Tuấn Then lừ lừ, nổ chậm

Những ngón tay trỏ khủng quyền uy, đám mây bạch tuộc quái đản, cây nấm hoàng đế phình to, bức tường bê tông bị vén lên…tác phẩm của nghệ sĩ thị giác Tuấn Trần luôn xoay quanh câu chuyện môi trường. Cho dù thời hạn trưng bày ngắn ngủi, tạo hình mỗi tác phẩm của Tuấn vẫn như một điểm nhấn lừ lừ 'nổ chậm' trong nhận thức của cư dân thành thị ô nhiễm.

Trần Tuấn thực hiện tác phẩm “Ngón trỏ” tại Thụy Điển (2015)

Trần Tuấn thực hiện tác phẩm “Ngón trỏ” tại Thụy Điển (2015)

Tương lai của mây và nấm

Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2006 khoa Sơn mài truyền thống, Trần Tuấn cùng người bạn mở Then Studio với nhiều hoạt động hiệu quả về ứng dụng sơn mài vào thiết kế thời trang và trang sức. Từ năm 2010, Tuấn bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật đương đại và thành lập Then Café, nghệ danh Tuấn Then cũng từ giai đoạn này. Hai năm gần đây Tuấn mở Làng Art Dom (với Dash Project, lưu trú sáng tác cho các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam). So với lứa nghệ sĩ thị giác 8X, Trần Tuấn khá mát tay trong việc đưa tác phẩm ra công cộng và đi triển lãm quốc tế. Các tác phẩm điêu khắc ngoài trời, kích thước lớn, hình thù kỳ quái, tưởng chừng khó lọt qua kiểm duyệt lại xuất hiện được ở Huế chứ không phải nơi mật độ dày nghệ sĩ lớn như Hà Nội hay TPHCM.

Vào đầu tháng 3/2012, người dân quanh khu vực hồ Tịnh Tâm (Huế) bất ngờ và tò mò trước một “con bạch tuộc” màu bạc khổng lồ nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Khối điêu khắc kích thước 15mx6mx4m có hình dạng như một đám mây đang dần chuyển sang hình một quái vật vươn ra tua tủa những xúc tu.

Nước hồ trước đó bị ô nhiễm đến mức tận diệt loài sen trắng quí hiếm. Tác phẩm đám mây hình vòi bạch tuộc làm từ vật liệu tái chế vỏ lon bia lật ngược màu ánh bạc đem lại thông điệp mạnh về môi trường. Tác phẩm “Mây biến thể” chỉ nằm trên mặt hồ trong 2 tuần sau đó chuyển vào không gian của Đại học Nghệ thuật Huế tuy nhiên cũng đã mang lại hiệu ứng tích cực. Chính quyền địa phương đã cho nạo vét làm sạch hồ. “Hồ Tịnh Tâm hiện tại có bớt ô nhiễm một chút, do chính quyền và người dân đã ý thức hơn trong việc xả thải cũng như bảo vệ cảnh quan. Vẫn còn vài ống xả thải đi thẳng vào hồ nhưng không đáng kể”, Trần Tuấn cho biết.

Một năm sau, tác phẩm “Nấm Hoàng đế” cao 15 mét nở phồng như khói bom nguyên tử bất ngờ hiện trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (Huế). Thời điểm đó nấm Hoàng đế cỡ đại đang sốt vì độ ngon và giá trị xuất khẩu. Cây nấm “biến đổi gien” làm từ vỏ lon bia của nghệ sĩ cố đô một lần nữa đưa thông điệp về biến đổi khí hậu.

Tuấn kể chuyện xin phép triển lãm ở nơi công cộng rất phức tạp và rối rắm, nhiều nghệ sĩ té ngửa vì Sở Văn hóa trả lại hồ sơ rồi bảo rằng mấy thứ này không phải nghệ thuật, không đẹp hoặc là không phù hợp để trưng bày rồi không cấp phép. Lúc đầu Tuấn không thể giải thích một cách rõ ràng cho đơn vị cấp phép hiểu được ý đồ nghệ thuật của “Mây biến thế” và “Nấm Hoàng đế” là phản ánh một thế giới tương lai kỳ dị, phi sinh học và biến đổi vật chất địa chất (thời kỳ Hậu Anthropocene). “Sau 6 tháng đối thoại, cuối cùng Sở cho phép tôi được trưng bày “Nấm Hoàng đế” 1 tuần trong khi làm tác phẩm mất một năm”. Dân thị giác các thành phố lớn khá nể Tuấn Then sau mấy vụ xin cấp phép này.

