Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-3-2018

Triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; Quảng Ninh hợp nhất các cơ quan khối Đảng với chính quyền có cùng chuyên môn; Cà Mau: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị; Công tác cải cách hành chính đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; Cách chức Giám đốc Kho bạc TP. Nam Định vì đi lễ trong giờ hành chính,… là những tin nổi bật tuần qua.

Ảnh minh họa.

Triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này năm 2018.

Theo đó, năm 2018, các bộ, ngành và cơ quan liên quan sẽ thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư của các Bộ, ngành và các hoạt động khác.

Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong năm 2018, Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức các lớp đào tạo báo cáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ thu thập thông tin dân cư tại địa phương. Bộ Công an chủ trì tổ chức triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an, Bộ Tư pháp chủ trì triển khai mở rộng cấp số định danh cá nhân.

Quý I-2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quý II và III-2018, các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhu cầu kết nối thông tin giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cũng theo kế hoạch, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì hoàn thiện xây dựng Nghị quyết về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước trình Chính phủ trong quý II-2018. Các bộ, ngành ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành.

Quảng Ninh hợp nhất các cơ quan khối Đảng với chính quyền có cùng chuyên môn

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Ngọc Giao cho biết: Đến ngày 16-3, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn của khối Đảng và chính quyền có cùng chức năng.

9 huyện, thị, thành phố hợp nhất Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện (thị xã, thành phố) gồm: Thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, huyện Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên và Cô Tô.

7 địa phương hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy (thị ủy, thành ủy) với Phòng Nội vụ gồm: Thành phố Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên.

Việc hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy (thành ủy, thị ủy) với Thanh tra cùng cấp thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra cấp huyện có tư cách pháp nhân và sử dụng hai con dấu của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy (thành ủy, thị ủy) và Thanh tra huyện (thành phố, thị xã) để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy (thành ủy, thị ủy) với Phòng Nội vụ cấp huyện và tương đương có tư cách pháp nhân và sử dụng hai con dấu của Ban Tổ chức Huyện ủy (thị ủy, thành ủy) và Phòng Nội vụ cùng cấp để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Về tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan, trước mắt sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động hiện có. Trong quá trình triển khai, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức.

Đến nay, Quảng Ninh có 4 địa phương gồm Uông Bí, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Móng Cái đã hoàn thành việc chuyển chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cùng cấp, chức năng quản lý tài chính, tài sản về Văn phòng cấp ủy tương đương. Dự kiến, đến hết năm 2018, việc chuyển đổi này sẽ hoàn thành ở 14/14 địa phương trong tỉnh.

Cà Mau: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị

Năm 2018, tỉnh Cà Mau tập trung đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng thông tin nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành bộ máy hành chính nhà nước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính công, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh chú trọng việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin một cách khoa học, toàn diện ở các các cơ quan, đơn vị hành chính công theo định hướng kiến trúc chính quyền điện tử đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cà Mau đang tiếp tục hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu hiện có; đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu thứ 2 để sử dụng phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại, khắc phục sự cố, tránh gián đoạn hoạt động các hệ thống thông tin thuộc hệ thống chính quyền điện tử tỉnh khi có sự cố dữ liệu xảy ra.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin tại Trung tâm lưu trữ dữ liệu tỉnh và hệ thống các mạng LAN ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình một cửa hiện đại cấp huyện, đầu tư trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thành bộ phận một cửa hiện đại và từng bước đầu tư trang thiết bị cần thiết cho một cửa cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, trang bị, thuê các dịch vụ công nghệ thông tin cần thiết để đảm bảo vận hành liên tục, an toàn, ổn định của hệ thống.

Năm 2017, Cà Mau đã đầu tư gần 30 tỷ đồng thực hiện 31/35 nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Trung tâm dữ liệu tỉnh được nâng cấp lên 142.8 TB lưu trữ, phần mềm VIC đã được triển khai mở rộng, tổng số hiện có 440 đơn vị và hơn 7.000 người sử dụng.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trao đổi văn bản điện tử qua phầm mềm VIC. Các cơ quan Đảng, đoàn thể và hội đặc thù cấp tỉnh và huyện đều ứng dụng công nghệ thông tin. Tổng số văn bản trao đổi trên môi trường mạng năm 2017 đạt gần 1,2 triệu văn bản, ước tính tiết kiệm cho ngân sách gần 7 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh: Công tác cải cách hành chính đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 15-3, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tiếp tục Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) với phiên thảo luận chuyên đề và thông qua Nghị quyết về công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức dịch vụ hành chính công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội vê thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2017 được đánh giá có nhiều đổi mới và nâng cao về chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cải tiến lề lối, đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, công dân và doanh nghiệp; kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò điều hành, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, dịa phương.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những nỗ lực phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành trung ương, kiến nghị cơ quan thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển thành phố, thực hiện nề nếp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân... Thành phố cũng đã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thái độ tiếp xúc, trách nhiệm của cán bộ, công chức, khắc phụ tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, thái độ thờ ơ, “vô cảm”; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện xử lý nghiêm minh và kịp thời những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức thực thi công vụ... Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiệu chất lượng môi trường đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy thành phố phát triển ổn định.

