Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia 2018: Ấn tượng Việt Nam ở tỉnh biên giới Battambang

VH- Ngày 14.9, Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia 2018 tiếp tục được tổ chức tại sân khấu chính trường Đại học Battambang, tỉnh Battambang- tỉnh lớn thứ 2 của Campuchia. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Sơn Thủy, Phó tỉnh trưởng Battambang Suar Araphat, hàng trăm người dân tỉnh này và đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống và làm việc, học tập tại đây đã tới tham dự chương trình.

Phải rất lâu mới có một chương trình nghệ thuật lớn như thế này của nước ngoài diễn ra tại Battambang. Và đây cũng là lần đầu tiên có chương trình cấp nhà nước của Việt Nam ở Battambang. Với diện tích lớn, Battambang là vựa lúa lớn nhất nước, nằm phía Tây Bắc của Campuchia. Tỉnh này cách thủ đô Phnom Penh 300km nhưng giao thông khá khó khăn, phải mất tới 7 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô từ Phnom Penh tới đây. Trước giờ biểu diễn hàng giờ đồng hồ, rất đông khán giả là đồng bào ta đang sinh sống ở Battambang đã tới khán phòng trường Đại học Battambang, háo hức chờ đón chương trình. Phó tỉnh trưởng tỉnh Battambang Suar Araphat cho biết: "Sau cuộc bầu cử toàn quốc hồi tháng 7, Chính phủ nhiệm kỳ mới của Campuchia mong muốn được mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một chương trình lớn như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia được tổ chức ở Battambang là rất hiếm. Vì thế, chúng tôi rất vinh dự chào đón đoàn nghệ thuật của Việt Nam tổ chức chương trình ở Battambang. Đây cũng là cơ hội để người dân Battambang thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao và chúng tôi mong muốn có thêm nhiều chương trình như thế này ở tỉnh chúng tôi".

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, Tổng Lãnh sự Nguyễn Sơn Thủy khẳng định: “Hai dân tộc Việt Nam và Campuchia trải qua nhiều chặng đường lịch sử và đã hình thành, xây đắp được mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Mối quan hệ truyền thống quý báu đó đã được lãnh đạo và nhân dân hai nước khẳng định là tài sản chung vô giá. Các hoạt động giao lưu, hợp tác, ngoại giao văn hóa như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia 2018 sẽ góp phần vun đắp mối quan hệ tốt đẹp ấy, tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước”.
Tỉnh Battambang là cái nôi ươm mầm nghệ thuật của Campuchia, vì thế, chương trình nghệ thuật của Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2018 đã thu hút rất đông các học sinh, sinh viên, đặc biệt là những sinh viên đang theo học các ngành văn hóa, nghệ thuật.

Chương trình được dàn dựng cực kỳ công phu dưới bàn tay tài hoa của biên đạo múa Nguyễn Hồng Phong của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Chứng kiến cảnh NSƯT Nguyễn Hồng Phương luyện tập trên sân khấu nhiều ngày để phục vụ cho chương trình Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2018 mới thấy ở anh luôn tràn đầy năng lượng, thứ năng lượng của sự chuyên nghiệp, đam mê và tận tâm với nghề. Để có 2 buổi diễn thành công tại Phnom Penh và Battambang, nghệ sỹ Hồng Phong vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất tận tình với các diễn viên là học trò hoặc là đồng nghiệp của anh trong nhiều năm trời. Và mới hiểu, để có được những tiết mục “đẹp mắt, đã tai”, các nghệ sỹ phải làm việc cật lực, vất vả như thế nào; phải học hỏi, sáng tạo ra sao cho các tác phẩm của mình.

Có lẽ thế nên chương trình Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2018 như một “bữa đại tiệc” về nghệ thuật mà mỗi tiết mục là một món ngon. Các tiết mục múa đương đại: Những cô gái quan họ, Hạt mầm, Trăng non, Tây nguyên do tập thể nam, nữ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn khiến khán phòng ngập tràn âm thanh và những giai điệu tuyệt đẹp của cơ thể, mang đến cho khán giả cảm giác bay bổng, ấm áp hơi thở cuộc sống, những day dứt của tình yêu hay phút thăng trầm của cuộc đời. Đặc biệt nhất là tiết mục múa ballet trên nền nhạc Valse N7 của nhà soạn nhạc thiên tài Frederic Chopin, biên đạo Fokin do NSƯT Quỳnh Nga, NSƯT Phan Lương Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn. Người xem như bị cuốn vào một không gian đẹp trong sáng qua những vũ điệu vô cùng uyển chuyển, có cảm giác như các nghệ sỹ như được chắp cánh, bay bổng theo điệu nhạc.
Những tiết mục độc tấu đàn bầu Cung đàn đất nước (nghệ sỹ Hương Giang), độc tấu sáo Xuân về bản Mèo (nghệ sỹ Minh An), độc tấu t’rưng Mùa hái quả (nghệ sỹ Ngọc Hà) và hòa tấu Chiếc khăn piêu (dàn nhạc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) lại là những thanh âm gợi nhớ quê hương khiến nhiều khán giả là đồng bào ta ở Battambang rơi lệ. Có những người Việt đã sinh sống ở tỉnh Battambang xa xôi này 3 đời nhưng chưa bao giờ hai tiếng Việt Nam thôi day dứt trong tim họ. Nhiều người, sau khi kết thúc chương trình vẫn nhìn chăm chú các nghệ sỹ như muốn tìm, muốn khắc lại những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam trong sâu thẳm lòng mình.

Chương trình nghệ thuật tại Battambang

Ý đồ và sự sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Hồng Phong còn thể hiện ở việc xây dựng một chương trình hài hòa, chuyển tiết mục hợp lý, vừa mang tính nghệ thuật cao nhưng cũng có tính giải trí mới lạ. Các màn biểu diễn cuốn hút của các nghệ sỹ Liên đoàn xiếc Việt Nam: Lắc vòng (nghệ sỹ Thanh Hòa), Cột xoay nghệ thuật (nghệ sỹ Phan Trang, Đức Thịnh), Tung hứng trên chân (nghệ sỹ Ngọc Anh) cống hiến cho khán giả những giây phút sôi động, hồi hộp. Khán giả liên tục đứng lên vỗ tay cổ vũ nghệ sỹ.
Phía bạn cũng tham gia một tiết mục múa mang đậm màu sắc Khmer và một tiết mục xiếc khiến chương trình thêm phong phú.
Chương trình kết thúc, nhiều khán giả vẫn lán lại khán phòng với niềm nuối tiếc và mong muốn chương trình kéo dài thêm. Các nghệ sỹ xúc động với những tình cảm nồng ấm của kiều bào ta cũng như người dân Battambang và hẹn ngày trở lại.

THÚY HÀ (từ Battambang, Campuchia)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/tu%E1%BA%A7n-v%C4%83n-h243a-vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BA%A1i-campuchia-2018-%E1%BA%A5n-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87t-nam-%E1%BB%9F-t%E1%BB%89nh-bi234n-gi%E1%BB%9Bi-battambang