Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến 25-3-2018

Quảng Ninh lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); An Giang xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; Trà Vinh thí điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy; Bến Tre xây dựng chương trình hành động cụ thể về đổi mới tổ chức, bộ máy; Gia Lai ban hành kế hoạch kiểm tra về cải cách hành chính;… là những tin nổi bật tuần qua.

Công bố chỉ số cải cách hành chính sở, ngành tỉnh Quảng Ninh năm 2017.

Lần đầu tiên Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI

Sáng 22-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Được thực hiện năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100. Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP. Hồ Chí Minh (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh…

Điều tra PCI năm 2017 cho thấy một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa rất thấp, chỉ ở mức 8%.

Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Điều tra năm 2017 cũng thể hiện, các doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn. Thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư đã cải thiện đáng kể. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp FDI như: bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã được giảm bớt so với những năm trước đó.

Tương tự, đối với các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp FDI cho biết việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây.

Các doanh nghiệp mong muốn, chính quyền các cấp tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới trong một số lĩnh vực như: thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy.

Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, nhất là nhân lực trình độ cao, nhóm lao động mà các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.

Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

An Giang là một trong những tỉnh đi tiên phong trong việc nhất thể hóa một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng, ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, qua đó đã góp phần xây dựng tổ chức bộ máy ngày càng đồng bộ, tinh gọn, ổn định và hoạt động có chất lượng, hiệu quả.

Tại An Giang, điểm nổi bật trong năm 2017 là việc triển khai thực hiện nhất thể hóa một số chức danh. Cụ thể, đối với khóm, ấp, An Giang đã thực hiện mô hình “Bí thư đồng thời là trưởng ấp, khóm” tại 886/888 đơn vị, còn 2 ấp thực hiện trong năm 2018. Đối với cấp xã, có 10/11 huyện, thị xã, thành phố với 74/156 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện mô hình “Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã”; đồng thời triển khai thực hiện mô hình “Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã” tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố ở 44/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, huyện Châu Phú có 13/13 xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình này.
Đối với cấp huyện, có 2 mô hình mới đang được triển khai, gồm mô hình “Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên”, “Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc” thực hiện ở thành phố Châu Đốc và huyện Châu Phú.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện một số mô hình thí điểm như: Hợp nhất văn phòng cấp ủy cấp huyện với Văn phòng HĐND - UBND cùng cấp, hình thành văn phòng chung khối cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở thành phố Long Xuyên; hợp nhất Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao cấp huyện ở 3/11 đơn vị (huyện Châu Phú, thành phố Long Xuyên và huyện Phú Tân); sáp nhập Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện ở 10/11 huyện, thành phố.

Về tinh giản biên chế: Đối với biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lộ trình thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021 (trong 4 năm) An Giang giảm 163 biên chế (tương đương 11%). Đối với biên chế hành chính, năm 2015, các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện được giao 2.878 biên chế và đến năm 2017 là 2.787 biên chế, giảm 91 biên chế, tương đương 3,16% so với năm 2015. Về biên chế sự nghiệp, năm 2013 là 39.427 biên chế; năm 2015 là 39.106 biên chế và hiện nay là 36.171 biên chế, giảm 3.256 chỉ tiêu so với năm 2013 và 2.935 chỉ tiêu so với năm 2015.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ, việc sắp xếp lại đã giảm bớt đầu mối, tinh gọn bộ máy. Việc nhất thể hóa các chức danh chủ chốt, giúp công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền đồng bộ hơn, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, phát huy tốt hơn năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiết kiệm ngân sách hàng năm. Tuy An Giang đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng để mô hình “nhất thể hóa” vận hành tốt, bên cạnh việc chọn được nhân sự “ưu tú” cũng cần có cả quy chuẩn và cơ chế, chính sách phù hợp đi kèm.

Thời gian tới, An Giang sẽ sớm hoàn chỉnh Đề án của Tỉnh ủy nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) với các biện pháp, bước đi, cách làm phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy tối đa sức sáng tạo, trí tuệ của cả hệ thống chính trị; bảo đảm tính sát thực, khả thi trong thực tế, hiệu quả trong quá trình vận hành; đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở những địa phương, đơn vị có điều kiện theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”.

Theo đó, ngay trong năm 2018, An Giang đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; tiếp tục nhân rộng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi đủ điều kiện. Đồng thời, tỉnh thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, UBND ở những nơi thực hiện mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời chủ tịch UBND cấp huyện; thành lập Văn phòng cấp ủy chung ở cấp tỉnh, cấp huyện...

Tỉnh cũng xin chủ trương của Trung ương cho thực hiện thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước, cơ quan Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện như: Tổ chức - nội vụ; kiểm tra - thanh tra; tuyên giáo - thông tin truyền thông...; nghiên cứu sáp nhập Đảng ủy Khối Dân chính Đảng và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cấp tỉnh; nhất thể hóa một số chức danh: Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc...

