Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-12-2018

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cán bộ, công chức phải là 'công bộc' của dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu; Bộ Nội vụ đề nghị không thực hiện bổ nhiệm mới chức danh 'hàm'; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của trường chính trị; Trà Vinh đẩy mạnh cải cách hành chính; Cải cách hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu ở Hà Nam; Hưng Yên tinh giản hơn 1.200 biên chế; là những tin nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gặp mặt, động viên và trao giải thưởng cho 36 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2018.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cán bộ, công chức phải là “công bộc” của dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu

Chiều 14-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gặp mặt, động viên và trao giải thưởng cho 36 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2018. Phó Thủ tướng khẳng định đây là những tấm gương điển hình tiên tiến rõ nét cho tinh thần chủ động, xung kích, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, tích cực trong tham mưu, đề xuất ý tưởng sáng kiến, xây dựng tác phong, lề lối công tác, đạo đức công vụ cho đến các hoạt động tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, nền hành chính được xây dựng trên bốn trụ cột đó là: Thể chế hành chính, tổ chức bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương, nhân sự hành chính và tài chính công; trong đó, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Để có một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ; tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế; đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo tiêu chí cụ thể, liên tục, đa chiều, khách quan; có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để lựa chọn được những người năng lực tốt, chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức trong bộ máy. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và khả năng cống hiến; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phòng chống quan liêu, tham nhũng.

Bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân; bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là lần thứ 5 Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc được tổ chức, tuyên dương 36 gương mặt tiêu biểu được bình xét từ 161 hồ sơ do 53 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đề cử.

Bộ Nội vụ đề nghị không thực hiện bổ nhiệm mới chức danh “hàm”

Để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm”, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về việc bổ nhiệm chức danh “hàm” trong cơ quan hành chính. Tuy nhiên, tại một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh “hàm”.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2018), đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về giải quyết và xử lý việc bổ nhiệm chức danh “hàm” ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 87 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII, năm 2015, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tháng 10-2015, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu hình thức ban hành văn bản về “hàm” là quyết định hay nghị định. Bởi, Luật Cán bộ, công chức không có quy định về “hàm”, do đó, nếu ban hành quyết định hay nghị định thì đây là nghị định không có “đầu”, tức là luật không quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Nội vụ thông báo không thực hiện bổ nhiệm chức danh “hàm” nữa.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của trường chính trị

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.

Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường chính trị cấp tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Trường chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở,cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Quy định này lần đầu tiên xác định trường chính trị còn có chức năng mới là “tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”.

Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm sớm chỉ đạo triển khai Quy định 09-QĐi/TW; sớm xây dựng đề án tổng thể phát triển trường chính trị cấp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, toàn diện để trường chính trị cấp tỉnh thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng đã được Ban Bí thư xác định.

Liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và định hướng thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức lãnh đạo, chỉ đạo sao cho có hiệu quả đối với các mặt hoạt động của trường chính trị, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trường, cấp khoa, phòng của nhà trường. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; trong đó chú trọng các chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, liên kết mở các lớp cao cấp lý luận chính trị và sau đại học để tạo bước đột phá mới về chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. Đặc biệt, trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng.

Trà Vinh đẩy mạnh cải cách hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, năm 2018, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các thủ tục hành chính đều thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và niêm yết công khai. Toàn tỉnh có gần 1.900 thủ tục hành chính; trong đó, hơn 1.600 thủ tục hành chính đã được cắt giảm 1/2 thời gian giải quyết và 68 thủ tục hành chính được cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết. Trong năm, tỉnh đã có gần 1.300 thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trà Vinh cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh từ tháng 4-2018, bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm hiện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tập trung đối với 110 lĩnh vực với hơn 1.300 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 14 sở, ban, ngành trong tỉnh.

Năm 2019, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính. Cụ thể, để cải cách thể chế, tỉnh nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới phục vụ cho yêu cầu quản lý.

