. Cũng có trường hợp, người con gái bị cướp về nhà người con trai, nhưng cương quyết không lấy người cướp mình về, bởi "không sợ ma". Ngày nay, nhờ đời sống văn hóa mới, tục cướp vợ này đã không còn tồn tại, có chăng còn rất ít ở một số vùng cao biên giới.

Ngày nay, trai gái được tự do yêu nhau, người con trai tổ chức kéo người con gái về. Trước khi kéo, nhà trai đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết cho đám cưới, việc xảy ra không chỉ do trai gái yêu nhau mà còn được cha mẹ biết đến và đồng ý. Gọi là kéo nhưng thực ra chỉ là dắt tay một quãng đường ngắn, rồi người con gái tự theo về, vì họ đã có dịp tìm hiểu nhau.

Vợ chồng người Mông rất gắn bó nhau khi đi chợ, đi làm nương, hay đi thăm họ hàng nội ngoại, họ luôn có nhau, chồng đi trước, vợ đi sau như hình với bóng. Nhiều trường hợp, cả hai cùng xuống chợ, chồng uống rượu say, vợ thường đợi khi nào chồng tỉnh rồi cùng về. Ngày nay, cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác, tục cưới hỏi của người Mông cũng dần thay đổi do nhiều thế hệ không truyền dạy thấu đáo.

Tuy nhiên, các vùng đồng bào Mông hiện nay, lễ cưới vẫn nặng nề về tiệc rượu chiêu đãi rất tốn kém và kéo dài nhiều ngày. Vì thế, cần loại bỏ những luật tục không còn phù hợp và cải tiến tục cưới hỏi, xây dựng đời sống văn hóa mới ở các vùng dân cư nhằm giữ lại nét văn hóa truyền thống của người Mông cũng là một việc cần làm ngay.

Bàn Minh Đoàn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuc-cuoi-cua-nguoi-mong/