Phía sau ngón trỏ quyền lực

Loạt tác phẩm“Forefinger” (Ngón trỏ) từng là tấm visa đưa Trần Tuấn đến triển lãm nghệ thuật tại nhiều nước ở Đông Nam Á và châu Âu. Khởi đầu là những ngón tay vàng được làm bằng kỹ thuật đổ khuôn nhôm, bề mặt dát vàng 14 cara, vàng nguyên chất. Ngón tay vàng biến thành cán cầm của thìa, dao, nĩa, kìm… vừa có công năng sử dụng vừa làm đồ trang trí. Loạt “Ngón trỏ sofa” cỡ khủng với nhiều phiên bản đã lọt mắt xanh các giám tuyển Tây có mặt tại Singapore Bienale 2013 và triển lãm nghệ thuật tại Thụy Điển 2015.

Với kích thước 300cm x 160cm x 70cm, nặng 50 kg, chất liệu: khung sắt, nệm mút, vải bố, đồng, da bò, sừng, ốc gạo... Chùm tác phẩm “Ngón tay sofa” có thể xem là một trong những tác phẩm cồng kềnh nhất đi ra nước ngoài triển lãm tại thời điểm trưng bày tại Singapore Bienale 2013, chi phí vận chuyển 4 ngón tay kích thước lớn cũng rất cao.

“Tại sao lại là ngón trỏ?” Cả một lịch sử riêng biệt của gia đình đằng sau ý tưởng tạo hình ngón trỏ đã được Tuấn bật mí với Tiền Phong. Ông nội Tuấn là Y sỹ Quân đội Mỹ, ông nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam là rất đau lòng. Hằng ngày, ông phải chứng kiến và cứu chữa cho thương binh người Việt từ chiến trường gửi về. Rất nhiều trong số họ yêu cầu ông tiêm một loại thuốc nào đấy để được chết, để không phải chịu đau đớn thêm nữa. “Ông nội đã giúp nhiều người là hàng xóm, bạn bè, người thân tự hủy hoại một phần hay một bộ phận cơ thể, tự làm thương tật mình để không phải ra chiến trường, trong đó có bố và những người chú của tôi. Mục đích của hành động này đến chủ yếu từ nỗi sợ hãi, sau này khi xây dựng ý tưởng cho tác phẩm, tôi lựa chọn hình ảnh ngón tay trỏ để phát triển. Là ngón tay bóp cò súng. Là ngón tay quyền lực khi ta chỉ vào một ai đó để ra lệnh. Nhưng nó cũng là ngón tay mang những dấu hiệu nói rằng mỗi chúng ta là một người khác biệt và duy nhất”.

Sắp đặt “Mây biến thể” trên hồ Tịnh Tâm, Huế (2012) - Ảnh: NVCC

Kẻ mộng mơ

Một số tác phẩm sắp đặt của Tuấn được mời tham dự triển lãm tại nước ngoài. Hai tác phẩm mây và nấm được quỹ Đan Mạch tài trợ cho phần kinh phí sản xuất, trong đó có nguyên liệu và công thợ thi công, nghệ sĩ phải tự chi trả cho các khoản tiền còn lại của dự án. Dự án lưu trú sáng tác tại Làng Art Dom cũng từng xin được một phần nhỏ từ quĩ nước ngoài. Tuấn được mời trợ giảng môn “Nghệ thuật đa ngành” tại Đại học Nghệ thuật Chiềng Mai (Thái Lan)…

Đầu năm 2020 này, nhận lời mời của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, Trần Tuấn ra Hà Nội làm tác phẩm góp mặt dự án “Con đường nghệ thuật Phúc Tân”. Trời mưa rét, kỳ cạch đẽo gọt bê tông, sau một tháng tác phẩm bức tường gấp nếp được vén lên bằng một cái cái kẹp đã hiện lên đầy mơ mộng. “Tôi muốn giảm năng lượng tiêu cực từ khu bãi rác cũ đang tác động đến cộng đồng dân cư”. Biết là không có thù lao, kẻ mộng mơ vẫn sáng tạo đầy hào hứng.

Thế giới ngày nay trông có vẻ liên kết với nhau chặt chẽ bằng khái niệm toàn cầu hóa nhưng thực ra sự liên kết này phụ thuộc chủ yếu bởi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Chúng ta đang cô đơn cùng nhau trong một thế giới kết nối toàn cầu, điều này có vẻ phi lý, nhưng những gì đang diễn ra sự phi lý đó là thực tế.
Trần Tuấn chia sẻ trong những ngày giãn cách xã hội của dịch COVID- 19

Bức tường mộng mơ của Trần Tuấn trong dự án cải tạo bãi rác Phúc Tân thành điểm đến nghệ thuật (2/2020)

Nhìn qua thấy hành trình của Trần Tuấn liên quan nhiều đến Tây, tưởng như khá rủng rỉnh nhưng té ra “tôi rất nghèo, chưa dám có bồ đâu”. Để nuôi nghề “đương đại” anh phải làm thêm nhiều nghề khác như vẽ tranh tường cho resort, trang trí thuê cho quán café…

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/tuan-then-lu-lu-no-cham-1649701.tpo