Tuấn Hưng bị vảy nến: có phải bệnh quái ác?

Ca sĩ Tuấn Hưng vừa bất ngờ công bố trên facebook thông tin gần một tháng qua anh muốn phát điên vì bị căn bệnh quái ác vảy nến tấn công. Sau khi chữa khỏi 70%, Tuấn Hưng quyết định công khai bệnh với mong muốn hỗ trợ những người xung quanh. Bên cạnh những chia sẻ động viên của khán giả, đã có một số lời đồn trên mạng xã hội rằng Tuấn Hưng mắc bệnh nguy hiểm, lây lan như… HIV. Để giúp bạn đọc có thông tin đúng đắn, Người Đô Thị giới thiệu ý kiến của chuyên gia.

_________________

Tuấn Hưng: “Mình vẫn là người bình thường...”

Dòng trạng thái ngắn của Tuấn Hưng chia sẻ trên facebook ngày 22.6 cho biết, sau khi suy nghĩ rất kỹ, anh quyết định công khai bệnh, một việc mà khi hỏi ý kiến những người quen ít nhiều đã gây tranh cãi, bởi anh là ca sĩ được nhiều người biết đến. “Nhưng xét cho cùng, Hưng vẫn là một con người bình thường như bao người khác. Cũng có buồn vui, bệnh tật, và căn bệnh quái ác đang bị là vảy nến. Mất gần một tháng phát điên vì nó. Nổi khắp người, đầy đầu, mặt, chân tay... Hưng che chắn các kiểu nhưng vẫn có những nơi trên cơ thể không thể ngụy trang. Có lúc căng thẳng dẫn đến suy sụp. Tắm biển, bôi thuốc, uống nước mát vẫn không thuyên giảm…”, Tuấn Hưng kể.

Tuấn Hưng cho biết, sau chuyến đi lưu diễn ở London về, anh không chịu nổi những cơn đau nên đã tìm đến một bác sĩ tên Quý nhờ điều trị, qua giới thiệu của người bạn. Bác sĩ kết luận Tuấn Hưng bị vảy nến. “Trời ơi, càng căng thẳng hơn. Sau khi khám và cho thuốc tây uống, bác sĩ Quý nói cứ bình tĩnh điều trị, không nên lo lắng và sốt ruột. Hôm nay là một tuần Hưng chữa bằng phác đồ điều trị của bác sĩ Quý và kết quả là mọi thứ ngoài mong đợi: đỡ đến 70%...”, Tuấn Hưng nói, kèm theo hình ảnh chụp đối chứng lúc phát bệnh và sau điều trị.

Tuấn Hưng cho biết anh công khai bệnh vì thấy có rất nhiều người xung quanh cũng đang bị vảy nến: “Hưng không có ý quảng cáo về bác sĩ, chỉ là muốn mọi người nhìn những tấm hình của Hưng sau một tuần và thấy rõ những gì Hưng muốn nói”.

Tuấn Hưng cho biết sẽ có cuộc livestream nói rõ hơn về quá trình điều trị vảy nến, vì sức khỏe của bản thân và mọi người. Ảnh: C.T.V

Tuấn Hưng cho biết sẽ có cuộc livestream nói rõ hơn về quá trình điều trị vảy nến, vì sức khỏe của bản thân và mọi người. Ảnh: C.T.V

Phản hồi một số người quen trên facebook, Tuấn Hưng cho biết lưng anh hiện còn một ít vảy nến nhưng là sẹo. “Cứ bình tĩnh, thoải mái tâm lý điều trị. Hưng biết không có gì là tuyệt đối nhưng mình xử lý được đến đâu thì chia sẻ đến đấy. Giúp được ai thì giúp, chứ còn tùy cơ địa mỗi người. Mừng khôn xiết khi gương mặt trở lại bình thường để còn sinh hoạt và làm việc...”, Tuấn Hưng nói.

_________________

Bệnh không gây nguy hiểm

BS. Võ Thị Bạch Sương (Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết vảy nến là bệnh ngoài da thường gặp, mạn tính, chiếm khoảng 2% dân số. Đây là bệnh không lây nhưng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lây như bệnh phong, giang mai, thậm chí HIV/AIDS. Vảy nến lành tính, thường không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng tác động xấu đến thẩm mỹ, tâm lý và những hệ lụy khác. Nam và nữ có khả năng mắc bệnh ngang nhau, người lớn gặp nhiều hơn trẻ em.

Bệnh phát thành từng đợt, tùy từng người mà những đợt tái phát liên tục hay rời rạc, biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ có giới hạn rõ và đóng vảy trắng đục. Khi đè lên, màu đỏ này biến mất. Khi cạo, gãi...vảy rớt ra một cách dễ dàng, giống như sáp đèn cầy hoặc có khi là mảng lớn. Các thương tổn này phân bổ một cách đối xứng ở rìa chân tóc, da đầu (trông giống như gàu), cùi chỏ, đầu gối, vùng xương cụt, bộ phận sinh dục hoặc các nếp gấp. Các mảng đỏ có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (vảy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm, khá đồng đều (vảy nến giọt). Trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân (vảy nến toàn thân).

