Tự ý vẽ nơi công cộng, tường nhà dân: Vi phạm pháp luật, bôi xấu đô thị

Thời gian gần đây, trên địa bàn một số quận của TP Hà Nội xuất hiện rất nhiều chữ viết, hình vẽ 'lạ' trên tường, cửa nhà dân, công trình công cộng, gây bức xúc trong dư luận. Việc làm này nếu chưa được sự cho phép của chủ sở hữu các công trình là vi phạm pháp luật, đồng thời làm mất mỹ quan đô thị.

Cùng giữ vệ sinh chung

Bức xúc tình trạng viết, vẽ bậy

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, anh Phạm Ngọc Minh, nhà ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ vừa bỏ 2 triệu đồng sơn lại nhà cửa để đón xuân, nhưng chỉ qua đêm mùng 4 tháng Giêng, cửa cuốn nhà anh đã bị bôi bẩn bởi nhiều nét vẽ loằng ngoằng. "Tôi lại phải tốn công, tốn tiền để sơn lại. Bức xúc mà không biết kêu ai vì đối tượng vẽ trộm vào ban đêm" - anh Ngọc Minh chia sẻ.

Tường dưới cầu Long Biên bị vẽ bừa bãi.

Tường dưới cầu Long Biên bị vẽ bừa bãi.

Tương tự, nhiều cửa cuốn, tường của hàng trăm hộ dân đường Nghi Tàm, Âu Cơ, Yên Phụ (quận Tây Hồ) cũng bị vẽ bậy. Thậm chí, tuyến đường Nghi Tàm mới được đầu tư mở rộng để tạo diện mạo mới về cảnh quan văn minh đô thị, nhưng những bức tường dọc tuyến đường này cũng xuất hiện hình vẽ tự phát.

Khảo sát thêm tại nhiều tuyến đường phố các quận khác, phóng viên nhận thấy tình trạng viết, vẽ bậy tràn lan trên diện rộng và xuất hiện cả ở những khu vực trọng điểm về giao thương, tuyến phố chính, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn minh đô thị. Cụ thể như bức tường phố Gầm Cầu cạnh cầu Long Biên, tường rào tại ngã tư chắn tàu Điện Biên Phủ - Nguyễn Thái Học; tại các khu nhà chờ xe buýt đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hoàng Diệu, Hàng Than... Đáng phê phán hơn, đối tượng còn viết, vẽ bậy lên rất nhiều tủ điện, nhà vệ sinh công cộng, cột điện tại những tuyến phố trung tâm như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền...

“Những chữ viết và hình vẽ quái dị này mất mỹ quan, cần được điều tra tìm ra "chủ bút" và có hình thức xử lý thích đáng” - bác Lê Hùng ở phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm bức xúc. Còn anh Brad Kevin, người Anh, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội đã 3 năm bày tỏ: "Loại hình vẽ tranh đường phố graffiti (vẽ lên tường) là một hình thức quảng bá hình ảnh, tôn vinh vẻ đẹp của một nơi, nhưng hình vẽ phải phù hợp truyền thống, văn hóa nơi đó và phải được sự cho phép của người quản lý (đối với cá nhân) hoặc cơ quan chức năng (đối với nơi công cộng). Nhưng việc viết, vẽ graffiti lên tường, cửa nhà dân, những công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay tôi rất phản đối vì mất mỹ quan”.

Tăng cường giám sát của cộng đồng

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, việc vẽ tranh bích họa đường phố nếu có sự quản lý và hướng dẫn của những nhà mỹ học thì rất tốt, tôn lên vẻ đẹp phố phường, xóa đi sự “khô khan” từ những bức tường xi măng nhà cửa hay công trình công cộng. Nhiều vùng nông thôn, cùng với xây dựng nông thôn mới là phong trào vẽ tranh tường về cảnh đẹp quê hương đất nước; ở nội thành vẽ tranh đường phố có hiệu quả khi tranh vẽ ở xung quanh trường học phù hợp với môi trường sư phạm; gần đây là việc vẽ tranh trang trí tủ điện cũng mang lại hiệu ứng tốt, làm đẹp diện mạo đô thị.

"Song, ngược lại, vẽ tranh bích họa đường phố tự phát không được kiểm duyệt nội dung có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa truyền thống, mất mỹ quan, thậm chí tác động đến nếp sống, nếp nghĩ, tư duy của nhiều người...", ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.

Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, sau khi đường Nghi Tàm được mở rộng, dọc bức tường ở đây bị vẽ bậy, phường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên phường tiến hành sơn phủ trắng, nhưng sau đó, những mảng tường màu trắng tái xuất hiện hình vẽ graffiti tự phát. Nhằm ngăn chặn việc này, phường chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xác định đối tượng vẽ bậy. Đồng thời, đề nghị ban bảo vệ dân phố và các hộ dân ven đường tố giác nếu thấy hiện tượng vi phạm.

Về việc này, bà Chu Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ cho hay: “Quận đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc tuần tra, mật phục bởi đa phần các bức tranh được vẽ lén lút vào ban đêm, ít người qua lại. Để phát hiện các hiện tượng vẽ tự phát, vai trò giám sát, phát hiện của cộng đồng rất quan trọng nên cần phải tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc”.

Theo luật sư Hồng Thái, Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp: Việc viết, vẽ hình lên tường nhà người khác, tường công cộng do Nhà nước quản lý mà chưa được sự đồng ý, cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi, tường nhà, hàng rào nhà ở của người dân là tài sản thuộc sở hữu cá nhân hoặc tường công cộng là tài sản của Nhà nước, do Nhà nước quản lý nên cần phải xin phép khi vẽ hoặc có bất cứ hành vi nào tác động lên đó. Dưới góc độ pháp luật, tùy tính chất, mức độ thiệt hại mà có thể xem xét để xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tài sản bị hành vi viết, vẽ, xâm hại là di vật, cổ vật thì người viết, vẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/927590/tu-y-ve-noi-cong-cong-tuong-nha-dan-vi-pham-phap-luat-boi-xau-do-thi