Tựa vào 'Giấc sen'

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo quê Lào Cai, hiện sống tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Chị đã in 12 tập thơ và trường ca, 2 tập ký, tản văn. Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 2016 (tập thơ 'Cộng ta vào thế giới') và từng được mời đi trình diễn thơ Salam tại Cộng hòa Pháp.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và Giấc Sen

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và Giấc Sen

Ngày mai, 17/9/2020 chị ra mắt “Giấc sen”, dày dặn, gồm 120 bài, đa thể loại, đa đề tài, đa bút pháp, có cả thơ namkau, haiku. Dù sở trường chị là thơ dài và trường ca.

Đề tài Sen, tôi nhớ trong “Cộng ta vào thế giới”- NXB Hội Nhà văn năm 2016, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo có bài “Vũ hội sen”. Bài này chị đã in trong tập “Những vẻ đẹp khác” – NXB Hội Nhà văn năm 2014. Tôi bị choáng ngợp với vũ hội này. Bài thơ ngồn ngộn thi ảnh sex quá đỗi: “ngờm ngợp hương”, “tòa đêm”, “khóe môi xinh ngậm thơm sương nõn”, “cổ cao mơ”....Bài thơ cho người đọc hình dung về một đầm sen đang nở lộng lẫy trong gió. Tôi đọc thơ viết về sen khá nhiều, mỗi tác giả khai thác đề tài theo một cách, ẩn ngữ, ẩn nghĩa, ẩn dụ khác nhau. Phạm Phương Thảo thì tôn vinh “vũ hội sen”: Vũ hội sen mãi bay lên vũ khúc đầm lầy...

Sen là biểu tượng của vẻ đẹp

Ca dao có câu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hoặc “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tôn vinh vũ hội sen là tôn vinh cái đẹp, sau cái đẹp của sen là cái đẹp người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, cực nhọc nhưng thơm thảo, luôn nhường nhịn, hy sinh để dệt gấm thêu hoa cho cuộc đời; mang lại hạnh phúc cho người khác.

Tôi nghe nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo khoe, chị đã làm đến hàng chục bài thơ về sen, kể cả lục bát về sen. Nghe đâu Phạm Thị Phương Thảo định in 1 tập lục bát có tên “Lục bát sen”. Chị làm tôi tò mò đến nỗi, tôi không thể không đọc “Giấc sen”.

Sen lan tỏa cái đẹp của hoa, của lá, của cành

Sen bung cánh như sinh ra để nở

Môi sen thơm làm đêm quyến rũ

Cái đẹp của sen vẽ vào tàn úa

Sen thật xa thật gần, em thật gần thật xa

(Giấc sen)

Như đã nói, hoa Sen là biểu tượng, dù màu gì cũng là biểu tượng. Hoa sen trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Trong Phật giáo Tantra, đóa sen biểu thị cơ quan sinh dục nữ và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Trong thai tạng giới Mạn-đà-la, đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-đà-la, biểu thị tử cung (Thai tạng) của thế giới. Các đóa hoa sen có màu khác nhau biểu thị những liên kết khác nhau. Hoa sen có mặt trong các công trình Phật giáo như cây hoa sen thực trong các hồ ở chùa, có mặt ở các tòa sen của các vị chư Phật, chư thần. Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như trong tranh lụa Tây Tạng có dấu chân của Thanh-đa-la trên hoa sen. Trong các tranh ảnh về cảnh Cực lạc Phật giáo, người ta tin rằng, những linh hồn kém đức hạnh thì được tái sinh vào những đóa sen còn khép và phải đợi cho đến khi hoa nở mới nhận được sự giúp đỡ của A-di-đà.

Rất nhiều nhà thơ nữ, thông qua hình tượng nghệ thuật về hoa sen để gửi gắm nỗi niềm. Ví mình như hoa sen là quyền chính đáng của phụ nữ. Tôi chưa thấy nhà thơ nam nào ví họ như hoa sen. Đàn ông phải là núi, là đá, thác...kể cả mãnh hổ. Phạm Thị Phương Thảo không ngoại lệ. Nhưng đọc bài “Giấc sen” của Phạm Thị Phương Thảo tôi thấy chị “hơi ghê”. Giấc sen có thể hiểu là giấc mơ về sen hoặc giấc ngủ của chính sen. “Sen bung cánh như sinh ra để nở/ Môi sen thơm làm đêm quyến rũ”, nếu ví người phụ nữ như bông sen thì hẳn đó là người phụ nữ quá đẹp, phồn thực đến mức đêm cũng bị quyến rũ.

