Tuần bệnh thứ 2 – Thời điểm quyết định đối với người mắc COVID-19

Sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson trở nên xấu đi vào tuần thứ hai sau khi được chẩn đoán mắc dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm phòng thí nghiệm ở London, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm phòng thí nghiệm ở London, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều bệnh nhân cũng gặp tình trạng tương tự nhà lãnh đạo Anh, khi họ nghĩ rằng bản thân đang hồi phục nhưng thực chất các triệu chứng lại trở nên nghiêm trọng hơn. Các bác sĩ gọi giai đoạn này là “sự sụp đổ tuần thứ 2”, cảnh báo nhiều mối đe dọa mà người bệnh phải đối mặt khi tiến gần đến những giai đoạn sau trong cuộc chiến trước COVID-19.

Trong một bài viết cho báo Business Insider, phóng viên khoa học Aria Bendix đã mô tả những gì cô trải qua trong tuần thứ hai “sụp đổ”. Aria cho biết lúc đầu cô chỉ bị đau người nhưng cơn đau nhanh chóng hết sau vài ngày. Vào thời điểm đó, cô nghĩ mình đang dần hồi phục nhưng không phải. Cô bắt đầu gặp triệu chứng tức ngực. “Như thể có ai bóp chặt lấy phổi. Hơi thở của tôi trở nên nặng nề hơn”, Bendix viết.

Sau khi vào phòng cấp cứu, mặc dù không thể xét nghiệm cho Bendix song các bác sĩ cho biết các triệu chứng cô gặp phải có dấu hiệu của người mắc COVID-19.

Về nhà, Bendix vẫn tiếp tục khó thở. Một tuần qua đi, cô mới bắt đầu cảm thấy bình thường trở lại. “Đó là lúc tôi bắt đầu đau họng. Trong 24 giờ, tôi cảm thấy khó nuốt thức ăn hay nước uống. Đến ngày thứ 14, các cơn đau người quay lại”.

Anh Chris không hút thuốc và không có bất kỳ bệnh lý nền nào nhưng chuyển biến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn vào tuần thứ 2. Ảnh: BI

Trong khi đó, Susan Kane - sinh sống tại Washington có chồng mắc COVID-19 – chia sẻ cô rất sốc khi chứng kiến chuyển biến bệnh của chồng từ ho khan thành nghiêm trọng chỉ có vài ngày. Chồng cô, anh Chris (55 tuổi) không hút thuốc và không có bất kỳ bệnh lý nền nào.

“Bắt đầu chỉ là ho khan. Anh ấy không có triệu chứng nào khác ngoài ho liên tục. Vài ngày sau, các cơn ho càng lúc càng dữ dội, và đến thời điểm anh ấy bắt đầu như mắc nghẹn và thở gấp”.

Một tuần sau các triệu chứng trên, Chris được chẩn đoán mắc COVID-19 và cần trợ giúp thở oxy từ bên ngoài. Hiện Chris đã hồi phục hoàn toàn.

Dựa trên trải nghiệm của chính mình, phóng viên chính trị John Craven cho biết virus SARS-CoV-2 sẽ “đánh lừa” người bệnh để họ nghĩ rằng mình đang hồi phục, song sau đó, những triệu chứng như sốt, chóng mặt quay trở lại.

Craven bắt đầu có những triệu chứng như đau người, chóng mặt, khó thở trong 5 ngày đầu mắc bệnh. Đến ngày thứ 5, Craven cho biết mình cảm giác khỏe hơn và thậm chí còn tập thể dục tại nhà. Chỉ sau đó vài giờ, Craven lại về tình trạng mệt như những hôm đầu.

“Đó là lý do vì sao chúng tôi đang tìm cách giảm các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất có thể, vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với nhóm đối tượng ít tuổi hơn, và những người đó không hề có bất kỳ một bệnh lý nền nào khác”, Tiến sĩ Norman Swan giải thích trên chương trình Coronacast của đài ABC.

Theo bà Michelle Gong - Giám đốc Nghiên cứu Chăm sóc Tích cực tại Trung tâm y tế Montefiore (Anh), bệnh nhân mắc COVID-19 thường “ổn ban đầu, và tầm 5-7 ngày sau khi được chẩn đoán, sức khỏe bệnh nhân sẽ trở nên tồi tệ hơn và phát triển triệu chứng suy hô hấp”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước chừng thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người là 14 ngày. Ban đầu, bệnh nhân nhiễm virus có thể gặp những triệu chứng nhẹ như ho khan, sốt nhẹ hoặc đau đầu. Thông thường, đến tuần thứ 2, hoặc là sức khỏe bệnh nhân cải thiện hoặc là xấu đi đột ngột. Đối với những trường hợp nặng thêm, bệnh nhân thậm chí phải đưa vào phòng cấp cứu điều trị.

“Dường như đây là thời điểm mà cơ thể người bệnh quyết định xem có thể đánh bại được virus này hay không”, bác sĩ chuyên khoa phổi Ken Lyn-Kew trả lời kênh NBC News.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tuan-benh-thu-2-thoi-diem-quyet-dinh-doi-voi-nguoi-mac-covid19-20200414110550938.htm