Tổng kết chương trình cải cách hành chính của UBND Thành phố cho thấy số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử còn ít (liên thông chỉ mới thực hiện tốt trong phạm vi nội bộ); việc công khai thủ tục hành chính có nơi còn hình thức, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, một số chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước chồng chéo, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn...

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Thành phố cần quan tâm đến tính công khai minh bạch đơn giản hóa trong thủ tục hành chính; tăng cường tuyển chọn đội ngũ cán bộ công chức có kinh nghiệm, làm tốt công tác dân vận để thực hiện công vụ. Việc thu tiền phục vụ của cán bộ công chức phải thể hiện tính hiện đại, minh bạch, phù hợp; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị đồng bộ, tạo sự kết nối liên thông giữa các đơn vị thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính phục vụ tốt cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Đồng tình với các ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, việc khảo sát sự hài lòng của người dân để thấy những điểm sai để sửa. Lãnh đạo Thành phố cũng chưa bao giờ hài lòng với kết quả nổ lực của chính quyền thành phố trong trong thực hiện công tác cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh là xây dựng chính quyền điện tử, gắn với phát triển đô thị thông minh nên trong quá trình cải cách hành chính phải hướng đến đảm bảo minh bạch, công khai thông qua dịch vụ công trực tuyến cũng như kết nối liên thông giữa các sở ngành và chính quyền địa phương.

Làm được điều này sẽ hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiết kiệm thời gian, công sức người dân và tình trạn ùn tắt giao thông khi nhiều người dân cùng đi giao dịch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng mong người dân cần nắm bắt sử dụng công nghệ; các sở ngành cùng chính quyền địa phương ứng dụng công nghệ thông tin phải nhanh, dễ sử dụng; thường xuyên rà soát và đề xuất chỉnh, sữa nếu thấy thủ tục không phù hợp… Qua đó, tạo sự thuận lợi tốt nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền thành phố hướng tới chuyên nghiệp, minh bạch, nâng cao năng suất lao động, phục vụ nhân dân.

Tại phiên thảo luận thông qua Nghị quyết, các đại biểu cũng nhất trí mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực đều đạt trên 90%, có 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; tỉ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt hơn 50%; tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt trên 10%; tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trong lĩnh giáo dục, y tế đạt trên mức 80%...

Cách chức Giám đốc Kho bạc TP. Nam Định

Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. Nam Định đã bị cách chức, điều chuyển công tác về làm Phó Chánh văn phòng. Ngoài ra, các cán bộ dưới quyền của ông cũng nhận kỷ luật.

Tối 18-3, thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định cho biết, đơn vị này đã ra quyết định xử lý đối với cá nhân liên quan việc Giám đốc Kho bạc Nhà nước chi nhánh TP. Nam Định cùng một số cán bộ đi lễ hội đền Trần trong giờ hành chính.

Theo đó, ông Nguyễn Tài Tâm - Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Nam định bị cách chức, điều chuyển công tác về làm Phó Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định.

Còn 2 Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. Nam Định là ông Lê Hữu Vũ, Hoàng Duy Lực và kế toán trưởng là bà Đỗ Thị Thu Hương cùng 8 cán bộ, chuyên viên khác nhận hình thức kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo nhưng được giữ nguyên vị trí công tác.

Trước đó, ngày 08-3, Thành ủy Nam Định đã công bố quyết định xử lý về Đảng đối với 10 đảng viên trong số 12 cán bộ kể trên. Cụ thể, Thành ủy Nam Định quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Kho bạc Nhà nước đối với ông Nguyễn Tài Tâm, cảnh cáo đối 2 Phó Giám đốc Lê Hữu Vũ, Hoàng Duy Lực, khiển trách đối với các đảng viên còn lại.

Khánh Hòa: Tập trung đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến trong hoạt động chuyên môn

Sở Tư pháp Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2018 gồm 8 nội dung với 35 nhiệm vụ cụ thể.

Trọng tâm của Kế hoạch là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến để hiện đại hóa quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân; nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của đơn vị.

Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng tham mưu công tác cải cách thể chế, tập trung góp ý, thẩm định các quy định, chính sách về đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Sở Tư pháp phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành trong năm được cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.

Đồng thời, sở triển khai toàn diện, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với đẩy mạnh tin học hóa, trực tuyến hóa giao dịch thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Theo kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh, Sở Tư pháp xếp hạng tốt với chỉ số 85,93%. Chỉ số hài lòng của Sở Tư pháp đạt 80,12%. Hầu hết chỉ số thành phần của Sở đều tăng so với năm 2016./.

Hồng Ngọc tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/49916/tuan-tin-cai-cach-hanh-chinh-tu-ngay-12-den-ngay-1832018.aspx