Tất nhiên, giống như bông sen nở giữa đầm lầy, người phụ nữ xuân sắc có thì. Tất cả sẽ “tàn úa”. Có điều hương thơm của sen, thơm cả cánh chuồn chuồn, thơm từ thu vịnh, thu điếu, thu ẩm đến cả mùa đông. Thơm luênh loang như thế.

Sen thật xa thật gần, em thật gần thật xa”, câu kết của bài “Giấc sen” ý nghĩa như một thông điệp. Sen đã hết mùa rồi, thật xa đấy nhưng thấy gần vì hương thơm vẫn bâng khuâng mãi; em thật gần thật xa. Em đang bên anh đấy, đang gối ấp tay kề đấy, nhưng già rồi liệu anh còn mê đắm như thời em còn trẻ? Hơn cả thông điệp là lời nhắc nhở, cảnh cáo đấy nhé.

Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Không sao, phụ nữ thường lo xa. Với đàn ông, người phụ nữ của mình giống như bông sen, dẫu thật xa nhưng thật gần. Hương thơm mãi bủa vây cuộc đời họ. Bài thơ ngắn, tứ thơ chặt.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo không dấu giếm hạnh phúc: “Em kết sen, trong tập “Những vẻ đẹp khác” tinh thần sen gần như xuyên suốt cả tập thơ”. Yêu sen đến độ ấy chỉ có Phạm Thị Phương Thảo. Tôi xem mục lục thì ngoài “Vũ hội sen”, tập thơ còn có “Bùn thơm trong sen”, “Nước mắt sen”.

Viết về sen thì nhiều nhà thơ đã viết, nhưng ca ngợi bùn thì tôi chỉ mới biết Phạm Thị Phương Thảo: “Những lời tuyệt diệu đời dành hết cho sen/ Mấy ai nhìn thấy sự lộng lẫy của bùn”, (Bùn thơm trong sen). Khổ cuối bài thơ chị viết:

...

Nơi chân trời ngậm ngùi đen đỏ

Ngàn đời bão tố

Và ngàn đời nâu đen

Ngàn đời

Bùn

Tỏa hương trong sen.

Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động Việt Nam mang nét đẹp bình dị, thôn dã, lúc nào cũng ngan ngát toa hương, một thứ hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn mùi vị nào khác dù hoa sen trong đầm. Đầm lầy càng u tối, bùn càng “lộng lẫy” thi hoa lại càng đẹp đẽ, sáng chói. Thông qua các bài ca dao xưa về sen, hình ảnh của người dân lao động Việt Nam hiện lên một cách tự nhiên, hợp lý đến tài tình. Tôi cho rằng “bùn” trong bài thơ “Bùn thơm trong sen” của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo là một ẩn dụ. Chân trời, vâng, nơi đó dấu những “đen đỏ” đến “ngậm ngùi”. Cuộc đời này cũng như trong tự nhiên nhiều “bão tố” lắm. Nó là quy luật ngàn đời rồi. Trong mắt Phạm Thị Phương Thảo, “bùn” kia mới chính là nhân dân, là người lao động. Họ luôn là người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhưng chính những người dân chân lấm tay bùn, là mẹ, là cha ta...mới góp phần “thêu dệt” nên vẻ đẹp của xã hội; họ làm ra lúa, ra ngô, làm ra các giá trị vật thể và phi vật thể. Bùn ngấm trên từng sợi tóc mẹ ta, chị ta, em ta...Phạm Thị Phương Thảo đứng về phía những người yếm thế, thiệt thòi, tôn vinh họ đẹp đến “lộng lẫy” của họ.

Không có bùn sen không thể vươn lên, ta hoa, tỏa hương. Phạm Thị Phương Thảo đã hết sức tinh tế khi nhận ra bùn “tỏa hương trong sen”, tôn vinh bùn, bởi “bùn” trong thi ảnh của Phạm Thị Phương Thảo có đời sống và thân phận. Phạm Thị Phương Thảo còn có những bài thơ tình khi viết về sen như “Nước mắt sen”... “Chiều Hồ Tây/ Thu run run tiếng thở” và “Và một ngày/ Sen hồ Tây không nở”. Vâng, đã sang thu thì đâu còn sen, đó là tự nhiên nhưng có một loài sen khác nở những “búp gió” thì xuyên mùa xuân hạ thu đông. Có thể đó là trái tim em, đang chờ anh. “Búp” ấy chỉ nở một lần, nở cho một người.

16/9/20

NĐH

Ngô Đức Hành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tua-vao-giac-sen-79367