Từ vụ việc học sinh bị tát: Trẻ dễ bị sang chấn tâm lý

Sau 2 vụ việc học sinh bị tát xảy ra vừa qua tại Quảng Bình và Hà Nội, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho rằng, việc bị tát liên tiếp nhiều cái có thể gây sang chấn tâm lý của trẻ, từ đó gây ra những rối loạn stress sau sang chấn dẫn đến các hành vi tự 'ngược đãi' bản thân.

Bé trai bị tát 231 cái tại Quảng Bình

Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Dương Minh Tâm cho biết, thông thường khi phải trải qua, chứng kiến hay đối mặt với sự kiện gây tác động mạnh mẽ đến tâm lý, trẻ em có thể có các phản ứng như rối loạn kích động, sợ hãi và lo âu mà các nhà tâm lý gọi là rối loạn stress sau sang chấn. Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc các chứng bệnh về tâm lý. Hiện nay, lứa tuổi học sinh, sinh viên chịu áp lực nặng nề từ học hành, thi cử đến những thay đổi về nhận thức trong cuộc sống, trong đó có những thay đổi về tâm sinh lý nhưng nhiều phụ huynh không nắm bắt được. “Trẻ em, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ mắc bệnh vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc” - TS Tâm cho biết.

Điều đáng nói, khi bị rối loạn stress vì không muốn người xung quanh biết, nhiều em đã có các hành vi tự làm đau bản thân, hay gặp là các em tự cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng; bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác, hoặc lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cấu rách da, nhịn ăn…
Theo TS Tâm, khi trẻ vừa trải qua một sang chấn thì biện pháp chủ yếu là trợ giúp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để giảm bớt rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ. Rối loạn stress sau sang chấn tuy không nguy hiểm nhưng để lại di chứng hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là tuổi thanh thiếu niên sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách, nếu trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ ảnh hưởng đến tính cách về sau. Vì vậy, trẻ cần sự trợ giúp của cộng đồng và gia đình bằng giao tiếp, tham gia vào các hoạt động tập thể.

Trần Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-vu-viec-hoc-sinh-bi-tat-tre-de-bi-sang-chan-tam-ly-331488.html