Tự ý đặt tên dự án bất động sản

*Bạn đọc hỏi: ông Nguyễn Lê Đông Vĩnh, trú P.Cẩm Phô (TP Hội An, Quảng Nam), hỏi: Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp bất động sản (BĐS) liên kết với một số nhà đầu tư đã tự đặt tên dự án (DA) như: khu dân cư, khu phố chợ..., đồng thời "vẽ rồng, vẽ phượng" và tổ chức phân lô, bán nền. Là một nhà đầu tư BĐS, tôi rất bức xúc về việc này. Rất mong Chuyên mục giải đáp giúp tôi việc tự ý đặt tên DA như vậy có đúng với quy định pháp luật không, pháp luật quy định cụ thể như thế nào về việc đặt tên dự án BĐS và chế tài đối với hành vi vi phạm.

*Luật sư Phạm Văn Thanh - Phó trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Tên DA BĐS là tên DA mà chủ đầu tư đã đăng ký với cơ quan chức năng khi xin phép triển khai DA. Hiện nay, pháp luật quy định về việc đặt tên DA như sau: tại khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở 2014 quy định: tên DA, tên các khu vực trong DA phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng; và Khoản 6 Điều 80 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định: mọi giao dịch có liên quan đến DA đầu tư xây dựng nhà ở phải sử dụng đúng tên gọi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, tên DA phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, doanh nghiệp BĐS hay chủ đầu tư không thể tự ý đặt tên DA và sử dụng. Đối với hành vi tự ý đặt tên DA và tổ chức phân lô, bán nền, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau: trường hợp 1: tại vị trí khu đất không có DA nhưng nhà đầu tư đã tự vẽ nên DA (hay còn gọi là DA "ma") để phân lô, bán nền. Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không lập DA đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê sẽ bị phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng (thuộc hành vi kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định). Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt nặng nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên (theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015). Trường hợp 2: tại vị trí khu đất đã có DA nhưng không đúng với thông tin chủ đầu tư cung cấp. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi đặt tên hoặc điều chỉnh tên DA đầu tư xây dựng nhà ở hoặc tên các khu vực trong DA không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đối với DA đầu tư không phải xây dựng nhà ở, doanh nghiệp có trách nhiệm công khai đầy đủ và trung thực các thông tin của BĐS. Hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về BĐS thuộc một trong các hành vi cấm được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS 2014 và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (theo Điểm b Khoản 1 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP). Mức phạt tiền vi phạm hành chính được thể hiện ở trên là mức phạt đối với tổ chức, mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_231421_tu-y-dat-ten-du-an-bat-dong-san.aspx