Bệnh không đau, có thể ngứa với mức độ ít nhiều tùy người. Móng có thể bị hư, có các chất bột vụn đội bờ tự do lên và bị ăn khuyết dần hoặc phiến móng trở nên xù xì, lỗ chỗ như kim đâm. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp. Da có thể nổi nhiều mụn mủ ở bàn tay, bàn chân hoặc rải rác khắp người. Lúc này bệnh nhân thường bị sốt, mệt mỏi hoặc căng đau vùng da bị bệnh. Bệnh cũng có thể làm cho da cả người bị đỏ luôn không hồi phục (đỏ da toàn thân). “Do nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vảy nến là một trong những bệnh về da khó chữa hết hẳn. Điều này gây tâm lý chán nản cho người bệnh, làm họ căng thẳng. Càng căng thẳng, âu lo, buồn bực thì bệnh càng nặng. Tất cả tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến diễn tiến bệnh ngày càng xấu”, BS. Sương chia sẻ.

_________________

Chưa có cách điều trị khỏi hẳn

Theo BS. Sương, bất thường miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, các xáo trộn sinh hóa, chấn thương tâm lý, thuốc... cũng ảnh hưởng trên sự khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm. Những yếu tố làm bệnh nặng hơn là nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi trùng, căng thẳng, chấn thương tâm lý...

Bệnh vảy nến có tính di truyền, điều này đã được xác định rõ ràng trong 30 - 40% các trường hợp. Nếu trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ bị bệnh thì khoảng 8% các con sẽ mắc bệnh, còn nếu cả cha và mẹ cùng bị vảy nến thì khả năng mắc bệnh của các con là 41%. “Cần nhớ là vảy nến không lây lan cho người khác nên không cần cách ly hay xa lánh người bệnh”, BS. Sương nói.

Hiện có ba phương pháp chính điều trị vảy nến:

Thuốc uống: Bác sĩ thường kê toa các thuốc giúp giảm triệu chứng ngứa, lo âu, thuốc nâng tổng trạng... Thuốc đặc trị được cân nhắc cho các trường hợp nặng: biến chứng khớp, vảy nến mủ, đỏ da toàn thân...

Thuốc bôi: Bác sĩ thường kê toa các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng... Thuốc bôi có chứa các chất corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ. Lưu ý, các thuốc này dùng lâu sẽ gây teo da, rậm lông, nổi mụn, đỏ da, nghiện thuốc, tăng nguy cơ bội nhiễm (vi trùng, vi nấm, siêu vi trùng) hoặc làm nặng tình trạng bệnh...

Quang và quang hóa liệu pháp: dùng cho bệnh nhân vảy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da bệnh khá nhiều (hơn 40% diện tích cơ thể). Tuy nhiên, không phải ai cũng được áp dụng. Người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, đục thủy tinh thể, suy gan thận, có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da như ngộ độc arsenic, có các bệnh mà việc phơi nắng sẽ làm nặng thêm như bệnh lupus ban đỏ, porphyrie hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định…

“Tuy không điều trị hết hẳn nhưng việc trị liệu sẽ giúp cải thiện chất lượng sống, thuyên giảm các biểu hiện ngoài da, giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng nề, khó chữa. Không những thế, trị liệu đúng cách còn giúp bệnh nhân giới hạn các tác dụng phụ do thuốc gây ra”, BS. Sương cho biết.

___________

Phòng bệnh giúp ngăn chặn sự trầm trọng

Những việc nên làm: hiểu được tinh thần sống chung với bệnh một cách lạc quan. Biết cách chế ngự căng thẳng, vui chơi lành mạnh. Giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực. Ăn uống đủ dưỡng chất, nhiều đạm (người bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy tróc ra hằng ngày), ít béo, ngọt (đã có các nghiên cứu cho thấy có liên quan giữa vảy nến với rối loạn chuyển hóa lipid).

Điều trị vảy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít, theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Phòng ngừa và trị liệu sớm các nhiễm trùng đường hô hấp, răng miệng. Thoa kem giữ ẩm cho da khi bệnh thuyên giảm. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu phải điều trị đồng thời nhiều bệnh với nhiều thuốc uống cùng lúc. Một số thuốc uống có thể làm bệnh nặng thêm như thuốc kháng sốt rét hoặc gây tương tác hóa học với nhau.

Những việc không nên làm: Không cào gãi, chà xát thương tổn vì ở bệnh vảy nến có hiện tượng Koebner (nổi thêm sang thương mới sau khi có kích thích cơ học). Tuyệt đối không tự mua thuốc sử dụng, không điều trị theo mách bảo hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc trước đây mà không qua ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Không nên tắm nước quá nóng có thể làm nặng thêm tình trạng khô da tróc vảy. Không uống rượu...

“Phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn sự trầm trọng hơn là ngăn bệnh không xảy đến. Vì vậy tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết, giúp người bệnh có cuộc sống thoải mái”, BS. Sương lưu ý.

Vi Thoại - Minh Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tuan-hung-bi-vay-nen-co-phai-benh-quai-ac-14335.html