Tuân thủ pháp luật và biết lắng nghe, chia sẻ

Trong hơn 10 năm tác nghiệp đòi nợ và quản lý điều hành đòi nợ cho các công ty đòi nợ, các tổ chức tín dụng lớn như Techcombank, ANZ Bank, Shinhan Bank… và nhiều tổ chức, cá nhân khác, tôi thấy để đòi nợ đúng pháp luật và đạt hiệu quả cần phải lưu ý thực hiện các nội dung sau:

1. Xem xét quyền, tư cách đòi nợ để chắc chắn rằng bên cho vay đã có toàn quyền yêu cầu bên vay trả nợ.

2. Thực hiện các thủ tục để ủy quyền đại diện đòi nợ từ bên cho vay sang bên thay mặt thực hiện đòi nợ.

LS Nguyễn Ngọc Anh.

LS Nguyễn Ngọc Anh.

3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về thông báo việc đòi nợ, về thời gian, địa điểm đòi nợ cho bên vay và công an địa phương nơi bên vay cư trú cũng như việc liên hệ đòi nợ phải được thực hiện vào những khoảng thời gian phù hợp theo quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

4. Tìm kiếm, xác minh về nơi cư trú, điều kiện kinh tế, hoạt động kinh doanh, tính cách, gia cảnh và các mối quan hệ của bên vay để có thông tin phục vụ cho việc đàm phán trả nợ “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.

5. Vận dụng các kỹ năng như kỹ năng đàm phán, thương lượng, các nghiệp vụ chuyên môn như pháp luật, kinh tế-xã hội để cảnh báo nhằm tạo áp lực cho bên vay thấy được nghĩa vụ phải trả nợ là cần thiết và khôn ngoan nhằm tránh được những rủi ro pháp lý nếu việc đòi nợ được chuyển đến cơ quan pháp luật giải quyết.

6. Cảnh báo về những hệ lụy nếu việc trả nợ không được thực hiện kịp thời như ảnh hưởng xấu về lịch sử tín dụng, ảnh hưởng về tinh thần, tình cảm và các mối quan hệ gia đình, làm ăn, xã hội và đoàn thể.

7. Để đạt được hiệu quả khi áp dụng kỹ năng đòi nợ bằng phương pháp thương lượng, cảnh báo những rủi ro pháp lý… thì tác phong của người trực tiếp đòi nợ cũng rất quan trọng. Cụ thể về hình thức như ăn mặc phải gọn gàng, ăn nói chuẩn mực, chuyên nghiệp và biết lắng nghe để chia sẻ những khó khăn cho bên vay cũng không kém phần quan trọng.

8. Tự mình quyết định hoặc trao đổi với bên cho vay về việc miễn, giảm nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, nhận tài sản khác cấn trừ nợ để giúp bên vay có điều kiện thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

9. Trường hợp không tìm thấy thiện chí trả nợ của bên vay sau khi đã áp dụng hết các biện pháp nêu trên thì tự mình hoặc tư vấn bên cho vay củng cố hồ sơ để khởi kiện hoặc tố cáo để cơ quan có thẩm quyền buộc bên vay trả nợ.

Tóm lại, nợ là phải trả nhưng tiền đang trong túi bên nợ hoặc đang ở một nơi khác nên không cần đao to búa lớn mà phải biết nói sao cho hợp tình, hợp lý để con nợ trả tiền càng sớm càng tốt. Theo tôi, nghệ thuật đòi nợ là: Phải có nghiệp vụ để nhìn (xác minh, truy dấu, nắm bắt thông tin con nợ); phải có kế hoạch để hành động; tác nghiệp phải đúng luật; biết lắng nghe và chia sẻ; đặt quyền lợi hợp pháp của chủ nợ lên hàng đầu.

LS NGUYỄN NGỌC ANH, Đoàn LS TP.HCM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/tuan-thu-phap-luat-va-biet-lang-nghe-chia-se-796745.html