Đối với cải cách thủ tục hành chính, Trà Vinh đẩy mạnh công tác rà soát, cập nhật các quy định về thủ tục, kịp thời bãi bỏ, công bố mới thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Tỉnh cũng tập trung các biện pháp rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, đảm bảo tỉnh thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật, theo dõi quy trình thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Với cải cách tổ chức bộ máy, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập… Tỉnh tiếp tục rà soát việc quản lý, sử dụng biên chế hành chính sự nghiệp của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế… hiệu quả đúng quy định và lộ trình.

Tỉnh cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí… tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…

Hà Nam: Cải cách hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu

Ngày 13-12, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu các sở, ngành chức năng tham mưu giúp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh cụ thể hóa chương trình, nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính năm 2019, đảm bảo bám sát mục tiêu Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, tỉnh chú trọng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế “một cửa” cấp xã, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; rà soát hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục triệt để, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính. Đồng thời, các đơn vị chức năng đẩy mạnh truyền thông về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành chính, qua đó định hướng cho doanh nghiệp, người dân sử dụng nhiều hơn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành để triển khai liên thông 4 cấp, đảm bảo theo dõi luồng xử lý văn bản, tăng cường tích hợp ứng dụng chữ ký số trên phần mềm; xây dựng phong cách làm việc mới, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, ưu việt.

Năm 2018, công tác cải cách hành chính của tỉnh Hà Nam đã được triển khai đồng bộ, đảm bảo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính được nâng lên, đáp ứng được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trong năm, Hà Nam đã rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật đối với 538 thủ tục/634 thủ tục ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, đạt 84,9%. Thời gian cắt giảm là 4.587/9.756 ngày, tổng số thời gian đã rút ngắn là 5.169 ngày, tương đương 53%. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh cho thấy, chỉ số hài lòng chung của người dân, tổ chức đạt gần 90%.

Năm 2019, Hà Nam phấn đấu nâng cao cất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử; giảm tối thiểu 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; 100% thủ tục được giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã… Đồng thời, tỉnh kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.

Hưng Yên tinh giản hơn 1.200 biên chế

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến tháng 12-2018 tỉnh Hưng Yên đã tinh giản được hơn 1.200 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó các tổ chức hành chính nhà nước trong tỉnh đã tinh giản gần 100 người; các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội có tính chất đặc thù tinh giản được hơn 1.100 người.

Dự kiến từ nay đến năm 2021, toàn tỉnh thực hiện tinh giản hơn 2.800 người. Trong đó cán bộ công chức cấp tỉnh và huyện cắt giảm hơn 200 người; viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập cắt giảm hơn 2.200 người; cán bộ, công chức cấp xã tinh giản hơn 300 người. Mục tiêu này nhằm đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế toàn tỉnh theo lộ trình giảm dần đến năm 2021 đạt tối thiểu 10% biên chế được giao.

Bên cạnh việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014, Hưng Yên cũng đang thực hiện chính sách thôi việc theo nguyện vọng đối với công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ/CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Về mức hỗ trợ, đối tượng thôi việc theo nguyện vọng quy định tại Nghị quyết 39, cùng với được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật, còn được tỉnh hỗ trợ 1 lần với mức 500.000 đồng/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội (kể cả thời gian làm việc ngoài tỉnh hoặc ở ngoài ngành, lĩnh vực khác, trước thời gian làm việc hiện tại ở tỉnh Hưng Yên), mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/người.

Cùng với tinh giản biên chế, tỉnh Hưng Yên cũng đang thực hiện việc đổi mới sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước theo xu hướng gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động. Đến nay đã có 16 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các sở, chi cục, trung tâm trực thuộc sở; giảm 9 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong tháng 12-2018, Hưng Yên tiếp tục sắp xếp giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập./.

Hồng Ngọc tổng hợp

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/53503/tuan-tin-cai-cach-hanh-chinh-tu-ngay-10-den-ngay-16122018.aspx