Tuần lễ bận rộn của ASEAN

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết Malaysia muốn nhanh chóng hoàn tất thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 30-7 đến 4-8, tập trung thảo luận những vấn đề nóng của khu vực và thế giới, như tình hình biển Đông, thương mại tự do, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên…

Biển Đông lên bàn nghị sự

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore hôm 29-7 cho biết AMM 51 sẽ đánh giá tiến triển của quá trình hợp tác khu vực và thảo luận việc thực thi Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo. "Các bộ trưởng cũng sẽ bàn về biện pháp tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá quan hệ đối ngoại của khối, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế" - tuyên bố cho biết thêm.

Theo báo The Straits Times, vụ vỡ đập thủy điện ở Lào mới đây cũng có thể thúc đẩy các bộ trưởng thảo luận biện pháp giảm nguy cơ xảy ra những thảm họa tương tự, cũng như cách ứng phó tốt hơn và giảm thương vong nếu chẳng may thảm họa xảy ra.

Tình hình biển Đông là nội dung không thể thiếu tại AMM 51 sau khi ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 5 đã hoàn tất dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết nước ông muốn nhanh chóng hoàn tất thảo luận COC. Bộ trưởng Saifuddin nhận định việc Bắc Kinh cho xây dựng các căn cứ quân sự và đưa vũ khí đến các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại.

"Tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự" - ông Saifuddin nhấn mạnh, cũng như nhận định COC hiệu quả hơn Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động giao thương toàn cầu này.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhóm họp tại Singapore hồi tháng 2-2018 Ảnh: REUTERS

Tâm điểm Triều Tiên

Tình hình Triều Tiên chắc chắn xuất hiện tại một loạt hội nghị sau đó giữa ASEAN và các đối tác, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Thượng đỉnh Đông Á. Đây dự kiến là lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho gặp người đồng cấp đến từ 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác khác kể từ khi tình hình bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt theo sau các hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều và Mỹ - Triều.

Hãng tin Yonhap hôm 30-7 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang tìm cách thu xếp một cuộc gặp riêng với người đồng cấp Triều Tiên bên lề ARF. Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên bộ trưởng ngoại giao hai miền Triều Tiên gặp nhau kể từ năm 2007. Dù vậy, hiện chưa rõ ông Ri Yong-ho và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có gặp song phương hoặc họp 3 bên với Bộ trưởng Kang tại Singapore hay không.

Một cuộc gặp ba bên như thế sẽ là cơ hội thảo luận về một tuyên bố chính thức khép lại cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 30-7 ra tuyên bố cho biết bà Kang dự định đề cập nỗ lực của Seoul trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên khi tham gia các sự kiện ở Singapore tuần này.

Ngoài Triều Tiên, những chủ đề nổi bật khác nhiều khả năng là tầm quan trọng của một trật tự dựa trên luật lệ và những biện pháp bảo đảm kiến trúc khu vực vẫn mở và bao trùm giữa lúc Mỹ và Nhật Bản đang nói đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trước khi đến Singapore tham dự các hội nghị liên quan đến ASEAN, ông Pompeo công bố các sáng kiến đầu tư tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng dành cho Ấn Độ - Thái Bình Dương tại một diễn đàn ở thủ đô Washington tối 30-7 (giờ địa phương).

Ông Brian Hook, cố vấn chính sách cao cấp của Ngoại trưởng Pompeo, cho biết những sáng kiến trên chỉ mới là cam kết ban đầu của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực này.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tuan-le-ban-ron-cua-asean-20180730205247694.htm