Từ vụ YouTuber Thơ Nguyễn: Giọt nước tràn ly cho thực trạng video 'bẩn' trên mạng xã hội

Không riêng gì Thơ Nguyễn hay bất kỳ một người làm sáng tạo nội dung nào mà xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, ngay cả những bậc phụ huynh, những người có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con trẻ cũng thật sự có lỗi.

Trong thời điểm mà công nghệ thông tin phát triển vượt bậc như hiện nay, thực trạng để trẻ em thường xuyên sử dụng các thiết bị di động, mạng xã hội đã không còn xa lạ. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, chính việc để con mình làm quen với các nền tảng công nghệ ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ dễ dàng phát triển hơn trong tương lai. Mặt khác điều này cũng giúp trẻ có thể tự tìm tòi, học hỏi thế giới xung quanh mà không cần quá lệ thuộc vào các kiến thức có sẵn trong sách vở.

Tuy nhiên cũng chính bởi suy nghĩ sai lầm này mà một số phụ huynh đã phải trả giá đắt. Việc nhiều kênh, trang mạng xã hội mang yếu tố độc hại đã khiến cho con trẻ bị "đầu độc suy nghĩ" vốn như trang giấy trắng. Số khác còn tai hại hơn khi phải đánh đổi bằng tinh thần, sức khỏe, thậm chí là đến cả tính mạng của mình.

Mới đây nhất chính là vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn bất ngờ đăng tải đoạn clip xin vía búp bê đã thật sự khiến nhiều phụ huynh cảm thấy sốc. Cụ thể trong đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội TikTok cách đây ít ngày, Thơ Nguyễn đã ôm một con búp bê có tên "Cư Ma Mập" rồi sau đó cho uống Coca chỉ để... xin vía học giỏi.

Vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn mới đây đã khiến nhiều phụ huynh "sốc".

Vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn mới đây đã khiến nhiều phụ huynh "sốc".

Vụ việc sau đó đã khiến cư dân mạng, đặc biệt là những bậc phụ huynh hoang mang bởi lẽ, Thơ Nguyễn chính là một trong những "hot YouTuber" hiện nay, sở hữu lượng fan đông đảo mà trong số đó chính là các cô cậu nhóc đang ở độ tuổi cắp sách đến trường.

Kênh YouTube của Thơ Nguyễn ra đời từ 2016 và hướng tới đối tượng trẻ em, với các nội dung mang tính giải trí như review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm đồ chơi handmade, các thử thách vui nhộn... Ngoài ra, kênh của Thơ Nguyễn còn đăng tải các video phim hoạt hình về cuộc sống của búp bê barbie, lớp học siêu quậy... được nhiều bạn nhỏ đón nhận.

Đây không phải là lần đầu tiên Thơ Nguyễn bị lên án bằng những đoạn clip với nội dung nhố nhăng, phản cảm mà trước đó nhiều lần, 9X cũng từng vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía người xem. Không chỉ riêng gì nữ YouTuber Thơ Nguyễn mà xét trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác như phim ngắn, ca nhạc hay các clip hướng dẫn,... cũng xuất hiện tràn lan những video với nội dung khiến dân tình nhìn thôi cũng đã thấy ngán ngẫm.

Thơ Nguyễn có lượng "fan" là trẻ em tương đối lớn, thế nên hành động mê tín dị đoan này quả thực rất khó chấp nhận.

Điển hình như trong năm 2020 vừa qua, cộng đồng mạng chắc hẳn đã quá quen thuộc với cụm từ "giang hồ mạng". Những cái tên như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Ngọc Ramboo hay "thánh chửi" Dương Minh Tuyền nhiều lần lọt top thịnh hành trên YouTube, vượt qua cả những cái tên nổi tiếng trong giới YouTuber cũng như các sản phẩm âm nhạc khác được đầu tư chỉn chu, bài bản.

Đứng trên phương diện là một ông bố để chia sẻ từ sự việc nữ YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: "Mình nghĩ là mọi người, nhất là các phụ huynh nên có động thái cứng rắn hơn với những thể loại clip tào lao bất chấp để kiếm tiền như vậy, vì nó ảnh hưởng rất xấu đến với con em chúng ta. Người biết suy nghĩ, có ăn học đàng hoàng không ai làm clip YouTube truyền bá nuôi và xin vía Kumathong cho các bé nhỏ như vậy!".