Bến Tre: Xây dựng chương trình hành động cụ thể về đổi mới tổ chức, bộ máy

Ngày 20-3, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của trung ương. Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, tháng 01-2018, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và xác định các nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức thực hiện trên địa bàn với tinh thần nghiêm túc, thể hiện quyết tâm cao trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung sắp xếp thu gọn đầu mối trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị; sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp thu gọn đơn vị hành chính cấp xã, ấp/khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh... Đồng thời, gắn với rà soát, xác định rõ chức năng nhiệm vụ từng cơ quan và tinh giản biên chế, giảm chức danh lãnh đạo, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi hành chính.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh tập trung sắp xếp theo hướng giải thể các đơn vị yếu kém, không cần thiết; sáp nhập các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi các đơn vị có điều kiện thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính hoặc thành các công ty cổ phần..., nhằm thực hiện mục tiêu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế theo quy định, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong khu vực này.

Tại hội nghị, đề cập đến một số công việc tập trung thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng để tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình trên, từng cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải chủ động, quyết liệt chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, nhất là xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện ở cấp huyện và cấp cơ sở. Ngành chức năng tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục, tạo sự thống nhất cao trong nội bộ và toàn xã hội, nhất là các chức danh, đơn vị trực tiếp liên quan đến việc sắp xếp tổ chức lại. Đồng thời, triển khai thực hiện gắn với các mô hình kiêm nhiệm theo Nghị quyết 02-NQ của Tỉnh ủy một cách có hiệu quả và tạo chuyển biến rõ nét, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Cùng với đó, các huyện ủy, thành ủy điều chỉnh, bổ sung kế hoạch của cấp ủy thực hiện chương trình hành động trên cơ sở dự thảo kế hoạch của UBND cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết liên quan của Chính phủ, chủ động triển khai thực hiện các mô hình, không trông chờ hướng dẫn của cấp trên, nhất là những công việc đã có chủ trương, đã rõ và đủ điều kiện.

Trà Vinh: Thí điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Tỉnh Trà Vinh đang triển khai lấy ý kiến thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đóng góp vào dự thảo Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết, tỉnh phấn đấu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đúng theo chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm thực hiện đạt những chỉ tiêu Trung ương đề ra. Bước đầu, tỉnh sẽ chọn 1-2 đơn vị và địa phương thực hiện thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện và UBND cấp xã. Ngoài ra, tỉnh cũng thí điểm nhất thể hóa Trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; Văn phòng phục vụ chung cho cấp ủy và HĐND, UBND cấp huyện; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phục vụ chung các tổ chức chính trị - xã hội…

Bí thư Tỉnh ủy Trần Trí Dũng cho biết thêm, tỉnh sẽ chỉ đạo sâu sát, phát huy tối đa vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các đầu mối bên trong của từng sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố theo hướng giảm đầu mối. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xem xét, đánh giá công tâm, khách quan năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức lao động nhằm đảm bảo khi thực hiện Đề án, bộ máy vừa tinh gọn vừa làm việc chất lượng, hiệu quả hơn.

Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất.

Gia Lai: Ban hành kế hoạch kiểm tra về cải cách hành chính

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Quyết định số 358/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2018.

Theo đó, thời gian thực hiện tháng 4 và 5-2018. Hình thức kiểm tra theo kế hoạch gồm kiểm tra trực tiếp (tại 14 đơn vị sở, ngành và UBND cấp huyện) và kiểm tra thông qua báo cáo kết quả tự kiểm tra (tại 10 sở, ngành và UBND cấp huyện) của các đơn vị, địa phương (có thông báo đề cương báo cáo và thời gian, đối tượng kiểm tra). Đồng thời kiểm tra đột xuất (không thông báo trước thời gian và đối tượng kiểm tra).

Kiểm tra đột xuất gồm kiểm tra việc công khai, niêm yết thủ tục hành chính; việc giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định. Kết quả khắc phục những tồn tại, thiếu sót liên quan đến công tác cải cách hành chính sau kiểm tra; kết quả thực hiện kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về kết quả giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị, địa phương (nếu có).

Kiểm tra theo kế hoạch gồm công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu sở, ngành địa phương trong công tác này. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị, địa phương. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính công tác giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (kể cả việc xin lỗi cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn). Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế và thực hiện phân cấp quản lý nhà nước của đơn vị địa phương. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị, địa phương. Công tác cải cách tài chính công. Ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Về tổ chức thực hiện, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra. Đồng thời chủ trì và tổ chức triển khai cụ thể các nội dung liên quan thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2018./.

Hồng Ngọc

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/50038/tuan-tin-cai-cach-hanh-chinh-tu-ngay-19-den-2532018.aspx