Tuần này, Quốc hội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Hôm nay, 11/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ 4, dành nhiều thời gian vào công tác lập pháp và thông qua một số Nghị quyết quan trọng.

Ở tuần làm việc thứ 4 này, QH sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 (được truyền hình, phát thanh trực tiếp) và tiến hành biểu quyết, thông qua các nghị quyết quan trọng, bao gồm Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020.

Trước đó, theo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) của QH cho biết, Ủy ban TC-NS cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ khi xây dựng tổng dự toán thu NSNN năm 2020 tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản tăng thu và giảm thu NSNN trong năm 2020 để phấn đấu tăng thu ở mức cao hơn (khoảng 4-4,5%).

Về dự toán thu nội địa, Chính phủ lập dự toán tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2019, chiếm 83,6% tổng thu cân đối NSNN, Ủy ban TC-NS đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng phấn đấu đạt các mục tiêu này, đề nghị cần cân nhắc cơ sở mức tăng thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh; có giải pháp tích cực hơn để khai thác hiệu quả nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước.

Về chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Với đề xuất này, so với mức hiện tại 1,49 triệu đồng, lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng/tháng, tương đương tăng 7%.

Theo dự kiến, trong tuần này, QH cũng sẽ nghe và thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo tờ trình dự án Luật này được Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 vừa qua, tính đến tháng 1/2019, cả nước có 336 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ký kết, huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhưng thực tiễn cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Đã xảy ra bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí. Cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ...

Dự án luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập đã được phát hiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trong ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ở tuần làm việc thứ 4 này, QH cũng sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/tuan-nay-quoc-hoi-thong-qua-nhieu-nghi-quyet-quan-trong-478941.html