Một loạt những video bẩn tràn lan trên mạng xã hội đã khiến nhiều phụ huynh "sốc"

Không phải đến khi đoạn video của Thơ Nguyễn bị "đào" lại thì nhiều phụ huynh mới bắt đầu cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của con em mình khi tham gia các nền tảng mạng xã hội mà trước đó nhiều lần, những ông bố bà mẹ chắc chắn cũng từng đọc được hoặc chí ít là nghe qua những cụm từ như "thử thách cá voi xanh", "thử thách momo",... nguy hiểm đến chết người. Thế nhưng phần lớn vẫn thờ ơ và nghĩ rằng, chỉ cần mình quan tâm con một chút, để ý hành động của con một chút thì sẽ không bao giờ có thể xảy ra những sự việc đau lòng từ vấn nạn này.

Sự việc nữ YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua chắc chắn đã khiến những người lớn trong chúng ta "thức tỉnh" khi cứ vô tình bỏ qua những chuyện cứ tưởng như là vặt vảnh, chẳng hề ảnh hưởng gì đến sự phát triển của con trẻ. Tuy nhiên đó lại là một trong những lý do khiến các video bẩn ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Dù cho nhiều phụ huynh đã đặt sẵn những bộ lọc, cài đặt chế độ xem dành cho trẻ em thì đâu đó, những video "trá hình" này vẫn xuất hiện cực kỳ tinh vi. Chỉ một cái click chuột thôi là đã khiến con trẻ đã dễ dàng tiếp cận với "thế giới người lớn", đầy sắc màu nhưng cũng nhiều cạm bẫy...

Thử thách momo hay thử thách cá voi xanh đều là những thứ bắt nguồn từ mạng xã hội, gây ra không ít nỗi đau cho nhiều gia đình

Nói về vấn đề trẻ em ngày nay tiếp cận sớm với nền tảng Internet, đặc biệt là YouTube, nữ ca sĩ Cẩm Ly băn khoăn: "Mỗi khi ra đường, tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chừng 2 - 3 tuổi thoải mái ngồi chơi điện thoại, xem YouTube để bố mẹ có thể thảnh thơi làm việc khác.

Về vấn đền này, bản thân tôi cũng cảm thấy vô cùng khó chịu bởi ở nhà, tôi cũng không hài lòng nếu thấy con mình cứ chăm chăm ôm điện thoại nhưng lại không biết phải làm sao ngăn cấm chúng bởi điều này dường như đã trở thành một...' đại dịch' rồi".

Việc trẻ em sử dụng điện thoại để truy cập các nền tảng Internet vốn dĩ đã không phải là câu chuyện xa lạ.

Mặt khác, cơ chế xét duyệt lỏng lẻo, dễ dàng cũng là nguyên nhân khiến cho việc các video bẩn xuất hiện ngày một nhiều trên mọi nền tảng, từ YouTube, Facebook rồi bây giờ là TikTok. Chưa kể các "nhà sáng tạo nội dung" lại sử dụng các chiêu trò "bẩn" để qua mặt hệ thống kiểm duyệt.

Không quá khó hiểu khi tại sao nhiều nhà sáng tạo nội dung hiện nay lại chọn cách giật tít cho thật sốc hay cho ra đời những nội dung độc lạ đến mức không thể tưởng tượng ra được khi số tiền thu lại sau khi đăng tải những video này là cực kỳ lớn, gấp nhiều lần so với mức thu nhập của người bình thường, thậm chí là chẳng hề kém cạnh các nghệ sĩ nổi tiếng.

Lấy ví dụ điển hình như Thơ Nguyễn, kênh YouTube Thơ Nguyễn hiện đang là 1 trong 7 kênh có lượng người đăng ký khủng nhất Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê từ Social Blade thì con số người dùng nhấn nút theo dõi kênh là 8,74 triệu. Với hơn 6 tỷ lượt xem và trung bình 1,2 triệu lượt xem/video, mức thu nhập của Thơ Nguyễn từ YouTube ước tính rơi vào khoảng 107.000 - 1,7 triệu USD/năm.

Doanh thu cực khủng từ kênh YouTube của Thơ Nguyễn là một ví dụ điển hình cho "miếng mồi ngon" mà nhiều nhà sáng tạo nội dung đã và đang theo đuổi.

Với số tiền quá lớn thu được từ lượt xem video, chưa kể đến nguồn thu khác chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà sáng tạo nội dung bất chấp những điều tiêu cực mà vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đi trái với thuần phong mỹ tục chỉ để mang về những giá trị trước mắt. Họ - những người làm ra các video chứa nội dung "bẩn" đâu hề nghĩ rằng, chính việc làm của mình nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến những cô cậu nhóc đang trong độ tuổi ăn học.

Từ vấn đề YouTuber Thơ Nguyễn nói riêng cũng như thực trạng tràn lan video bẩn trên mạng xã hội nói chung, có thể dễ dàng nhận thấy, Internet thực chất là một con dao hai lưỡi. Nơi đây giống như một bãi rác khổng lồ mà ở đó, chúng ta có thể nhặt được những món đồ đắt giá được "giới nhà giàu" vứt bỏ hay cũng có thể là một món đồ đã hỏng.

Chính vì là một "bãi rác" chẳng người trông giữ nên khi bước vào đây, ai cũng có thể tùy chọn một món đồ mà mình mong muốn bất cứ lúc nào. Và vô tội vạ nhất ở đây chính là trẻ em, những đứa trẻ vốn hồn nhiên, ngây thơ, cứ vô tư click chuột mà chẳng màn đến việc mình đang rơi vào một chiếc lưới được giăng sẵn ra chỉ để "bắt cá". Nếu như không muốn con mình rơi vào những "chiếc bẫy" vô hình ấy thì hơn lúc nào hết, bố mẹ, gia đình chính là giải pháp hữu hiệu nhất để giúp đẩy lùi thực trạng nội dung bẩn tràn lan trên mạng xã hội.

Bố mẹ chính là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ an toàn của con trẻ trên nền tảng Internet

Việc tạo ra một không gian Internet an toàn nếu nói khó cũng chẳng khó mấy, nhưng nếu xem là dễ thì chưa chắc gì đã dễ. Không khó bởi dù thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn đang kiểm soát các thiết bị điện tử, tất cả đều do một tay chúng ta tạo ra việc dẹp bỏ không phải là vấn đề nằm ngoài tầm với. Tuy nhiên điều này cũng không hề dễ bởi muốn thực hiện chúng, muốn xóa sạch những nội dung bẩn thì cần sự chung tay hành động của cả một cộng đồng, thay vì từng cá thể riêng lẻ.

Hơn lúc nào hết, những ông bố bà mẹ hãy tạo cho còn mình kiến thức vững vàng trước khi bắt đầu tham gia vào nền tảng Internet. Không phải là những gì quá đỗi cao siêu mà ở đó, chúng ta hãy dạy cho con em mình cách làm sao để phân biệt đâu là nội dung nên xem, đâu là nội dung không nên xem. Ngoài ra, việc tập cho con trẻ những thói quen khi sử dụng Internet như đặt ra giới hạn về thời gian sử dụng, cung cấp thông tin về các trang web, nền tảng hữu ích, thích hợp với lứa tuổi,... cũng thật sự quan trọng nếu muốn con tránh xa những điều không tốt.

Tùy từng độ tuổi khác nhau mà lượng thời gian sử dụng Internet cũng sẽ khác nhau. Những trẻ dưới 2 - 3 tuổi có nhu cầu sử dụng Internet khác với trẻ 4 - 5 tuổi hay trẻ 5 - 7 tuổi và lớn hơn 7 tuổi. Thời gian sử dụng Internet của trẻ lúc này cũng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu xem các chương trình trên YouTube, để giải trí hay sử dụng các phương tiện kết nối Internet nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập. Chính bởi thế nên mỗi bậc phụ huynh cần xác định cụ thể mục đích, nhu cầu để từ đó phân bổ thời gian hợp lý, tránh để xảy ra tình trạng lạm dụng Internet quá mức dẫn đến hậu quả khó lường.

Nội dung an toàn cộng với thời gian sử dụng hợp lý sẽ mang đến cho trẻ sự phát triển tốt nhất

Trên thực tế, câu chuyện hàng loạt những video chứa nội dung bẩn ngày một tràn lan trên mạng xã hội không phải là vấn đề quá mới mẻ, tuy nhiên điều đáng nói ở đây chính là việc những video này ngày một xuất hiện theo cách tinh vi hơn, đi quá giới hạn xã hội hơn khiến cho những bậc phụ huynh lo lắng, sợ con mình rồi một ngày không xa nào đó cũng sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực ấy.

Không chỉ đơn thuần là việc dạy con làm sao để tránh được những điều xấu trên trang nền tảng Internet mà ở đó, bố mẹ, tất cả những thành viên trong cùng một gia đình cũng cần là tấm gương tốt để con cái noi theo, nếu như chúng ta không muốn mọi công sức đều bị đổ sông đổ biển.

Nhật Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/giot-nuoc-tran-ly-cho-thuc-trang-video-ban-tren-mang-xa-hoi-202103150812502407.html